9 tháng đầu năm 2022, ngành du lịch đã đón 1,650 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt tổng thu khoảng 394,2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngành du lịch tại các tỉnh Duyên hải miền Trung cũng có sự đóng góp đáng kể.
Phục hồi ấn tượng sau đại dịch
Cụ thể, trong 9 tháng, ngành du lịch Bình Định đón 3,56 triệu lượt khách, tăng 200,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng doanh ước đạt 11.578 tỷ đồng, tăng 617,3%.
“Trong 9 tháng năm 2022, du lịch Bình Định tăng trưởng rất mạnh cả về số lượng và chất lượng (thời gian lưu trú dài hơn và khả năng chi tiêu của du khách ngày càng cao). Thị trường khách du lịch đến Bình Định chủ yếu là khách nội địa đến từ Hà Nội, TP.HCM, Gia Lai, Kom Tum và các tỉnh phía Bắc”, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, nói.
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Phú Yên trong 9 tháng năm 2022, tổng lượt khách du lịch đạt 1.612.000 lượt, đạt 80,6% kế hoạch năm (kế hoạch năm 2022 là 2 triệu lượt khách), tăng 393% (gấp 4,9 lần) so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch năm (2.242 tỷ đồng), tăng 498% (gấp 5,9 lần) so với cùng kỳ.
Ngành du lịch Khánh Hòa cũng không chịu thua kém. Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch đề ra, tổng lượt khách lưu trú ước đạt 2.116.093, tăng 342,4% so với cùng kỳ, với hơn 5 tỷ ngày khách lưu trú, tăng 263,87%. Doanh thu du lịch ước đạt gần 10.801 tỷ đồng (vượt 170% kế hoạch).
Tại Bình Thuận, theo số liệu từ Cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón khoảng 3,97 triệu lượt khách (đạt 89,25% kế hoạch năm, tăng 2,27 lần so cùng kỳ); trong đó khách quốc tế ước đạt 51.500 lượt doanh thu ước đạt khoảng 9.200 tỷ đồng (86,79% kế hoạch năm, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm trước).
Trong khi đó, ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận cũng đón hơn 2,19 triệu lượt khách, tăng 93,2% so với cùng kỳ; thu nhập khoảng 1.634 tỷ đồng, tăng 124,8%.
"Muốn đi xa, hãy đi cùng nhau"
Tại nhiều hội thảo về du lịch được tổ chức gần đây tại Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên... theo các chuyên gia, dù có lợi thế là những bãi biển cát trắng trải dài, kết hợp với nhiều danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa, nhưng để thực sự trở thành thiên đường nghỉ dưỡng, vùng Duyên hải miền Trung phải tháo được nút thắt về nhân lực cho ngành du lịch. Đồng thời, cần có sự liên kết với nhau để phát triển bền vững.
Bà Hoàng Thị Thu Sen - Giám đốc Vietravel chi nhánh Quy Nhơn (Bình Định) - cho rằng, đội ngũ hướng dẫn viên, đặc biệt là hướng dẫn viên thông thạo ngoại ngữ ở các địa phương vẫn còn thiếu.
Do đó, các tỉnh, thành cần có chiến lược quy hoạch chung nguồn nhân lực dài hạn, như hợp tác với TP.HCM và các tỉnh, các trường đại học trong và ngoài tỉnh để đào tạo, bồi dưỡng lao động ngành du lịch, đáp ứng yêu cầu phát triển của du lịch trong giai đoạn mới.
Về sản phẩm du lịch, các tỉnh, thành đã có quy hoạch, tuy nhiên một số khu vực do điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng và văn hóa của các địa phương gần như tương đồng nên về sản phẩm đặc trưng địa phương vẫn chưa rõ nét.
Bà Sen gợi mở, cần tập trung làm rõ thế mạnh sản phẩm đặc thù của Bình Định nói riêng và trong liên kết khu vực nói chung để từ đó liên kết thành chuỗi sản phẩm dịch vụ hấp dẫn hơn, như vậy mới thu hút được du khách trong và ngoài nước.
Ông Trần Văn Thanh chia sẻ quan điểm: “Muốn đi nhanh, hãy đi một mình; còn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau. Tôi rất mong 3 địa phương Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa cùng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển sản phẩm du lịch, điểm đến mới đặc sắc để xây dựng tour “một hành trình ba điểm đến” nhằm thu hút và phục vụ thị trường khách du lịch Đông Bắc Á có trọng tâm, trọng điểm”.
Bình luận