• Zalo

Cách nào gỡ 'điểm nghẽn' hạ tầng cho du lịch miền Trung – Tây Nguyên?

Doanh nghiệp - Doanh nhânThứ Ba, 26/02/2019 11:22:00 +07:00Google News

“Để tạo đột phá mạnh cho phát triển du lịch miền Trung trước hết cần giải pháp về chính sách phát triển hạ tầng du lịch. Nhà nước cần cho áp dụng cơ chế để tư nhân đầu tư và khai thác đầu mối hạ tầng giao thông…” , đây là một trong nhiều ý kiến của các chuyên gia khi bàn về giải pháp thúc đẩy phát triển khu dịch miền Trung – Tây Nguyên.

“Điểm nghẽn” cản trở ngành kinh tế mũi nhọn

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Phát triển Du lịch miền Trung – Tây Nguyên hôm 16/2,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, du lịch miền Trung - Tây Nguyên hội tụ nhiều tiềm năng nhưng vẫn chỉ là “viên ngọc thô, chưa được mài dũa hoặc chưa tìm được người thợ dũa xứng đáng”.

Thực tế, miền Trung – Tây Nguyên được xem là địa bàn phát triển du lịch sôi động nhất cả nước. Năm 2018, khu vực này đón khoảng 56 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch khoảng 120.000 tỷ đồng (bằng 18,75% tổng thu du lịch toàn quốc).

Dù vậy, kết quả này vẫn được cho là chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, kỳ vọng. Chỉ ra những hạn chế của ngành công nghiệp không khói tại miền Trung - Tây Nguyên, Thủ tướng đề cập vấn đề mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay, cảng biển và đặc biệt là xây dựng hệ thống đường ven biển liên tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển du lịch.

image001

Hạ tầng giao thông đang là điểm nghẽn của du lịch miền Trung – Tây Nguyên 

Vấn đề hạ tầng giao thông, theo đó được xác định là điểm nghẽn cản trở sự phát triển của du lịch trong khu vực. GS.TS Đặng Đình Đào (Đại học Kinh tế quốc dân) phân tích, miền Trung – Tây Nguyên hiện có 12 sân bay (trong đó có 5 cảng hàng không quốc tế), 13 cảng biển (trong đó có 7 cảng biển loại I) chạy dọc bờ biển dài hơn 1.800km… nhưng đến nay cả vùng vẫn chưa có một hệ thống để kết nối, khai thác hiệu quả. Thực tế cho thấy, quốc gia nào có hệ thống kết nối đồng bộ thì quốc gia đó có ngành du lịch phát triển, như Nhật Bản, Singapore, Đức, Hà Lan, Mỹ…

12 sân bay đã xuống cấp, quá tải, 13 cảng biển mà không có cảng khách quốc tế

Tại Diễn đàn kinh tế miền Trung hồi tháng 1/2019, TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ rõ, với hệ thống cảng biển “dày”, khu vực này có lợi thế mà ở nơi khác không có nhưng nghịch lý là đang diễn ra cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các tỉnh, thành sở hữu cảng chứ không phải xu hướng kết nối chặt chẽ để cùng khai thác tiềm năng của cả vùng.

image003

Ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group 

Ở một góc độ khác, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường phân tích, đường biển dài như vậy, với nhiều cảng biển như vậy nhưng cả dải duyên hải miền Trung chưa có một Cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt. Trong khi, trên bản đồ du lịch tàu biển châu Á, Việt Nam đứng thứ 4 sau Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan về số du thuyền ghé thăm.

