Trong bảng xếp hàng chỉ số cạnh tranh PCI vừa được công bố, cho thấy tỉnh Bình Phước đứng vị trí thứ 61/63 tỉnh, thành.
Theo báo cáo kết quả của VCCI, chỉ số PCI của Bình Phước năm 2011 ở vị trí thứ 8 (top đầu cả nước). Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau tỉnh này giảm xuống vị trí 15/63; năm 2013 là 23/63; năm 2014 là 30/63; năm 2015 xuống đứng thứ 36/63 và đến năm 2018 tỉnh này rơi vào vị trí gần áp chót 61/63 tỉnh, thành.
Qua các chỉ tiêu đánh giá cho thấy, tình trạng cán bộ, công chức ở Bình Phước dùng “quyền” trong thi hành công vụ để trục lợi cho cá nhân có chiều hướng ngày càng gia tăng.
Trong đó, hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết các thủ tục cho DN khá phổ biến: Năm 2013 chỉ có 24,27%, năm 2014 là 66,18%, đến 2015 là 67,74%.
Theo đánh giá của VCCI, tiêu chí tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất liên tục giảm mạnh theo chiều hướng kém trong các năm. Muốn cải thiện chỉ số này, trước hết tỉnh này phải đơn giản hóa các thủ tục hành chính về đất đai, đồng thời nâng cao năng lực, trách nhiệm và đạo đức công vụ của lực lượng cán bộ, công chức thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước cho rằng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường; đồng thời, cơ chế chính sách của Nhà nước thường thay đổi, làm DN không nắm bắt kịp, nên “luôn tin tưởng” phải chi khoản “chi phí không chính thức” thì sẽ được việc và thuận lợi hơn.
Tuy nhiên, đánh giá này chưa được sự đồng tình cao từ phía các DN và người dân.
Nguyên nhân khác, đó là hành vi tham nhũng được thực hiện với nhiều thủ đoạn tinh vi rất khó khăn trong việc phát hiện xử lý.
Bên cạnh đó, các DN chưa mạnh dạn tố giác khi bị nhũng nhiễu, do lo sợ bị gây khó khăn nên đã chấp nhận “chi thêm” để được giải quyết công việc, tạo thói quen xấu cho cán bộ, công chức khi thi hành công vụ.
Về đánh giá này của lãnh đạo tỉnh Bình Phước cũng không nhận được sự đồng thuận của DN và xã hội. Bởi pháp luật hiện hành của nước ta quy định rất rõ, người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều bị xử lý hình sự.
“Để đánh giá PCI của Bình Phước, trước tiên cần phải nhìn nhận một cách tổng quát, khách quan và nhiều góc độ khác nhau. Thực tế, xuất phát điểm của Bình Phước là khá thấp, một tỉnh nghèo và cũng là nơi định cư của nhiều dân tộc khác nhau, hạ tầng giao thông còn yếu kém, thiếu đồng bộ”, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước nói.
Nguyên nhân mà người đứng đầu tỉnh Bình Phước đưa ra chưa khách quan. Bởi lẽ, năm 2011, Bình Phước càng khó khăn hơn bây giờ nhưng thời điểm đó tỉnh này đứng top 10 trong bảng xếp hạng.
Một nguyên nhân đặc biệt quan trọng nhưng tỉnh Bình Phước không đánh giá, đó là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan có liên quan đến quá trình hoạt động đầu tư, sản xuất và kinh doanh của nhà đầu tư, DN.
Nếu những người đứng đầu thực sự công khai trong phân công công việc và minh bạch trong ứng xử đối với DN, thì chắc chắn cấp dưới của họ có muốn tham nhũng, nhũng nhiễu cũng không dám.
Bình luận