Những ngày gần đây, mạng xã hội facebook xuất hiện tin đồn cán bộ xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) mang bò chính sách đi bán vào lò mổ khiến dư luận dậy sóng.
Sau đó, người đăng thông tin này đã gỡ bỏ các thông tin và hình ảnh về vụ việc.
Để làm sáng tỏ thực hư câu chuyện, PV VTC News đã về địa phương trên để tìm hiểu.
Theo tìm hiểu của PV, nguồn gốc của số bò trong thông tin trên nằm trong chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016-2010 tại các địa phương khó khăn theo Quyết định số 27/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị.
Theo quyết định trên, khi được giao nhận bò, người chăn nuôi phải cam kết chăm sóc nuôi dưỡng và khai thác con đực giống ít nhất 24 tháng đối với lợn và 48 tháng đối với trâu, bò; trừ trường hợp chết, loại thải hoặc thiên tai, dịch bệnh.
Quyết định này cũng nói rõ, quá trình thực hiện, UBND các xã phải có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng thôn, bản, từng hộ chăn nuôi, hướng dẫn thực hiện chính sách tại cơ sở, kiểm tra và xác nhận đúng đối tượng được hưởng hỗ trợ. Đồng thời, quản lý, kiểm tra, theo dõi và giám sát việc thực hiện chính sách tại địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với người dân và lãnh đạo 2 thôn An Lợi và Gia Độ (xã Triệu Độ), họ đều khẳng định không nắm được thông tin nhà nước hỗ trợ 10 con bò cho xã.
Ông Hồ Dần (người dân thôn Gia Độ, xã Triệu Độ) cho hay, trong số người nhận bò có 9 hộ ở thôn Gia Độ, 1 hộ ở thôn An Lợi. Đáng chú ý, trong số danh sách này, đa số là cán bộ xã cùng người thân. Không chỉ vậy, số bò sau khi được giao nhận, nhiều người đã bán bò thịt cho lò mổ.
Ông Lê Công Thương - Trưởng thôn An Lợi (xã Triệu Độ) chia sẻ, sau khi bò được giao nhận, nhiều người dân khác cũng thắc mắc vì sao không được thông báo về việc này để được hưởng hỗ trợ.
Trong một cuộc họp, ông Thương hỏi lãnh đạo UBND xã Triệu Độ về chuyện này thì được biết, người trực tiếp đưa thông tin hỗ trợ 10 con bò đực giống là ông Hồ Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ.
Ông Trần Phước Đức - Trưởng thôn Gia Độ cho biết, mới đây, sau khi nghe tin có người dân viết đơn bức xúc gửi lên các cấp về vấn đề này, bản thân ông mới biết chính sách hỗ trợ 10 con bò đực về với thôn. Còn những ai ở thôn nhận bò, ông Đức không nắm rõ danh sách cụ thể.
Liên quan đến vấn đề này, trả lời PV VTC News, ông Hồ Văn Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Độ (người trực tiếp mang bò về xã) xác nhận câu chuyện trên và cho biết, trong câu chuyện này ông có thiếu sót và chủ quan nhưng đều làm đúng theo quyết định 27/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị.
Ông Hồng cho biết, UBND Quảng Trị ban hành quyết định số 27/2016 vào ngày 15/7/2016 nhưng đến năm 2017 mới triển khai. Để triển khai quyết định của UBND tỉnh Quảng Trị, từ tháng 5/2017 đến đầu tháng 8/2017, UBND xã Triệu Độ đã phát thông báo về từng thôn để người dân đăng ký và lãnh đạo thôn tổng hợp danh sách đưa lên xã, xã chuyển danh sách lên cấp trên để đưa giống về cho bà con.
Ông Hồng cho hay, đợt này toàn xã Triệu Độ chỉ 3 người đăng ký đối ứng bò đực (người dân nộp vào 7 triệu đồng/con và nhà nước hỗ trợ 14 triệu đồng/con).
Sự việc cứ thế trôi qua, đến ngày 27/12/2017, ông Hồng lên UBND huyện Triệu Phong họp và ghé Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Triệu Phong để hỏi về giống lúa cho bà con trong xã.
