Blockout 2024 là gì?
Trong 7 tháng qua, thế giới bày tỏ sự phẫn nộ về việc sinh mạng dân thường bị sát hại bừa bãi ở Dải Gaza của Palestine. Theo thống kê của cơ quan y tế Dải Gaza, cuộc xung đột nổ ra giữa Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel kể từ ngày 7/10/2023 đến nay khiến ít nhất 34.735 người thiệt mạng, trong đó có hơn 14.000 trẻ em.
Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến, Israel trấn an thành phố biên giới Rafah, phía Nam Dải Gaza là “vùng an toàn” được chỉ định cho dân thường. Kết quả là hơn 1,5 triệu người Palestine, phần lớn là trẻ em, phải trú ẩn ở Rafah trong điều kiện sống tồi tệ. Bất chấp tuyên bố trước đó, Israel vẫn tấn công khu vực này gây báo động trong cộng đồng quốc tế.
Trong khi Rafah hứng chịu bom đạn chiến tranh, cùng thời điểm đó ở Mỹ, sự kiện thời trang cao cấp Met Gala được tổ chức rầm rộ vào đầu tháng 5. Những hình ảnh tương phản giữa Rafah và Met Gala dường như đã tác động đến nhiều cư dân mạng.
Ban đầu, họ chỉ trích những người nổi tiếng tham dự đêm hội lớn nhất thế giới thời trang vì không sử dụng tầm ảnh hưởng và sự giàu có của họ để giúp đỡ trong bối cảnh xảy ra khủng hoảng nhân đạo. Họ chỉ ra trong khi lễ trao giải Oscar 2024 chứng kiến nhiều ngôi sao bày tỏ quan điểm chính trị bằng cách đeo một chiếc ghim màu đỏ để ủng hộ Artists4Ceasefire, phản đối Israel tấn công Gaza, Met Gala lại đi theo một hướng khác, hạn chế các cuộc thảo luận, thay vào đó chỉ xoay quanh sự phô trương của cải.
Sự bức xúc này sau đó trở thành một phong trào truyền thông xã hội, được gọi là Blockout 2024 hay chiến dịch “hủy bỏ nền tảng của những người nổi tiếng”.
Thông qua phong trào này, mọi người kêu gọi chặn hoặc bỏ theo dõi những người nổi tiếng hoặc tổ chức có sự hiện diện lớn trên mạng xã hội. Mục đích là gửi thông điệp chống lại sự đồng lõa, cũng như làm tổn hại đến thu nhập trên mạng xã hội của người nổi tiếng ở mức tối đa.
Chiến dịch tẩy chay được kỳ vọng gây áp lực lên những nhân vật của công chúng để họ sử dụng nền tảng có tầm ảnh hưởng to lớn của họ truyền bá thông tin ủng hộ các lời kêu gọi ngừng bắn.
Marcus Collins, trợ lý giáo sư về marketing tại Đại học Michigan (Mỹ), cho rằng những người hưởng ứng phong trào mong muốn nó mang lại nhiều cái nhìn rõ ràng hơn về chính nghĩa, từ đó thúc giục các lực lượng chính trị như Chính phủ Mỹ làm điều gì đó để giảm thiểu bạo lực xảy ra ở Trung Đông. Tuy nhiên, chuyên gia không tin cách làm này có hiệu quả.
Về lý do mọi người ủng hộ Blockout 2024, ông giải thích công chúng đang mắc kẹt trong một lối mòn bất lực, việc khuyến khích mọi người nói lên quan điểm của mình trong những thời điểm cấp bách giúp mang lại cảm giác tự chủ.
“Đó là cảm giác tôi đã làm điều gì đó để tác động đến người khác làm điều có thể tạo ra sự khác biệt. Bởi vì trong suy nghĩ của những người đó, thà làm điều nhỏ còn hơn không làm gì”, ông Collins nói.
Bisan Owda kêu gọi chặn tài khoản của nhiều ngôi sao giải trí, bao gồm BlackPink và BTS.
BTS và BlackPink cũng bị điểm tên
Phong trào Blockout 2024 được khởi xướng bởi một số người sáng tạo nội dung TikTok và nhanh chóng phát triển với tốc độ chóng mặt.
Danh sách người nổi tiếng bị kêu gọi tẩy chay bao gồm những cái tên tầm cỡ quốc tế như Kim Kardashian, Taylor Swift, Beyonce, Kylie Jenner, Zendaya, Miley Cyrus, Selena Gomez, Khloe Kardashian, Ariana Grande, Doja Cat, Demi Lovato, Lizzo, Nicki Minaj, Travis Scott , Kanye West, Katy Perry, Zac Efron, Joe Jonas, Nick Jonas, Kevin Jonas, Justin Timberlake và nhiều người khác.
Sau Met Gala, phong trào càng trở nên rầm rộ, bổ sung thêm vào “danh sách đen” những ngôi sao tham gia sự kiện. Đài truyền hình Thổ Nhĩ Kỳ TRT World còn chia sẻ video ghi lại số lượng người theo dõi tài khoản cá nhân của những người nổi tiếng trên đang giảm dần trong thực tế.
Ngày 11/5, Bisan Owda, nhà báo người Palestine vừa giành được Giải thưởng Peabody uy tín của Mỹ nhờ đưa tin hiện trường ở Dải Gaza, đăng bài lên Instagram thể hiện sự ủng hộ đối với Blockout 2024.
Owda viết: “Đã đến lúc chặn tất cả người nổi tiếng không lên tiếng”, kèm theo danh sách dài những cái tên. Đáng nói, tài khoản Instagram chính thức của BlackPink và BST được nữ phóng viên chiến trường liệt kê ngay đầu bảng. Ngoài ra, tài khoản cá nhân của Lisa cũng xuất hiện.
Bài đăng của Owda gây xôn xao trong cộng đồng fan Kpop, đặc biệt là người hâm mộ BTS.
Nhiều cư dân mạng cảm thấy nhắm mục tiêu vào BTS là không công bằng vì tất cả thành viên đang nhập ngũ và có thể bị ràng buộc bởi luật pháp nghiêm ngặt hơn trong việc đưa ra những tuyên bố mang tính chính trị. Số khác còn đặt câu hỏi về tính hợp lý trong lập trường của Bisan Owda về vấn đề này.
Tuy nhiên, các ý kiến bênh vực BTS nhanh chóng bị bác bỏ. Không ít người tuyên bố nhập ngũ không ảnh hưởng đến việc đưa ra phát ngôn. Họ cũng chỉ trích Hybe, công ty quản lý BTS, vì từ chối đại diện cho các chàng trai trong lúc họ vắng mặt. Trước đây, tập đoàn giải trí Hàn Quốc từng bị chỉ trích dữ dội.
Chưa dừng lại ở đó, một bộ phận cho rằng danh sách tẩy chay cần được mở rộng, ngoài BTS và BlackPink là những nghệ sĩ Kpop nổi tiếng nhất ở nước ngoài, các thần tượng và nghệ sĩ khác cũng có tội vì im lặng.
Bình luận