• Zalo

Bộ Công thương yêu cầu Philippines đưa thép Việt Nam ra khỏi cuộc điều tra tự vệ

Thị trườngThứ Hai, 13/07/2020 17:31:11 +07:00Google News
(VTC News) -

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương vừa gửi thư tham vấn và yêu cầu đưa Việt Nam ra khỏi 3 cuộc điều tra tự vệ của Philippines đối với một số sản phẩm thép.

Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương vừa có thư gửi Cục Nhập khẩu, Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines bày tỏ quan ngại về việc Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines khởi xướng điều tra 3 vụ việc tự vệ toàn cầu đối với một số sản phẩm thép nhập khẩu vào Philippines, bao gồm thép mạ kẽm, thép mạ nhôm kẽm và thép phủ màu.

Bộ Công thương yêu cầu Philippines đưa thép Việt Nam ra khỏi cuộc điều tra tự vệ - 1

Thép Việt Nam trước áp lực cạnh tranh. ( Ảnh minh hoạ).

Cục Phòng vệ thương mại đề nghị Cơ quan điều tra của Philippines tuân thủ nghiêm túc các điều kiện khởi xướng điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ theo quy định tại Hiệp định Tự vệ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Cục Phòng vệ thương mại yêu cầu Cơ quan điều tra Philippines cần xem xét các số liệu nhập khẩu cập nhật nhất khi phân tích, đánh giá việc nhập khẩu có gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước hay không.

Theo các số liệu nhập khẩu cập nhật, Cục Phòng vệ thương mại cho rằng kim ngạch nhập khẩu các sản phẩm thép mạ kẽm, thép mạ nhôm kẽm và thép phủ màu của Philippines từ Việt Nam ở mức không đáng kể, đủ điều kiện để được loại trừ khỏi các biện pháp tự vệ của Philippines căn cứ theo quy định tại Hiệp định Tự vệ và các phán quyết liên quan của Cơ quan giải quyết tranh chấp WTO.

Từ đầu năm đến nay, ngành thép Việt Nam liên tục đón nhận những thông tin không mấy khả quan khi bị các thị trường xuất khẩu khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại (PVTM), đặc biệt là khởi xướng điều tra lẩn tránh các biện pháp PVTM… Đáng chú ý, điểm mới là thép Việt còn bị Hoa Kỳ tự khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế ngay cả khi DN Hoa Kỳ không yêu cầu.

Trong tháng 2, Thái Lan đã ban hành kết luận cuối cùng của cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc NK từ Việt Nam (bao gồm 169 mã HS). Cụ thể, Ủy ban về phá giá và trợ cấp Thái Lan đã quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 6,97%-51,61% (giá CIF) đối với các sản phẩm thép NK bị điều tra nhằm ngăn chặn đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.

Vào cuối tháng 3, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) lại thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ (tôn mạ) có xuất xứ từ Việt Nam. Biên độ bán phá giá cáo buộc đối với Việt Nam lên tới 39,27%.

Cùng thời điểm, cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) ra thông báo kết luận sơ bộ và áp thuế tạm thời trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Các DN Việt Nam bán giá phá sản phẩm thép nói trên sang thị trường Canada với biên độ từ 36,3% đến 91,8% (mức thuế thay đổi theo từng DN cụ thể).

Cũng trong tháng 3, thép Việt nhận thêm thông tin, Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm ống và ống dẫn bằng thép có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Đáng chú ý ngày 13/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế với sản phẩm thép tấm không gỉ NK từ Việt Nam. Đây là vụ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tự khởi xướng điều tra dựa trên các thông tin sẵn có với cáo buộc mặt hàng thép tấm không gỉ đang có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp PVTM mà Hoa Kỳ đang áp dụng với hàng hóa tương tự của Trung Quốc từ năm 2016 với mức thuế là từ 139% - 267%.

LAN HƯƠNG
Bình luận
vtcnews.vn