Tại đây, ông được một cán bộ phụ trách chăn nuôi tên Khương cho biết, còn 10 con bò theo dạng quyết định 27/2016 do dân xã Triệu Liên trả lại và nếu xã Triệu Độ có yêu cầu lấy thì phải lập danh sách đăng ký gửi email lên cho Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong trong chiều 27/12.
Sau đó, ông Hồng về xã nhưng cả bí thư và chủ tịch đều không có mặt tại trụ sở mà chỉ có các cán bộ của xã. Tại đây, ông Hồng thông báo cho các cán bộ của xã về việc huyện còn 10 con bò, nếu người dân xã Triệu Độ muốn đối ứng thì lên danh sách để gửi về huyện.
"Đây cũng là sai lầm và chủ quan của tôi vì cứ nghĩ là quyết định 27 đã được phổ biến cho dân trước đó rồi. Hôm đó về tôi điện cho 2 trường thôn nhưng họ không nghe máy. Một số cán bộ điện cho 5 - 6 người dân nhưng họ không muốn đối ứng bò.
Sau đó, tôi điện lên Phòng NN&PTNT huyện và nói người dân không đối ứng thì cán bộ có được không thì họ nói được", ông Hồng nói.
Theo ông Hồng, sau đó, khi xã lập danh sách lấy 10 con bò gửi lên huyện thì có 3 người trong danh sách là cán bộ xã bao gồm 1 trường công an xã; 1 cán bộ văn phòng và 1 người là vợ của kế toán xã.
"Khi danh sách được gửi lên thì sáng hôm sau các hộ đăng ký phải nộp tiền để đối ứng bò đực giống là 4 triệu đồng/con. Tuy nhiên, có một hộ dân ở xã Thanh Liêm đến lúc đối ứng lại nói không có tiền nên phải thay thế một hộ dân khác và hộ dân thay thế đó lại là anh ruột của tôi (ông Hồ Văn Thành - PV)", ông Hồng cho biết.
Ông Hồng cũng thừa nhận việc đưa ông Thành vào danh sách thay thế đối ứng bò là sự chủ quan của cá nhân ông.
"Đây là sự chủ quan của tôi, thực sự tôi không có ý tư lợi gì trong này. Khi ấy tôi nghĩ nhà anh Thành mới bán 1 con bò nên chắc anh có tiền nên gọi diện cho anh là có muốn đối ứng bò không. Sau khi bàn bạc với vợ thì anh Thành đồng ý đưa tiền để đối ứng bò về".
Ông Hồng cho hay, sự việc sau đó cũng trôi qua yên bình cho đến ngày 25/1/2018 thì có đơn thư của ông Hồ Dần và 5 hộ khác ký tên phản ánh sự việc gửi lên HĐND xã và HĐND huyện.
Ngay trong ngày hôm đó, ông Hồng gặp ông Dần và giải thích đây là bò thuộc quyết định 27/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị và tất cả những người dân trong xã thuộc diện khó khăn (kể cả cán bộ) muốn chăn nuôi đều có thể đăng ký để đối ứng bò.
Nếu gia đình ông Dần muốn đối ứng thì có thể đăng ký tại thôn. Sau khi được giải thích thì các hộ dân đã rút đơn thư về.
Ông Hồng cũng khẳng định, người tung tin lên mạng xã hội rằng 10 con bò chính sách đưa về xã Triệu Độ đều bị bán vào lò mồ là sai sự thật.
Ông Hồng cho biết, trong tổng số 13 con bò được đối ứng về xã (3 con đợt trước và 10 con đợt sau) chỉ có 5 con được bán vào lò mổ do chúng không ăn và gầy yếu. 5 con bò này trước khi được bán vào lò mổ đều có cơ quan chức năng về kiểm tra. Số còn lại hiện vẫn đang được người dân nuôi dưỡng.
Sau đó, ông Hồng dẫn PV đến xem con bò của gia đình ông Hồ Văn Thành đối ứng và nuôi dưỡng.
Video: Nhà cao nhất làng vẫn đượ xếp vào hộ nghèo ở Thanh Hóa
Bình luận