• Zalo

Biển Đông phủ bóng đối thoại Mỹ - Trung

Thế giớiThứ Hai, 06/06/2016 20:46:00 +07:00 Google News

Căng thẳng trên Biển Đông có thể làm nóng đối thoại Mỹ - Trung diễn ra hôm nay tại Bắc Kinh, sau khi đại diện hai nước đưa ra tranh luận gay gắt về vấn đề này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cùng Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew tham gia Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 8 tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, trong hai ngày 6 và 7/6. Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì và phó thủ tướng Uông Dương của nước chủ nhà đồng chủ trì cuộc đối thoại. 

Phát biểu tại buổi khai mạc sáng nay, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường tin tưởng lẫn nhau, đồng thời kêu gọi thúc đẩy các nỗ lực nhằm xử lý xung đột và tránh "đánh giá sai về mặt chiến lược".

"Một số tranh chấp có thể không được giải quyết trong lúc này, nhưng hai bên nên có thái độ mang tính xây dựng và thực tế. Thái Bình Dương nên là khu vực để hợp tác, không phải để cạnh tranh", ông Tập nói.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Kerry kêu gọi "giải pháp ngoại giao" đối với tình hình hiện nay trên Biển Đông. "Chúng tôi tìm kiếm giải pháp hoà bình cho vấn đề tranh chấp trên Biển Đông và phản đối bất kỳ quốc gia nào giải quyết thông qua hành động đơn phương", ông Kerry nói, ám chỉ các động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong khu vực.

 Các quan chức Mỹ và Trung Quốc chụp ảnh trước khi bắt đầu Đối thoại Chiến lược và Kinh tế tại Bắc Kinh sáng 6/6

Trước đó, Ngoại trưởng Kerry từng khẳng định cuộc đối thoại sẽ tập trung vào vấn đề hợp tác giữa hai nước thay vì gây mối bất hoà. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định Biển Đông có thể làm nóng cuộc họp song phương, khi sự kiện diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh tăng cao vì các hành động quân sự bành trướng của Trung Quốc trên vùng biển này.

"Căng thẳng trên Biển Đông ở mức cao hơn năm ngoái. Chúng tôi vẫn rất quan ngại", AFP dẫn lời một quan chức Mỹ cho hay.

Cuộc họp song phương diễn ra ngay sau Đối thoại Shangri-La ở Singapore, nơi Biển Đông cũng là tâm điểm tranh luận của các nước. Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 4/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chỉ trích mạnh mẽ các hành động gây lo ngại mà Trung Quốc tiến hành thời gian qua trên Biển Đông. Theo ông Carter, Trung Quốc có thể thoát khỏi sự cô lập bằng cách tôn trọng và tuân thủ phán quyết trong vụ kiện do Philippines đưa ra.

Trong khi đó, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, cao giọng nói rằng "vấn đề Biển Đông trở nên nóng hơn vì sự khiêu khích của một số quốc gia, vì quyền lợi ích kỷ của họ". Ông Tôn còn hung hăng tuyên bố sẽ "không để nước ngoài xâm phạm chủ quyền" và "không ngại sự cố" xảy ra trên Biển Đông.

Các quan chức Mỹ - Trung trong cuộc đối thoại 

Trong chuyến công du Mông Cổ ngày 5/6, Ngoại trưởng John Kerry cảnh báo Mỹ sẽ coi hành động lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc trên Biển Đông là "hành vi khiêu khích và gây bất ổn".

Trước đó, SCMP dẫn nguồn tin thân cận với Quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh đã sẵn sàng thiết lập ADIZ ở Biển Đông. Tuy nhiên, thời điểm Trung Quốc công bố ADIZ trên Biển Đông phụ thuộc vào các diễn biến trong khu vực, đặc biệt là sự hiện diện quân sự và ngoại giao của Mỹ với các nước Đông Nam Á. Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nhiên khẳng định quyền của một nước có chủ quyền là thiết lập ADIZ.

Lầu Năm Góc đã thực hiện nhiều hoạt động "tự do hàng hải" bằng cách điều tàu và phi cơ tuần tra gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi lấp trên Biển Đông. Phía Mỹ đồng thời khẳng định những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế.

Những hành động đó khiến Bắc Kinh tức giận. Họ cáo buộc Washington khiêu khích và cố tình gây căng thẳng trên Biển Đông.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn