Không khoa học
Nhiều chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội đều cho rằng nên bỏ điểm sàn ĐH, CĐ từ ngay năm 2014
Cùng quan điểm này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ Phó Vụ giáo dục đại học thông tin rằng năm 2001 bộ đề thi của Bộ GD-ĐT bị dư luận xã hội lên án do khuyến khích học sinh luyện thi, vì vậy kỳ thi chung đã ra đời. Khi đó, kỳ thi chung này không có điểm sàn mà chỉ có điểm chuẩn vào mỗi trường. Điểm này sẽ được các trường trình lên Bộ GD-ĐT để duyệt và công nhận.
Năm 2003, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã “đẻ ra” điểm sàn như hiện nay.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng đề thi đại học do Bộ GD-ĐT ở tất cả các môn, trong nhiều năm đều không chuẩn vì vậy phổ điểm cũng không chuẩn
Ông Lê Trường Tùng, hiệu trưởng ĐH FPT cũng cho rằng: “Chung đề thì phải chung đợt rồi. Nếu Bộ GD-ĐT bỏ đi việc quy định điểm sàn thì chỉ còn “1 chung” thôi – đó là chung đề. Khi đó các trường đại học sẽ tự chủ tuyển sinh dựa trên kết qủa của kỳ thi “1 chung” này.
Về mặt kỹ thuật, việc này có thể thực hiện ngay trong năm 2014, vì nói chung so với thi “3 chung” thì không thay đổi gì từ cách thi cử của thí sinh, từ việc trông thi và chấm thi của các trưởng, đến việc ra đề của Bộ. Có khác chăng chỉ là lo ngại từ phía Bộ GD-ĐT và từ phía xã hội là tại sao phải bỏ điểm sàn, việc này có ích lợi gì và có thể gây ra tác hại gì.
Tuy nhiên cũng phải nói là có lùi viêc này đến năm 2015, 2016… thì các lo ngại này vẫn còn nguyên. Cho nên hoặc là thực hiện, hoặc là không, chứ nói rằng để đến các năm sau mới thực hiện thì chẳng qua giải pháp mang tính “lộ trình” để né vấn đề”.
Không ảnh hưởng chất lượng
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc bỏ điểm sàn không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục đại học, thâm chí có thể còn tuyển được những thí sinh giỏi, có trình độ.
Bỏ điểm sàn đại học, cao đẳng từ 2014 có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng việc Bộ lý giải các trường lấy dưới điểm sàn sẽ không đảm bảo chất lượng là không đủ cơ sở. Giáo dục trên thế giới đã chỉ ra rằng nếu học sinh tốt nghiệp bậc học thấp sẽ được quyền đăng ký lên bậc cao hơn. Tuy nhiên, việc thí sinh này được nhận hay không còn do các trường quyết định.
Nếu đã quyết định giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các đại học, cao đẳng thì Bộ GD-ĐT không nên can thiệp.
Nền giáo dục cần có chuẩn quốc gia, ở đây chính là bằng tốt nghiệp THPT. Hiện nay Bộ đang can thiệp quá sâu vào quyền tự chủ của các trường.
Tiến sĩ Khuyến cũng cho rằng hiện nay Bộ GD-ĐT đã khống chế về chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên năng lực của các trường nên sẽ không có chuyện các trường tuyển sinh ồ ạt các thí sinh không có chất lượng.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết cũng đang lắng nghe các ý kiến từ dư luận xã hội về việc bỏ điểm sàn từ năm 2014
Như vậy, các trường cũng không phải gửi đề án lên Bộ GD-ĐT để chờ phê duyệt. Bộ cũng không có đủ người để thẩm định. Bộ chỉ nên tư vấn cho các trường còn việc tuyển sinh như thế nào sẽ phải do các trường tự chủ.
"Cứ giả sử số trường đặt điểm chuẩn bằng điểm sàn tuyển 20% sinh viên (gồm 10% từ các trường công lập, 10% từ các trường ngoài công lập – lưu ý 10% từ ngoài công lập tức là hầu hết các trường ngoài công lập vì tỷ trọng sinh viên ngoài công lập không đáng kể) và chất lượng đầu vào quyết định 30% chất lượng đào tạo – khi đó chất lượng đào tạo sẽ bị ảnh hường khoảng 6% - một con số nhỏ, chấp nhận được nếu tính đến các lợi ích mà việc bỏ điểm sàn mang lại", Hiệu trưởng đại học FPT phân tích thêm.
Việc “có thể ảnh hưởng” trong trường hợp bỏ điểm sàn mà không có giải pháp quản lý đồng bộ đi kèm.
Còn nếu Bộ GD-ĐT năm 2014 thực hiện biện pháp khống chế chỉ tiêu cho từng trường (thay cho khống chế bằng điểm sàn cho từng thí sinh) thì việc buông điểm sàn thực chất không sẽ không gây ảnh hưởng gì.
Trước các ý kiến của chuyên gia và dư luận xã hội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết việc bỏ điểm sàn ĐH, CĐ năm 2014 đang được lãnh đạo Bộ cân nhắc.
Tuy nhiên, ông Ga cũng cho rằng hiện tại nếu bỏ điểm sàn vẫn cần một ngưỡng tối thiểu để các thí sinh có thể được học đại học, cao đẳng. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT hiện cũng đang xin ý kiến dư luận và Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập về việc đưa ra tiêu chí ngưỡng tối thiểu để vào đại học.
Được biết, Bộ GD-ĐT sẽ công bố các thông tin quan trọng của kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong thời gian sớm nhất.
Bình luận