Trong công điện, Bộ GD&ĐT nêu rõ, hoàn lưu bão Yagi gây mưa lớn diện rộng, làm thiệt hại nặng nề cho các địa phương. Để nhanh chóng khắc phục hậu quả và sớm ổn định hoạt động dạy và học, Bộ yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo Bộ GD&ĐT, thời gian mưa lâu, kéo dài làm cho đất ngấm nước bị mềm, yếu, nguy cơ gây sạt lở đất cao. Vì vậy các đơn vị chủ động rà soát, kiểm tra các công trình có nguy cơ mất an toàn để có phương án sửa chữa, khắc phục. Cương quyết không đưa vào sử dụng các công trình không đảm bảo chất lượng, nguy cơ đổ sập.
Các đơn vị cần lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của giáo viên và học sinh. Di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khỏi các khu vực bị hư hại nặng hoặc chưa an toàn.
"Đặc biệt kiểm tra các điểm trường, các cơ sở giáo dục gần sông suối, gần khu vực nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất để cảnh báo hoặc ngừng cho học sinh đến trường nếu mất an toàn", công điện của Bộ GD&ĐT nêu.
Bộ cũng yêu cầu đảm bảo cung cấp kịp thời các nhu yếu phẩm và trang thiết bị dạy học cần thiết cho các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng; tổ chức hỗ trợ tâm lý cho giáo viên và học sinh bị ảnh hưởng bởi bão, đặc biệt là các gia đình bị thiệt hại về người và tài sản. Các Sở cần có kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng vật dụng cần thiết cho học sinh các trường bán trú, nội trú đảm bảo an toàn, chu đáo, thuận tiện cho học sinh.
Do ảnh hưởng của siêu bão Yagi, mưa lũ diễn ra trên diện rộng tại nhiều tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Hàng triệu học sinh của nhiều tỉnh thành đang phải nghỉ học vì bão, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất như: Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Cao Bằng...
Tại Hà Nội, thông tin từ UBND thành phố, đến hết ngày 9/9 có 2.698 trường học cho học sinh trở lại trường. 114 trường vẫn phải tạm dừng hoạt động do chưa bảo đảm các điều kiện an toàn để giảng dạy.
Bình luận