Liên quan đến việc thực hư chuyện cán bộ xã mang bò chính sách bán vào lò mổ xảy ra ở xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), ngày 29/3, trả lời PV VTC News, ông Trần Thành Hiên - Phó Gám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị cung cấp những thông tin mới nhất về sự việc.
Theo ông Hiền, sau khi nhận được thông tin, ngày 27/3, đích thân ông cùng với các đơn vị liên quan về Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong để nắm thêm thông tin sự việc và trực tiếp về xã Triệu Độ để kiểm tra, làm rõ.
Sau quá trình làm việc tại xã Triệu Độ, ông Hiền nhận định, người dân xã Triệu Độ mang bò được đối ứng theo Quyết định 27/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị bán vào lò mổ là “có cái sai rồi''.
Ông Hiền giải thích, theo quyết định 27/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị thì đối tượng được hưởng lợi là những hộ chăn nuôi có nhu cầu chứ không riêng gì gia đình cán bộ. Tuy nhiên, nuôi sau một thời gian họ lại bán cho lò mổ làm thịt là sai vì để được đối ứng bò giống các hộ phải cam kết nuôi trong ít nhất 48 tháng.
"Trong trường hợp bò chết, anh bán đi hay làm thịt thì anh phải báo UBND xã hoặc cán bộ chuyên môn của xã và thậm chí là xã phải báo cáo với huyện. Tuy nhiên ở đây, họ không báo cáo gì cả và tự động bán thịt đi là sai.
Trước đó đã có cam kết đây là con bò giống chứ không phải anh nhận về rồi bán... Lợi dụng chính sách để bán đi và thu tiền như vậy là không được", Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị nói.
Khi PV VTC News đặt câu hỏi, chính quyền xã có sai sót gì trong sự việc này, ông Trần Thành Hiền cho biết, xã còn đang biện minh và không nhận sai sót vì vậy giờ khẳng định xã sai cũng không được.
"Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, trong chuyện này chính quyền xã đã có dấu hiệu sai. Anh phân cho ai thì anh phải phổ biến rõ là bò nuôi cam kết để làm giống chứ không được bán. Khi bán đi anh lại giải thích là do bò bị gầy yếu bệnh tật, vậy tại sao anh không báo cho thú ý để họ xử lý.
Như vậy, quy trình lúng túng và rõ ràng có dấu hiệu sai rồi. Khi phát hiện bò bị bệnh, gầy yếu người dân tự ý bán mà không báo cho xã, xã cúng không biết, cũng không lưu biên bản gì cả.
Tôi hỏi xã là nếu họ có báo cáo với xã và xã có lập biên bản thì photo biên bản cho tôi coi nhưng xã không đưa ra được", ông Trần Thanh Hiền đánh giá.
"Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn tiếp tục thu thập thêm toàn bộ chứng cứ ấy để làm báo cáo gửi lên tỉnh. Thậm chí, anh nói là báo cho thú y thì chúng tôi làm giống như điều tra là anh nào chữa trị. Còn anh tự ý mua về, lợi dụng chính sách để thu lợi là không được.
Tôi lấy ví dụ, anh bỏ ra 4 triệu đồng để đối ứng bò, anh nuôi trong vòng hơn tháng rồi mang bán 7 triệu để lời 3 triệu là sai chứ", ông Trần Thanh Hiền nói thêm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, sáng 29/3 đã cử cán bộ đi theo đoàn của Cục Chăn nuôi về xã Triệu Độ để nắm thêm thông tin vụ việc.
Sau khi có thêm kết quả, ông Hiền sẽ làm báo cáo toàn bộ sự việc gửi lên UBND tỉnh Quảng Trị.
Video: Nhà cao nhất làng vẫn xếp vào hộ nghèo ở Thanh Hóa
Trước đó, như VTC News đưa tin, những ngày gần đây, mạng xã hội facebook xuất hiện thông tin cán bộ xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) mang bò chính sách đi bán vào lò mổ khiến dư luận dậy sóng.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV, ông Hồ Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ (người trực tiếp mang bò về xã) xác nhận và thừa nhận thiếu sót, chủ quan nhưng đều làm đúng theo quyết định 27/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, triển khai Quyết định số 27/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị, từ tháng 5 đến tháng 8/2017, xã ra thông báo bằng văn bản cho tất cả các thôn để bà con nhân dân ai có nhu cầu thì đăng kí.
Sau 4 tháng, 3 hộ dân đăng kí hỗ trợ bò giống và đã được nhận vào tháng 11/2017. Khi nhận, mỗi con bò có giá 21 triệu đồng (người dân nộp vào 7 triệu đồng/con và nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/con).
Đến ngày 27/12/2017, hạn chót để nhận đăng kí hỗ trợ năm 2017, ông Hồng mới biết còn 10 con bò giống chưa có ai nhận nên gọi hỏi ý kiến của Chủ tịch UBND và Bí thư Đảng ủy xã Triệu Độ nhưng không được.
Sau khi gọi các trưởng thôn trong xã cũng không ai nghe máy, ông Hồng điện thoại cho một vài cán bộ trong xã và người thân có khả năng đối ứng vốn để nhận.
"Đây cũng là sai lầm và chủ quan của tôi vì cứ nghĩ là quyết định 27 đã được phổ biến cho dân trước đó rồi. Hôm đó về, tôi điện cho 2 trưởng thôn nhưng họ không nghe máy. Một số cán bộ điện cho 5 - 6 người dân nhưng họ không muốn đối ứng bò.
Sau đó, tôi điện lên Phòng NN&PTNT huyện và nói người dân không đối ứng thì cán bộ có được không thì họ nói được", ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, sau đó, khi xã lập danh sách lấy 10 con bò gửi lên huyện thì có 3 người trong danh sách là cán bộ xã bao gồm 1 trưởng công an xã; 1 cán bộ văn phòng và 1 người là vợ của kế toán xã.
"Khi danh sách được gửi lên, sáng hôm sau, các hộ đăng ký phải nộp tiền để đối ứng bò đực giống là 4 triệu đồng/con.
Tuy nhiên, có một hộ dân ở xã Thanh Liêm đến lúc đối ứng lại nói không có tiền nên phải thay thế một hộ dân khác và hộ dân thay thế đó lại là anh ruột của tôi (ông Hồ Văn Thành - PV)", ông Hồng cho biết.
Ông Hồng cũng khẳng định, người tung tin lên mạng xã hội rằng 10 con bò chính sách đưa về xã Triệu Độ đều bị bán vào lò mồ là sai sự thật.
Ông Hồng cho biết, trong tổng số 13 con bò được đối ứng về xã (3 con đợt trước và 10 con đợt sau) chỉ có 5 con được bán vào lò mổ do gầy yếu.
5 con bò này trước khi được bán vào lò mổ đều có cơ quan chức năng về kiểm tra. Số còn lại hiện vẫn đang được người dân nuôi dưỡng.
Bình luận