Các báo cáo nghiên cứu và đánh giá trong thời gian qua cho thấy tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực đồng bằng Sông Cửu Long rất to lớn. Đây là 1 trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất trước thảm họa thiên tai, đặc biệt là theo những kịch bản mới nhất về nước biển dâng được công bố.
Cụ thể, nếu nước biển dâng từ 73cm - 100cm vào năm 2100 (năm cuối thế kỷ 21) sẽ có 39% diện tích đất đai ngập lụt, 35% dân số chịu ảnh hưởng xấu do thời tiết phức tạp, ngày một cực đoan hơn, không theo quy luật thông thường.
Trong 10 năm trở lại đây, thời điểm bắt đầu những dấu hằn rõ rệt của biến đổi khí hậu lên mảnh đất vốn màu mỡ, 1,7 triệu người đã di cư khỏi đồng bằng Sông Cửu Long. Tỉ lệ di cư này hơn gấp đôi trung bình cả nước và cao hơn so với ở các khu vực chịu tác động mạnh của khí hậu.
Trong hai ngày 19 và 20/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long tổ chức triển lãm "Biến đổi khí hậu, thách thức và cơ hội hợp tác Á - Âu" giới thiệu về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Triển lãm là hoạt động bên lề Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững.
Đồng thời, đây cũng là nơi tìm hiểu, liên kết hợp tác đầu tư và giới thiệu vai trò quan trọng của ngành tài nguyên và môi trường đặc biệt là lĩnh vực biến đổi khí hậu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước nói chung, phát triển đồng kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng.
Ngoài ra, triển lãm cũng nhằm giới thiệu các hoạt động, hợp tác tiêu biểu Á- Âu trong việc hành động ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Triển lãm có 13 gian hàng gồm 1 gian hàng của các cơ quan Trung ương (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 1 gian hàng của TP.HCM và 11 gian hàng của các địa phương khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Bình luận