Thông tin được đưa ra sau khi Mỹ phát hiện vật được cho là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc gần các cơ sở hạt nhân nhạy cảm.
Ông Blinken dự kiến sẽ có các cuộc gặp ở Bắc Kinh vào đầu tuần tới. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ đến Trung Quốc sau 5 năm. Nhưng theo Bloomberg, sự hiện diện của khinh khí cầu – thứ mà Lầu Năm Góc cho là “khí cầu do thám” dù quyết định không bắn hạ – đã khiến các quan chức Mỹ quyết định rằng việc ông Blinken đi ngay bây giờ sẽ gửi đi thông điệp sai. Theo ABC News, ông Blinken không muốn câu chuyện về khí cầu được quá chú ý trong chuyến đi của ông.
Thông tin được Bloomberg đăng tải không lâu sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận khí cầu là của Bắc Kinh. Dù vậy Trung Quốc cho biết đây là khí cầu dân sự, phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học và “rất tiếc” khi nó vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ và đi vào không phận Mỹ.
Các quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa có bình luận về thông tin chuyến đi của Ngoại trưởng Blinken.
Khinh khí cầu lần đầu tiên được phát hiện đầu tuần này và đã bay lơ lửng ở Montana, nơi có các hầm chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ, theo quan chức cấp cao bộ quốc phòng nước này. Tuy nhiên quan chức này cho biết thêm khinh khí cầu không gây ra mối đe dọa tình báo nào và những vụ tương tự đã từng xảy ra trước đây.
Khi Lầu Năm Góc đưa ra thông báo về khinh khí cầu, các nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ đã có phản ứng mạnh mẽ. Hạ nghị sĩ Mike Gallagher, chủ tịch một ủy ban mới của nói rằng sự hiện diện của khinh khí cầu “cho thấy rõ ràng rằng các đề nghị ngoại giao gần đây của Trung Quốc không thể hiện sự thay đổi chính sách đáng kể nào của họ”.
Trước đó cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cảnh báo Mỹ không nên “thổi phồng” vụ việc. “Chúng tôi không có ý định vi phạm chủ quyền và không phận của các quốc gia khác”, Mao nói trong một cuộc họp ngắn, đồng thời nói thêm rằng bà hy vọng “các bên liên quan sẽ xử lý vấn đề một cách bình tĩnh”.
Chuyến đi của ông Blinken được xem là chuyến thăm cấp cao nhất của quan chức Mỹ tới Trung Quốc kể từ năm 2018. Đối với chính quyền ông Biden, đây là một phần trong nỗ lực ngăn chặn mối quan hệ cạnh tranh với Trung Quốc trở nên tồi tệ hơn. Đối với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, chuyến đi báo hiệu “sự trở lại” của Trung Quốc sau các chính sách COVID-19 và mong muốn kết nối lại với thế giới.
Bình luận