Được ra nước ngoài thi đấu luôn là khát khao của các cầu thủ Việt. Khát khao chính đáng đó phần nào đã được đáp ứng. Dẫu vậy, thực tế những thể hiện của cầu thủ so với kỳ vọng không phải lúc nào cũng song hành. Trước khi lên đường là những hào hứng, còn sau đó đa phần để lại thất vọng nhiều hơn. Nhìn vào những gì mà Công Phượng hay Xuân Trường đang trải qua, rõ ràng chuyện “vươn ra biển lớn” không hề đơn giản, không phải cứ muốn là được.
“Đúng là có nhiều rào cản buộc các cầu thủ của chúng ta phải vượt qua, mới mong thành công. Môi trường thi đấu các giải nước ngoài ít nhiều không giống như V-League. Ở đó là những giải đấu chất lượng tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Ngay vào lúc đầu, tôi cũng đặt nhiều kỳ vọng vào anh em cầu thủ khi đá ở nước ngoài, mong cho họ vượt ngưỡng được. Thế nhưng, thực tế chứng minh không hề dễ dàng”, BLV Vũ Quang Huy đánh giá tổng quan như thế về vấn đề này.
Rõ ràng, tâm thế khi ra nước ngoài chơi bóng vào thời điểm đầu năm 2019 của Xuân Trường, Công Phượng hay Đặng Văn Lâm đã được nâng lên rõ rệt. Thành công của bóng đá Việt Nam từ đầu năm 2018 cho thấy bạn bè đã nhìn chúng ta với cái nhìn khác, tôn trọng và ngưỡng mộ hơn.
Cứ nhìn vào cách Muangthong United phải bỏ ra nửa triệu USD để chiêu mộ Đặng Văn Lâm có thể nhận ra điều này. Vấn đề ở đây được đặt ra là tại sao đội tuyển của chúng ta chơi tốt nhưng các cá nhân ra đi lại không có được kết quả như mong đợi.
“Tôi nghĩ mấu chốt không phải là chuyện nhận được những hỗ trợ như đa số ý kiến. Thái Lan hay Hàn Quốc vẫn có những nét tương đồng cơ bản về văn hóa, lối sống với chúng ta. Phông văn hóa và kiến thức của các bạn cầu thủ vừa nhắc cũng đảm bảo. Chừng đó thôi cũng đủ cho họ nhanh chóng hòa nhập và kết nối. Dẫu vậy mọi thứ vẫn không trơn tru. Chuyện hỗ trợ này nọ theo tôi là một khía cạnh thôi, cốt lõi nhất vẫn là chuyên môn”, BLV Vũ Quang Huy nhìn nhận.
Anh em cầu thủ chúng ta hiện nay có tố chất, có năng lực. Điều này đủ để kết hợp thành tập thể mạnh như ĐTQG. Song giỏi thật sự theo kiểu toàn diện, xuất chúng và có những giá trị đặc biệt thì không ai cũng đầy đủ. Những giá trị mà để thả vào môi trường nào, đội bóng nào chơi cũng tốt thì rất khó.
Chúng ta đánh giá cao Xuân Trường, Công Phượng hay những người khác nhưng đó mới là cấp độ nội bộ của chúng ta và thể hiện của họ cũng chỉ mới ở tập thể đội tuyển Việt Nam. Tập thể mà họ có được thời gian gắn kết, quen thuộc và hiểu nhau tường tận. Hơn nữa, lâu nay họ chơi trong nước ở V-League mà thôi.
Các giải đấu như Thai League, K-League thì đẳng cấp cao hơn, khi chưa đáp ứng hết mọi thứ cần thiết, tâm thế cầu thủ dễ bị choáng ngợp.
Khi các cầu thủ có điều kiện, có cơ hội ra nước ngoài thi đấu, nhìn một cách toàn diện đó là tín hiệu đáng mừng. Tuy vậy, bản thân mỗi cầu thủ chúng ta phải cố gắng hoàn thiện để đạt được những yêu cầu cơ bản. Có như thế, mới đáp ứng và thích ứng ở những môi trường mới lạ. Yếu tố quan trọng nhất vẫn là chuyên môn. Do đó, không gì khác hơn, bản thân mỗi cầu thủ phải tự nâng tầm giá trị của mình lên theo kịp yêu cầu của việc xuất ngoại chơi bóng.
Xuất ngoại là một trong hướng đi của môi trường bóng đá chuyên nghiệp hiện nay. Muốn có được điều này, không gì khác hơn việc chúng ta phải có cái nền cơ bản vững vàng. Đó là từ nền tảng sân chơi V-League. Ở đó phải có sự chuyên nghiệp, khoa học của các CLB. Bên cạnh tính cạnh tranh cao, cạnh tranh và đào thải để sàng lọc và phát triển. Chính từ cái gốc đó, xuất phát điểm đó, cầu thủ mới đủ tự tin có trong hành trang cho những chuyến xuất ngoại.
Nếu nhìn vào những lần vươn ra biển lớn của cầu thủ chúng ta nhiều năm qua, đọng lại nỗi buồn hơn niềm vui. Lúc bắt đầu là hứng khởi nhưng rồi mọi thứ không như là mơ. Dẫu sao, những dấn thân đó, những bước đi mở đường đó đều đáng trân quý. Có đi như thế, mới biết mình là ai, đang ở đâu và học được điều gì. Đi để mở ra những con đường.
Bình luận