• Zalo

Bộ Công Thương giải thích việc 'đường lưỡi bò' xuất hiện trên nhiều mặt hàng

Kinh tếThứ Tư, 06/11/2019 16:30:00 +07:00Google News

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đối diện với những chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề đường lưỡi bò phi pháp xuất hiện ở nhiều mặt hàng trên thị trường VN.

Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vào chiều nay, 6/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh là người thứ 2 trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Trong số các nội dung chất vấn, câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa gây chú ý bởi nhấn mạnh đến vấn đề đường lưỡi bò xuất hiện ở nhiều mặt hàng trên thị trường Việt Nam.

tuan-anh-BCT

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh.

"Liên tiếp xuất hiện các sản phẩm cài cắm "đường lưỡi bò" của Trung Quốc vào hàng hoá, trà trộn vào thị trường Việt Nam, hết sức nguy hại. Trách nhiệm của Bộ trưởng thế nào để không tái diễn tình trạng trên, gây ảnh hưởng tới người dân?", đại biểu Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đối với các sản phẩm cài cắm "đường lưỡi bò" của Trung Quốc vào hàng hoá, trà trộn vào thị trường Việt Nam, Bộ Công Thương đã có các phương án xử lý. Cụ thể, với ô tô triển lãm, thống nhất với Tổng cục Hải Quan, tổ chức tịch thu. Với doanh nghiệp thực hiện nhập khẩu ô tô có "đường lưỡi bò", Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp này triệu tập toàn bộ số ô tô kể trên, tạm thời cho dừng giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp này tại Việt Nam cho đến khi họ thực hiện đầy đủ trách nhiệm.

"Hai năm vừa qua, Bộ đã tổ chức lại lực lượng Quản lý thị trường, giảm được 164 đội quản lý thị trường, sẽ giảm tiếp 140 đội nữa trong năm 2020. Bộ Công thương tiếp tục tinh giản bộ máy và vẫn đảm bảo được tốt nhiệm vụ, tập trung xử lý các vụ việc gian lận thương mại, hàng giả, gian lận trong sở hữu trí tuệ. Chúng tôi đã thấy những lỗ hổng trong pháp lý. Sắp tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các Bộ khác để hoàn thiện pháp luật và thể chế để không xảy ra hiện tượng tương tự trong tương lai", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo ông, hoạt động xuất nhập khẩu cũng đạt được tăng trưởng tốt so với các nước khác. Tuy nhiên, điều đó chưa nói lên sự bền vững trong phát triển kinh tế.  

Nhấn mạnh việc Bộ Công Thương đã vào cuộc, ông Trần Tuấn Anh cho rằng đơn vị này "không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này". Ông nói, đây là thực trạng Bộ Công Thương đã nhận diện từ năm 2016 sau khi Việt Nam hội nhập sâu rộng thông qua loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều ưu đãi thuế quan.

Ông dẫn trường hợp phát hiện 1,8 triệu tấn nhôm trị giá 4,3 tỷ USD gần đây đã được các cơ quan chức năng phối hợp chặn đứng. Ngoài ra, loạt lĩnh vực khác như điện tử, dệt may, da giày... cũng có dấu hiệu tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp đã được phát hiện. "Bộ đã chủ động báo cáo Chính phủ, phối hợp cùng các bộ, ngành xử lý. Chúng ta đã không chậm trễ trong ngăn ngừa các hành vi này, tránh được ảnh hưởng tới quan hệ thương mại với các đối tác xuất khẩu, chẳng hạn với Mỹ dù Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tăng đột biến vừa qua", ông nhấn mạnh.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn