• Zalo

Bộ GD-ĐT công bố hướng dẫn ôn tập kỳ thi THPT quốc gia 2015

Giáo dụcThứ Tư, 18/03/2015 11:28:00 +07:00Google News

Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có hướng dẫn ôn thi THPT quốc gia năm 2015 gửi các sở GD-ĐT.

(VTC News)- Sáng nay, 18/3, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) đã có hướng dẫn ôn thi THPT quốc gia năm 2015 gửi các sở GD-ĐT.

Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở tổ chức học tập quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phổ biến quy chế thi đến phụ huynh, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện quy chế.

Các đơn vị giáo dục cần chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của các sở GD-ĐT, tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định.
Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể việc ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia 2015
Bộ GD-ĐT có hướng dẫn cụ thể việc ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia 2015 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, nội dung thi THPT quốc gia nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Bộ GD-ĐT không phát hành tài liệu ôn tập kỳ thi THPT quốc gia và không có quy định bắt buộc giáo viên, học sinh phải sử dụng tài liệu tham khảo cụ thể nào.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các sở chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm GDTX thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp với từng trường, từng nhóm đối tượng học sinh nhằm nâng cao chất lượng kỳ thi quốc gia năm 2015.

Sau khi kết thúc năm học theo kế hoạch thì viêc ôn tập của học sinh được thực hiện theo hướng tăng cường thời gian cho học sinh tự học.

Các trường cần chức việc ôn tập đảm bảo thời gian, tập trung vào những yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, quan tâm việc giúp học sinh nâng cao các mức độ thông hiểu và vận dụng kiến thức.

Bộ GD-ĐT yêu cầu, việc ôn tập cần chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại nhiệm vụ hướng dẫn năm học. Trong đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

Đối với môn ngoại ngữ cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết.

Nhà trường cần chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lớp chủ động phối hợp với giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp để phân nhóm học sinh lớp mình theo khả năng nhận thức, theo các môn thi tự chọn; báo cáo với lãnh đạo nhà trường chọn, cử giáo viên có khả năng, kinh nghiệm, nhiệt tình để hướng dẫn ôn tập.

Bên cạnh đó, các trường cần quan tâm giúp đỡ học sinh học lực yếu, vận động những học sinh khá giỏi hỗ trợ thêm, giúp những học sinh này nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản theo yêu cầu của chương trình.

Cũng theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, các trường THPT, các trung tâm GDTX chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải.

“Việc tổ chức học thêm nếu có để phục vụ ôn thi phải thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT và địa phương, đặc biệt là đảm bảo tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học”-hướng dẫn này nêu rõ.

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu, không được tổ chức phát hành, ép buộc học sinh mua các tài liệu tham khảo nói chung, các bộ sách ôn tập kỳ thi THPT quốc gia nói riêng.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn