Tại buổi tham vấn ý kiến chuyên gia về triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới và môn Lịch sử bậc THPT ngày 12/5, Bộ GD&ĐT đã lắng nghe ý kiến trao đổi về quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó đặc biệt trao đổi và lắng nghe những ý kiến phân tích sâu về cách bố trí và tổ chức dạy học môn Lịch sử.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Các chuyên gia đều khẳng định Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo đúng đường lối chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; công phu, khoa học, phù hợp với thông lệ quốc tế. Riêng với việc dạy học môn Lịch sử cấp THPT, trên cơ sở ý kiến của các chuyên gia, Bộ GD&ĐT sẽ cân nhắc các phương án trong thời gian sắp tới và xin ý kiến các cấp có thẩm quyền".
Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, được tự chọn nhiều môn học thay vì tất cả đều là môn học bắt buộc như hiện nay, trong đó Lịch sử là môn tự chọn.
7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
5 môn tự chọn thuộc 3 nhóm môn, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học, bao gồm: nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật)).
Ngoài ra, học sinh học môn học tự chọn là tiếng dân tộc thiểu số hoặc ngoại ngữ 2.
Bình luận