Ông Trần Văn Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (TTNS&VSMTNT) tỉnh Bình Định cho biết, đơn vị đã tiếp nhận bàn giao lại Nhà máy nước sạch Vân Canh từ UBND huyện Vân Canh.
TTNS&VSMTNT cũng đã có Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Nâng cấp mở rộng công trình cấp nước sinh hoạt huyện Vân Canh gửi UBND tỉnh Bình Định.
Theo báo cáo, dự kiến tổng mức đầu tư dự án là 14.985.000.000 đồng (trong đó, vốn ngân sách tỉnh 14.519.000.000 đồng; vốn dân đóng góp 466.000.000 đồng).
Thời gian thực hiện dự án là năm 2023-2024.
Điều đáng nói, Nhà máy nước sạch Vân Canh được đầu tư vốn khá lớn, nhưng chỉ hoạt động 4 tháng rồi dừng từ tháng 4/2014 đến nay.
Nêu lý do vì sao không khắc phục mà lại mở rộng thêm, ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy nước sạch huyện Vân Canh là để mở rộng thêm phạm vi phục vụ cho bà con nhân dân huyện Vân Canh.
“Khắc phục và mở rộng đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau, đề xuất chủ trương đầu tư là để mở rộng hoạt động, đảm bảo điều kiện sống của dân cư trong khu vực dự án sẽ được cải thiện, chất lượng nước sinh hoạt của nhân dân được nâng cao hơn”, ông Phúc cho hay
Hiện TTNS&VSMTNT tỉnh Bình Định đang tổ chức tham vấn cộng đồng, lấy ý kiến khoảng 2.100 hộ dân nhằm thống nhất giá nước phù hợp để đảm bảo công trình hoạt động hiệu quả, tái sản xuất.
Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2012, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư một hạng mục của công trình nước sạch Vân Canh là Nhà máy xử lý nước sạch với công suất 1.400m3/ngày, cấp nước ra mạng đường ống bằng máy bơm.
Tổng mức đầu tư cho nhà máy này là hơn 7 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh nông thôn, vốn Trung ương hỗ trợ và vốn của tỉnh. Công trình có nhiệm vụ cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 12.000 người dân ở xã Canh Thuận, Canh Hiệp, Canh Hiển và thị trấn Vân Canh. .
Trong hệ thống nước này còn hai hạng mục là đầu mối Suối Phướng, gồm hai đập dâng nước, một cụm xử lý nước công suất 1.400m3/ngày, cấp nước ra mạng đường ống bằng tự chảy và mục hệ thống mạng đường ống dẫn nước thô, ống dẫn nước sạch và phân phối nước sạch thì do UBND huyện Vân Canh đầu tư, quản lý và vận hành.
Tháng 12/2013, sau khi hạng mục nhà máy xử lý nước hoàn thành, chất lượng nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn chất lượng nước sạch, thì Sở NN&PTNT Bình Định giao cho UBND huyện Vân Canh. Nhưng hoạt động khoảng 4 tháng, đến tháng 4/2014 thì nhà máy xử lý nước sạch dừng hoạt động, hệ thống chỉ còn cấp nước sinh hoạt cho đến nay.
Lý do nêu ra là UBND huyện Vân Canh không thống nhất được phương án xây dựng giá nước sạch (thời điểm 2013 giá nước sạch khoảng 4.500 đồng/m3) mà chỉ thống nhất ngang bằng với mức giá nước sinh hoạt mà huyện này đang thu là 750 đồng/m3.
Bởi vậy, nhà máy nước sạch hoành tráng hoạt động vài tháng, tiền thu được không đủ để trả một nửa chi phí tiền điện dùng để bơm nước nên phải dừng hoạt động cho đến nay.
Sau gần 9 năm "nghỉ ngơi", giờ Nhà máy nước sạch Vân Canh hoang phế và xuống cấp, máy móc, thiết bị gỉ sét, hư hỏng nghiêm trọng.
Đối với nhà máy nước cũ ở đầu nguồn suối Phướng (thị trấn Vân Canh), qua kiểm tra mẫu nước (do Sở Y tế tỉnh thực hiện), có một số tiêu chí không đảm bảo sức khỏe của người dân. Qua đó, đơn vị đã cho khắc phục, đầu tư thêm hệ thống khử trùng để tạm thời đưa nguồn nước sạch vào phục vụ trước mắt cho 640 hộ dân, với giá ban đầu 1.810 đồng/m3.
Đầu tháng 1/2023, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã phê bình tập thể UBND huyện Vân Canh do thiếu trách nhiệm trong quản lý, không báo cáo xử lý khắc phục các tồn tại công trình gây bức xúc dư luận; yêu cầu UBND huyện này tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan.
Bình luận