Chiều 3/11, phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Buổi họp báo diễn ra ngay sau phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2017 tại Trụ sở Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông tin tình hình kinh tế - xã hội đã chuyển biến rất tích cực.
Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện; theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tiếp tục có bước tiến vượt bậc, tăng 14 bậc, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế.
"Trong 10 tháng, chúng ta có nhiều điểm nổi bật như kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số CPI tháng 10 tăng nhẹ với 0,41%. CPI có xu hướng giảm, tăng 3,71% so với năm 2016. Chỉ số công nghiệp 10 tháng tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong tháng 10, khai khoáng tăng trưởng dương được 2,1%. Trước đó, 9 tháng đã tăng trưởng âm", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Theo người phát ngôn Văn phòng Chính phủ, so với tháng 9, tất cả các lĩnh vực đều có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 17%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,7%. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10,4 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ.
Có 105.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 97% số doanh nghiệp mới có doanh thu và có nộp thuế.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, đất nước còn đối diện một số thách thức, khó khăn, nhất là tình hình bão, lũ lụt, lở đất làm nhiều người chết trong thời gian qua.
Tồn tại nữa là giải ngân vốn đầu tư cơ bản có tiến bộ nhưng còn chậm. Mặc dù có cải thiện, sản xuất kinh doanh còn gặp khó khăn, cần tiếp tục tháo gỡ. Nhiều vấn đề như bảo vệ môi trường, phá rừng ở một số địa phương, an ninh trật tự, an toàn giao thông... vẫn cần tiếp tục được nêu ra để có giải pháp xử lý quyết liệt, triệt để.
“Tình trạng hàng hóa nước ngoài lấy nhãn mác hàng hóa trong nước, gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong nước đang diễn ra khá phổ biến. Trong tháng 10, Chính phủ đã nhận được 4467 phản ánh của người dân, 1094 kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp, nếu các Bộ trả lời chưa hài lòng thì Chính phủ sẽ tổ chức đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp, người dân để đưa ra cách hiểu đúng hơn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, hiện nay 3 Bộ là Bộ Công thương, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN đều đã trình Thủ tướng về các phương án cắt giảm thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.
Video: Vì sao Thanh tra Chính phủ thanh tra "biệt phủ" Yên Bái?
Bình luận