Về đường hàng không, theo ông Trường, số lượng 12 sân bay hoạt động trong khu vực cũng chưa thể là con số khả dĩ khi sân bay quốc tế Đà Nẵng đang quá tải. Sân bay quốc tế Phú Bài (Huế) đang gấp rút chuẩn bị triển khai nâng cấp. Phú Yên, Đà Lạt, Nha Trang… đều cần những sân bay công suất lớn hơn, khang trang và hiện đại hơn.

image005 3

Miền Trung – Tây Nguyên cần thêm những sân bay hiện đại, đẳng cấp 

Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI) dự báo, Việt Nam là thị trường tăng trưởng hành khách nhanh nhất thế giới trong nhóm thị trường trên 50 triệu hành khách giai đoạn 2016 - 2040. Nhưng cả nước mới có 22 sân bay quốc tế và nội địa. Trong khi đó, nhìn ra khu vực, Indonesia có tới 683 sân bay, mỗi hòn đảo nước này có ít nhất một sân bay quốc tế.

Về đường bộ, thời gian qua, miền Trung - Tây Nguyên là khu vực được Chính phủ rất quan tâm, điều kiện hạ tầng đã được cải thiện đáng kể với 13 tuyến quốc lộ và 57 tuyến tỉnh lộ được đầu tư. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, cả khu vực vẫn đang dựa nhiều vào một tuyến huyết mạch duy nhất là Quốc lộ 1A. Tuy đã được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn, bổ sung hệ thống hầm vượt đèo (hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông), khai thông sự kết nối giao thương nhưng xét về lâu dài, các địa phương vẫn kỳ vọng về việc đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam đồng bộ để giải phóng áp lực lên đường 1, hỗ trợ kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng phát triển.

Tư nhân đầu tư mới sớm có sân bay, cảng khách quốc tế

Nói về giải pháp để tạo đột phá mạnh cho phát triển du lịch vùng duyên hải miền Trung trong chiến lược chuyển từ xây dựng “điểm” (địa phương) sang liên kết vùng, PGS.TS. Phạm Trung Lương – nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cũng nhấn mạnh trước hết về chính sách phát triển hạ tầng du lịch. Ông kiến nghị cho phép các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia không giới hạn về tỷ lệ vốn để thực hiện các dự án phát triển hạ tầng du lịch trọng yếu của vùng.

TS Lương mong muốn nhà nước cho áp dụng cơ chế để tư nhân đầu tư và khai thác đầu mối hạ tầng giao thông, tương tự như chính sách áp dụng để xây dựng sân bay Vân Đồn (sân bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam) và cảng hành khách quốc tế Hạ Long tại Quảng Ninh.

image007 4

Quảng Ninh đã có sân bay quốc tế đẳng cấp, cảng tàu khách chuyên biệt nhờ huy động vốn tư nhân

Quảng Ninh đã rất thành công khi chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng 3-4 năm đã huy động được hơn 48.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng giao thông, từ sân bay, cảng hàng khách quốc tế, cầu lớn và hàng loạt tuyến cao tốc quan trọng kết nối các khu du lịch trọng điểm, mà địa phương chỉ phải bỏ ra tổng cộng hơn 12.000 tỷ, còn lại vốn của chính các nhà đầu tư như Sun Group. Những con số đó nhanh chóng biến thành kết quả đột phá cho ngành du lịch khi 2 năm liền, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp không khói Quảng Ninh đã lên trên 20%.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group cũng khẳng định, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông, mở rộng sân bay, xây mới cảng biển, cao tốc sẽ giúp kết nối miền Trung - Tây Nguyên với cả nước, với thế giới, mang đến nhiều nguồn khách và những thị trường mới cho khu vực. Với những thành công ở Quảng Ninh trong xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, từ việc làm sân bay, cảng hành khách quốc tế, các tuyến cao tốc, Sun Group sẵn sàng tham gia góp sức cùng các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong lĩnh vực này nếu được hỗ trợ, tạo điều kiện.

Tại sự kiện Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ rõ, do điều kiện tự nhiên và lịch sử, kết cấu hạ tầng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn nhiều yếu kém, bất cập. Xây dựng kết cấu hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian dài, trong khi các nguồn lực tại chỗ còn hạn chế. Để phát triển kết cấu hạ tầng ở khu vực này, ngoài vốn đầu tư của Nhà nước, thì liên kết hợp tác để thu hút các nguồn lực bên ngoài là phương án khả thi, là chìa khoá để tháo gỡ điểm nghẽn.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn