Có con đang học lớp 9 tại Hà Nội, chị Hoàng Thảo Phương (38 tuổi, quận Thanh Xuân) cho hay "cảm giác như ngồi trên đống lửa" khi xem thông tin về việc Bộ GD&ĐT dự kiến bốc thăm môn thi thứ 3 vào 10.
"Lướt mạng, tôi thấy các hội nhóm chia sẻ nhiều nhưng sợ là tin đồn nên gọi ngay cho hội trưởng phụ huynh lớp con tôi để hỏi, thêm vào đó là đọc hết các thông tin trên các tờ báo uy tín. Dù biết là dự kiến nhưng tôi rất lo vì nếu môn bốc thăm rơi vào đúng môn không phải thế mạnh của con thì cơ hội vào cấp 3 sẽ hẹp lại", chị Phương nói để chuẩn bị cho cuộc thi vào 10, con chị đã miệt mài học thêm 3 môn Toán, Văn, Anh suốt 4 năm nay. Số tiền chị Phương chi cho con ôn thi cũng không phải nhỏ.
Chị Phương cho hay năm nay là năm đầu tiên thi theo chương trình mới 2018 vốn sẽ có nhiều khác biệt, bỡ ngỡ, nay Bộ lại ra thêm phương án thi mới đúng là làm khó cho thí sinh.
"Thi như mọi năm gồm Toán, Văn, cùng lắm thêm môn tiếng Anh đã quá vất vả, nay thêm 1 môn có nghĩa là thời gian ôn luyện phải tăng lên. Chưa kể nếu đó không phải môn thế mạnh sẽ khiến con hoang mang, nhụt chí trước kỳ thi", chị Phương cho hay đã dành cả ngày thứ 7 để nghiên cứu các phương án Bộ đưa ra là xét tuyển hoặc thi tuyển.
Chị Phương đọc rất kỹ về trường hợp thi tuyển. Kỳ thi có thể diễn ra với ba môn Toán, Văn và một môn được bốc thăm ngẫu nhiên, thuộc chương trình mới. Môn này sẽ được công bố trước ngày 31/3.
"Như vậy các con chỉ có khoảng 2 tháng để ôn thi môn thứ ba. Tôi nghĩ thời gian quá gấp rút, các con sẽ không thể chuẩn bị kịp cả về kiến thức lẫn tâm lý để đối diện", theo chị Phương, việc bốc thăm như này khiến cuộc thi quan trọng trở thành trò may rủi.
Chị Phan Hải Hà (TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng có con đang học lớp 9 cho biết phương án của Bộ đang trở thành chủ đề nóng, được bàn tán xôn xao trong các hội nhóm.
"Tôi không đồng tình với phương án này. TP.HCM từ trước đến nay luôn đề ra mục tiêu ổn định thi cử để học sinh yên tâm học tập, ôn luyện, Toán, Văn và Ngoại ngữ cũng là 3 môn chủ lực, trọng tâm mà nay lại "vẽ" ra trò bốc thăm môn khác", chị Hà thắc mắc tại sao nói giảm tải nhưng lại tạo áp lực cho học sinh theo cách bất ngờ như thế này.
Chung tâm trạng sốt ruột như chị Phương và chị Hà, anh Lương Anh Thế (42 tuổi, Kiến Xương, Thái Bình) không đồng tình với phương án của Bộ GD&ĐT.
Con gái anh Thế có năng khiếu với các môn xã hội, nếu may mắn tỉnh Thái Bình bốc vào các môn như GDCD, Lịch sử, Địa lý thì con hoàn toàn tự tin. Nhưng không may môn thứ ba là Công nghệ, Tin học hay Khoa học tự nhiên, con anh Thế sẽ khó đấu lại các thí sinh khác.
"Ngay khi biết tin này, con tôi oà khóc, sợ vào các môn học không giỏi sẽ kéo điểm các môn khác xuống", chứng kiến con đã nỗ lực rất nhiều để thi vào ngôi trường chuyên mơ ước, anh Thế không muốn vì một môn thi mà tất cả công sức "đổ sông đổ bể".
Phụ huynh này nói, rất hiếm học sinh nào học tốt toàn diện các môn, dù có giỏi đều thì cũng có môn thế mạnh hơn các môn còn lại. Chưa kể hiện nay, các con vẫn quan niệm môn chính - môn phụ nên trong quá trình học, các môn chính thường được ưu tiên hơn.
Điều khiến phụ huynh này bức xúc hơn cả là trong danh sách môn thứ ba có cả Giáo dục thể chất và Nghệ thuật.
"Tôi không rõ là thi thể chất các con sẽ thi môn gì, nhảy xa, nhảy cao hay thi chạy? Còn nghệ thuật sẽ thi hát hay vẽ?", phụ huynh này cũng thắc mắc, nếu các cháu không đảm bảo đủ điều kiện sức khoẻ có được miễn thi thể chất không.
Cô Trần Thuý H. (một giáo viên xin giấu tên) cho biết dự kiến của Bộ GD&ĐT không chỉ tạo ra áp lực cho học sinh mà còn là áp lực với phụ huynh và nhà trường.
Cô H. hiểu mong muốn của Bộ GD&ĐT khi bốc thăm một môn ngẫu nhiên nhằm tạo ra kỳ thi vào 10 mang tính công bằng, tạo cho học sinh thói quen học đều các môn thay vì chỉ tập trung Toán hay Văn.
Tuy nhiên thời điểm công bố cuối tháng 3 là quá muộn, thí sinh không đủ thời gian chuẩn bị cho kỳ thi, các thầy cô cũng cập rập trong việc định hướng và ôn luyện.
"Nếu theo dự kiến của Bộ thì nên thực hiện và công bố từ đầu năm học để học sinh, giáo viên và phụ huynh chủ động hơn trong việc học và ôn tập", cô H. nói.
Theo dự kiến của Bộ GD&ĐT, kỳ thi vào lớp 10 năm 2025 có thể gồm Toán, Văn và một môn được bốc thăm ngẫu nhiên. Nội dung này nằm trong dự thảo thông tư Quy chế tuyển sinh THCS và THPT mới, đang được Bộ GD&ĐT lấy ý kiến.
Nếu được thông qua, ngoài 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, các địa phương sẽ bốc ngẫu nhiên một trong các môn Ngoại ngữ, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.
Về thời gian làm bài, môn Toán diễn ra trong 90 phút, Ngữ văn 120 phút, môn còn lại không quá 90 phút, môn chuyên 150 phút.
Các tỉnh, thành chủ động ra đề thi, có thể tự luận hay trắc nghiệm, hoặc kết hợp cả hai. Nội dung đề thi thuộc chương trình THCS, chủ yếu lớp 9, riêng môn chuyên phải đảm bảo chọn được học sinh có năng khiếu về môn đó.
Ở khâu chấm thi, Bộ đề xuất tổ chức chấm chung ít nhất 10 bài tự luận, sau đó là hai vòng chấm độc lập. Với môn trắc nghiệm, bài thi được chấm bằng máy.
2025 là năm đầu tiên kỳ thi lớp 10 được tổ chức theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bình luận