• Zalo

Bộ Công an lý giải hàng trăm tỷ chênh lệch mà Việt Á chi hối lộ quan chức

Pháp đìnhThứ Bảy, 09/09/2023 19:41:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Người phát ngôn Bộ Công an lý giải sự chênh lệch doanh thu và phần trăm hối lộ trong vụ án Việt Á giữa số liệu ban đầu so với kết luận điều tra được ban hành.

Chiều 9/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, phóng viên đặt câu hỏi về việc có chênh lệch doanh thu và phần trăm "bôi trơn" trong vụ án Việt Á giữa số liệu ban đầu của cơ quan điều tra so với kết luận điều tra được ban hành.

Theo đó, đầu tháng 6, Bộ Công an cho biết, Việt Á kiếm lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và chi khoảng 800 tỷ để bôi trơn, hối lộ. Trong khi đó, ở kết luận điều tra ban hành trong tháng 8, cơ quan điều tra nêu rõ số tiền Việt Á hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng và số tiền chi để đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng.

Trả lời vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho biết, sau khi khởi tố vụ án, Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và các bị can liên quan khai công ty có tổng doanh thu và lợi nhuận khoảng 4.000 tỷ đồng.

Việt cũng khai sử dụng 20-25%, tương ứng khoảng 800 tỷ đồng để chi ngoài hợp đồng cho các đơn vị đối tác mua kit xét nghiệm, đầu tư thiết bị và các vật phẩm y tế khác.

Trung tướng Tô Ân Xô.

Trung tướng Tô Ân Xô.

"Đây là lời khai ban đầu của các bị can, cơ quan điều tra và người phát ngôn Bộ Công an đã cung cấp cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên trong kết luận điều tra được ban hành hồi tháng 8 có sự chênh lệch về con số. Lý do của sự chênh lệch này là không thể sử dụng lời khai ban đầu của các đối tượng để làm căn cứ đưa vào kết luận điều tra vì phải trọng chứng hơn trọng lời khai", Trung tướng Tô Ân Xô lý giải.

Lý do nữa được người phát ngôn Bộ Công an đưa ra là chỉ khi nào có đủ căn cứ chứng minh là việc đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền thì mới có thể khởi tố, điều tra, kết luận và đề nghị truy tố. Theo đó, chứng cứ rõ đến đâu thì kết luận đến đó.

"Ngoài việc Cơ quan Cảnh sát điều tra thì Bộ Công an cũng phân công, ủy thác cho công an 61 tỉnh/ thành phố điều tra vụ Việt Á. Đến nay, một số địa phương vẫn đang trong quá trình điều tra để làm rõ số tiền thu lợi bất chính và bôi trơn", ông Tô Ân Xô nói.

Ngày 18/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 38 bị can trong vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.

Trong những người đề nghị truy tố, có nhiều người giữ chức vụ cao như: cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long; cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh; Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Phạm Xuân Thăng; cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc...

Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á - bị đề nghị truy tố hai tội danh đưa hối lộ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 

Trong năm 2020 và 2021, Việt Á sản xuất 8,7 triệu kit test và tiêu thụ được 8,3 triệu kit. Doanh nghiệp được nhà nước thanh toán 2.250 tỷ đồng và hưởng lợi 1.235 tỷ đồng. Cơ quan công an xác định lợi nhuận định mức Việt Á được hưởng khi kinh doanh kit test chỉ là 5%. Nhưng Việt Á lại bán kit với giá gấp 3 lần chi phí sản xuất nên hơn 1.235 tỷ đồng chênh lệch giữa giá bán và giá sản xuất bị quy kết là "hưởng lợi bất chính".

Trong vụ án này, Việt và đồng phạm bị cáo buộc thông thầu để tiêu thụ gần 680.000 kit test tại CDC Hải Dương, Bắc Giang, Nghệ An, Bình Dương, gây thiệt hại 222 tỷ đồng.

Ngoài ra, công an các địa phương đã khởi tố 111 người trong "chùm" 32 vụ án khác liên quan Việt Á. Trong đó công an 15 tỉnh thành đã khởi tố 15 vụ án vi phạm về đấu thầu và xác định Việt Á tiêu thụ 560.000 kit test, gây thiệt hại 180 tỷ đồng.

Như vậy, Việt cùng đồng phạm còn bị cáo buộc vi phạm đấu thầu trong khi tiêu thụ hơn 1,2 triệu kit test tại các cơ sở y tế, gây thiệt hại 402 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tổng số tiền mà Việt đã hối lộ các quan chức trong vụ án này bị kết luận là hơn 106 tỷ đồng.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn