Đêm 25/4 vừa qua, ông Trần Anh Tú bất ngờ quyết định sẽ không tham gia ứng cử vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ tại Đại hội ban chấp hành VFF khóa VIII. Đây tạm xem là quãng nghỉ sau hàng loạt lùm xùm tranh cãi quanh công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội sắp tới, đặc biệt là ở vị trí Chủ tịch, Phó Chủ tịch VFF.
Theo BLV Quang Huy, cội nguồn mâu thuẫn tại VFF hiện tại xuất phát từ vai trò không thực sự nổi bật của Chủ tịch Lê Hùng Dũng.
"Những vấn đề của VFF bị đẩy đi xa khi vai trò chủ tịch là rất mờ nhạt. Nếu chủ tịch theo sát được sự việc và quyết đoán hơn thì đã không xảy ra những mâu thuẫn như hiện tại, đặc biệt khi những cá nhân bị cuốn vào vòng xoáy tranh cãi đều có những đóng góp nhất định cho bóng đá Việt Nam. VFF hiện tại thiếu một nhạc trưởng điều tiết các nhạc công giỏi.
Với trường hợp của ông Lê Hùng Dũng, nếu cảm thấy mình đủ sức khỏe thì phải xông xáo trở lại công việc và hành động quyết liệt như ông đã từng. Còn không làm được thì nên rút đi, không thể "thả nổi" vấn đề lâu quá. Khi chủ tịch vẫn ngồi đấy mà thời điểm "nước sôi lửa bỏng" không có mặt thì kể cả bàn giao công việc cho một người khác, người đó vẫn sẽ nói "Tại sao không hỏi chủ tịch mà lại hỏi tôi?".
Không thể thi thoảng mới xuất hiện và liên tục đóng phim "mất tích" như vậy. Sự vắng mặt của chủ tịch Lê Hùng Dũng khiến nhiều mối quan hệ bị xấu đi" - BLV Quang Huy nhận định.
Về quyết định rút lui của bầu Tú, theo BLV Quang Huy, có thể phần nào bị ảnh hưởng bởi sức ép mà ông phải chịu khi kiêm nhiệm quá nhiều vị trí ở cả VPF và VFF, song đó cũng là cơ hội để Chủ tịch VPF nhìn nhận lại và cân nhắc kỹ về quyết định của mình.
"Có một thực tế mà ai cũng thấy, là ông Trần Anh Tú không nên kiêm nhiệm quá nhiều vị trí trong bộ máy điều hành VFF và VPF. Bầu Tú cũng khẳng định dù không tranh cử cho chiếc ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính VFF, thì ông vẫn toàn tâm toàn ý cho VPF. Đó đơn giản là lựa chọn của bầu Tú, giữa việc tham gia vào VFF hay tiếp tục tập trung đầu tư cho VPF.
Có thể có sức ép nhất định, khiến bầu Tú phải cân nhắc lại rằng hoàn thành tốt nhiệm vụ ở VPF cũng đã là hay rồi, không nhất thiết phải giữ nhiều chức vụ".
Như vậy, chiếc ghế Phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ VFF chỉ còn lại 2 ứng viên: doanh nhân Trần Văn Liêng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn Cacao Việt Nam và ông Lê Văn Thành - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Động Lực kiêm chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam.
Theo BLV Quang Huy, với cá nhân ông Lê Văn Thành, việc đứng đầu Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đồng thời "lấn sân" sang VFF trong bối cảnh hiện tại là điều không nên.
"Một người khi đã đứng đầu liên đoàn, thì tốt nhất nên tập trung cho nhiệm vụ ở liên đoàn đấy thôi. Có chăng là tham gia vào Ủy ban Olympic Quốc gia hoặc ban tổ chức của đại hội nhất thời nào đó - với công việc không diễn ra hàng ngày, hoặc đảm nhiệm công việc ở môn thể thao của liên đoàn do mình đứng đầu, không nên có sự kiêm nhiệm như vậy".
Trong tâm thư gửi báo Bóng đá, ông Trần Anh Tú viết:
“Tôi quyết định dừng lại. Đây là một quyết định khó khăn và tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Tôi biết, nó có thể khiến những tổ chức thành viên đã giới thiệu tôi cảm thấy buồn bởi thực sự là họ đã rất kỳ vọng vào việc tôi có thể làm được điều gì đó cho bóng đá Việt Nam.
Tôi cũng có niềm tin mãnh liệt và khát vọng sẽ làm được những điều tốt nhất cho cuộc chơi này. Nhưng, trong bối cảnh hiện tại, tôi nghĩ mình nên dừng lại, bởi nó có thể tốt cho đại cuộc".
Bình luận