Cụ thể, đối với 6 dự án trước đây có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ, đến năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, có hai nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh có lãi. Đó là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng lợi nhuận sau thuế đạt 7,299 tỷ đồng và Nhà máy thép Việt - Trung lợi nhuận sau thuế đạt 270,730 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn của thị trường, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, bốn dự án còn thua lỗ đang từng bước khắc phục khó khăn, tiếp tục giảm được lỗ nhưng do tình hình thị trường diễn biến khó khăn nên kết quả chưa bền vững.
So với năm 2017, năm 2018, Nhà máy đạm Hà Bắc giảm lỗ 342 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai giảm lỗ 208,8 tỷ đồng, Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 417,2 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2018, trong 8 tháng đầu năm 2019, Nhà máy Đạm Ninh Bình giảm lỗ 284,619 tỷ đồng nhưng Nhà máy đạm Hà Bắc tăng lỗ 138,928 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai tăng lỗ 94,258 tỷ đồng, Công ty DQS lỗ 15,25 tỷ đồng (giảm lỗ 46,47 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018).
Đối với ba dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh, đến nay có một dự án vận hành trở lại, hai dự án đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng do thị trường khó khăn nên vẫn dừng sản xuất.
Cụ thể: Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ tự vận hành sản xuất ba dây chuyền DTY từ ngày 20/4/2018 đến ngày 31/10/2018. Từ ngày 1/11/2018 Nhà máy chuyển sang thực hiện hợp đồng gia công sợi cho AST.
Tổng lượng sản phẩm nhà máy sản xuất ra từ ngày 20/4/2018 đến ngày 31/8/2019 là 6.917 tấn sợi DTY, trong đó lượng sản phẩm gia công cho AST là 5.409 tấn sợi DTY.
Từ ngày 8/5/2019, PVTEX đưa thêm hai dây chuyền DTY vào hoạt động, nâng tổng số dây chuyền hoạt động lên 12 dây chuyền. Tuy nhiên, theo yêu cầu của đối tác, hiện nay Nhà máy giảm xuống 7 dây chuyền sản xuất.
Dự án nhà máy sản xuất NLSH Quảng Ngãi tiến hành sản xuất theo Hợp đồng hợp tác gia công với Công ty CP Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap) từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019 sản xuất ra 2.000 m3 ethanol đạt chất lượng.
Tuy nhiên, do việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá sắn cao (5.500 đồng/kg-5.700 đồng/kg) nên đối tác không thực hiện được kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm 2019 và dừng hợp tác. Hiện nay BSR-BF đang triển khai tìm kiếm các đối tác khác theo quy định.
Dự án Nhà máy NLSH Bình Phước hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa, sẵn sàng khởi động lại, tuy nhiên do diễn biến thị trường không thuận lợi nên các bên quyết định chưa vận hành lại nhà máy.
Đối với dự án xây dựng dở dang là dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ, dự án này tiếp tục gặp khó khăn do PVOil không phải là cổ đông chính (chiếm 39,76%), các cổ đông ngoài ngành (chiếm 60,24%) không góp thêm vốn để tiếp tục triển khai dự án.
Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn II Nhà máy Gang thép Thái Nguyên cũng chưa giải quyết được tranh chấp Hợp đồng EPC với MCC và các nhà thầu phụ.
Báo cáo cũng cho biết, việc xử lý các dự án bảo đảm tuân thủ nguyên tắc của cơ chế thị trường; tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Nhà nước không cấp thêm vốn vào các dự án.
Hiện nay, có 17 ngân hàng thương mại và một công ty tài chính cấp tín dụng để thực hiện 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương với tổng số dư cấp tín dụng đến thời điểm 30/6/2019 là 20.063 tỷ đồng (giảm 373 tỷ đồng so với thời điểm 31/03/2019) do một số ngân hàng, thu hồi nợ trung hạn đối với các khoản cho vay dự án nhà máy thép Lào Cai và mỏ sắt Quý Xa, đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc và DAP Lào Cai.
Ngoài cấp tín dụng đối với 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả là 20.063 tỷ đồng, các ngân hàng thương mại còn cấp tín dụng đối với các dự án khác của các chủ đầu tư là 2.360 tỷ đồng. Vì vậy, tổng dư nợ cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư đến thời điểm 30/6/2019 là 22.423 tỷ đồng (giảm 320 tỷ đồng so với thời điểm 31/03/2019).
"Như vậy, kể từ sau Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV tới nay, tình hình ở các dự án, doanh nghiệp tiếp tục có những chuyển biến tích cực hơn", báo cáo của Bộ Công Thương khẳng định.
Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng đang được trình Thủ tướng Chính phủ để xem xét đưa ra khỏi Danh sách 12 dự án thua lỗ do cơ bản xử lý hết các khó khăn, vướng mắc và hoạt động ổn định, có lãi.
Dư nợ tín dụng và tình hình tài chính ở các dự án, doanh nghiệp cũng tiếp tục xu hướng tích cực hơn.
Bình luận