Kỳ thi THPT quốc gia 2020 diễn ra từ 23-26/7
Trả lời VTC News tối 22/2, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD&ĐT vừa quyết định "chốt" lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia.
Theo đó, kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 23-26/7/2020. Thời gian kết thúc năm học lùi lại đến 30/6/2020. Như vậy so với năm ngoái, thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 diễn ra chậm gần một tháng, tương ứng mức thời gian học sinh nghỉ học để phòng dịch Covid-19.
Chiều cùng ngày, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống, dịch virus Covid-19, các đại biểu đều đưa ý kiến rằng, tại Việt Nam công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương. Vì thế, việc các cấp có thẩm quyền xem xét cho học sinh đi học trở lại vào đầu tháng 3 là phù hợp và khả thi.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ có quyết định ban hành khung thời gian năm học (mầm non, phổ thông), nên các việc liên quan đến việc cho học sinh nghỉ học, nghỉ học đồng loạt trên cả nước thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Tương tự, Bộ LĐTBXH sẽ có quyền quyết định cho học sinh giáo dục nghề nghiệp đi học vào ngày nào.
Tính tới ngày 29/2 tới, học sinh, sinh viên cả nước sẽ nghỉ trọn 4 tuần. Bộ GD&ĐT đã bàn rất kỹ và sắp tới sẽ trình Bộ trưởng quyết định điều chỉnh khung chương trình thời gian năm học.
Theo đó, thời gian kết thúc năm học sẽ lùi một tháng tương ứng với thời gian đã nghỉ. Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức từ ngày 23-26/7, đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo, học sinh thi tốt nghiệp.
Chỉ lùi lịch, kế hoạch kỳ thi vẫn giữ ổn định
Theo TS Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được giữ ổn định như năm 2019. Do đó, năm nay Bộ GD&ĐT không công bố đề thi minh họa cho kỳ thi. Các thí sinh có thể tham khảo nguồn tài liệu tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019 đã được Bộ GD&ĐT công bố.
Tuy nhiên, đó chỉ là định hướng để ôn tập theo định dạng và cấu trúc, còn nội dung kiến thức đề thi năm nay có thể rộng hơn so với các tài liệu tham khảo này.
Ông Hồng cho rằng, phân tích từ các tài liệu tham khảo trên có thể thấy rõ phần lớn các câu hỏi trong đề là kiến thức cơ bản, chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12, có một phần nhỏ kiến thức của nội dung chương trình lớp 11.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, các thí sinh muốn đạt được điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 cần phải nắm thật chắc kiến thức cơ bản, vì những câu hỏi thuộc nhóm kiến thức này sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong bài thi.
"Khi làm bài, các em nên làm tuần tự từ trên xuống, vì độ khó của nhóm các câu hỏi sẽ tăng dần. Việc hoàn thành các câu hỏi cơ bản sẽ khiến các em có tâm lý tự tin, hứng khởi hơn. Nếu quá tập trung vào những câu hỏi khó, các em dễ bị rơi vào hoang mang, lo lắng, mất kiểm soát về thời gian làm bài", ông Hồng khuyên.
Các thí sinh nên tự rà soát, hệ thống hóa kiến thức cơ bản của chương trình THPT, tập trung chủ yếu vào nội dung chương trình lớp 12.
Học sinh nên xây dựng kế hoạch ôn tập với các chuỗi kiến thức được sắp xếp theo chủ đề, bám sát chương trình lớp 12 và những nội dung kiến thức có tính kế thừa từ lớp 10, 11. Việc ôn tập các chủ đề có thể hệ thống hóa bằng các mô hình, sơ đồ để có tính xâu chuỗi các mạch kiến thức với nhau để dễ hình dung, bao quát.
Video: Dạy và học trực tuyến trong thời gian tạm nghỉ do virus Covid-19. Nguồn VTC14:
Bình luận