Theo Bộ Y tế, đây là trường hợp nhiễm Omicron đầu tiên Việt Nam ghi nhận. Người này nhập cảnh sân bay Nội Bài (Hà Nội) hôm 19/12, test nhanh dương tính với SARS-CoV-2, được đưa về khu cách ly của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Do người này có yếu tố dịch tễ trở về từ Anh nên bệnh viện giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm hôm 20/12, kết quả nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron.
Ngày 21/12, bệnh viện tiếp tục lấy mẫu giải trình tự gene. Kết quả xác định bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529) với 34 đột biến trên protein gai.
Nói về biến chủng Omicron, Ths. BS Trương Như Quân, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quân Y 175 (TP.HCM) cho biết, biến chủng Omicron (B.1.1.529) của virus SARS-COV-2 được Nam Phi thông báo cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 24/11/2021; được phát hiện lần đầu ngày 11/11/2021 tại Boswana và 14/11/2021 tại Nam Phi.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy, biến chủng có khả năng nhân lên với nồng độ virus cao gấp 70 lần so với chủng Delta tại biểu mô khí phế quản, tuy nhiên, nồng độ virus thấp hơn 10 lần trong nhu mô phổi. Dẫn đến, virus có thể dễ lây nhiễm hơn, ước chừng tốc độ lây nhiễm gấp 3 - 6 lần so với chủng Delta.
Tuy nhiên, nhiễm chủng này bệnh cũng có thể nhẹ hơn, theo ghi nhận ban đầu các ca nhiễm tại Nam Phi tăng rất nhanh, nhưng chưa có sự gia tăng các ca nặng, tử vong và các triệu chứng chủ yếu giống như cảm cúm.
“Nhưng nếu số ca lây nhiễm cao lây lan sang người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh lí nền hoặc suy giảm miễn dịch sẽ gia tăng nguy cơ diễn biến nặng và tử vong trong nhóm dân cư này”, BS Quân nói.
Hiệu quả của vaccine phòng COVID-19 với Omicron
Theo BS Trương Như Quân, vaccine phòng COVID-19 sẽ giảm hiệu quả đáng kể trong bảo vệ khỏi nhiễm bệnh ở người đã tiêm 2 mũi vaccine trong vòng 6 tháng. Nghiên cứu cho thấy, liệu trình cơ bản vaccine Pfizer và Moderna chỉ còn làm giảm 30% nguy cơ nhiễm bệnh so với hiệu quả bảo vệ khỏi nhiễm bệnh hơn 90% với các chủng trước kia (nồng độ kháng thể trung hòa giảm 25 lần so với chủng virus hoang dã - chủng ban đầu ở Vũ Hán).
Còn vaccine AstraZeneca và Johnson&Johnson phát huy khả năng giảm lây nhiễm rất hạn chế. Nhưng khả năng của vaccine tăng lên rất mạnh sau tiêm mũi thứ 3. Với vaccine mRNA sau tiêm mũi 3 nồng độ kháng thể trung hòa tăng lên gấp 25 lần, trở lại mức độ bảo vệ tương đương như hiệu quả bảo vệ của 2 mũi vaccine trước chủng hoang dã.
“Tuy nhiên, hơn 80% các quyết định kháng nguyên trên protein S, được nhận diện bởi các tế bào lympho T CD8+ (Tế bào T gây độc) được tạo ra sau tiêm vaccine không bị ảnh hưởng bởi các đột biến ở Omicron, do đó vaccine vẫn còn hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng. Mũi 3 vaccine cũng làm gia tăng nhanh chóng nồng độ tế bào T CD8+ chống lại nhiều các quyết định kháng nguyên ở protein gai.
Với vaccine AstraZeneca, liều thứ 3 có hiệu quả bảo vệ chống lại biến chủng Omicron tương đương với liệu trình vaccine 2 mũi chống lại biến chủng Delta”, BS Quân cho biết.
F0 chủng cũ có nhiễm Omicron không?
BS Quân cho hay, dữ liệu nghiên cứu bước đầu xác nhận Omicron làm tăng khả năng tái nhiễm so với chủng cũ Delta gấp 6 - 8 lần. Tuy nhiên, nguy cơ tái nhiễm ở người đã mắc chủng trước vẫn thấp hơn nhiều so với người đã tiêm đủ 2 mũi vacccine (chỉ bằng 10 - 15%).
Nghiên cứu của Trường Cao đẳng Hoàng gia London (The Imperial College of London) cho thấy, nguy cơ tái nhiễm với Omicron gấp 5,4 lần Delta, tức là mức độ bảo vệ do nhiễm các biến chủng khác tạo nên chỉ đạt mức độ thấp 19% trước Omicron. Trong khi đó, nghiên cứu SIREN của Anh trước đó ước lượng mức độ chống tái nhiễm lần 2 với các biến chủng trước đây là trên 85% trong vòng 6 tháng.
Vaccine (đặc biệt sau tiêm liều nhắc lại) và 5K vẫn có hiệu quả với Omicron. Các thuốc kháng virus (Molnupiravir, Remdesivir), các thuốc kháng thể đơn dòng vẫn còn có hiệu quả và đặc biệt một số thuốc mới đã hoàn thành thử nghiệm cho thấy hiệu quả điều trị nổi bật.
Do đó, dù hiện TP.HCM chưa có chủng Omicron, nhưng các biện pháp ứng phó cần thiết là đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ 3 và có kế hoạch cho mũi 4; tiếp tục thực hiện nghiêm 5K.
Ngoài ra, thành phố có kế hoạch giám sát chặt chẽ, để phát hiện kịp thời khi chủng Omicron xuất hiện; có kế hoạch chuẩn bị đối phó như tăng cường huấn luyện, bổ sung nhân, vật lực và tổ chức tốt cho hệ thống y tế cơ sở; chủ động tiếp cận các thuốc điều trị như Molnupiravir, Paxlovid để sử dụng cho đối tượng nguy cơ cao sớm.
“Khi phát hiện chủng Omicron cần theo dõi sát, có kế hoạch tiếp cận phù hợp theo số lượng gia tăng của dịch bệnh để có đáp ứng phù hợp nhất, đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân, tuy nhiên vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh, xã hội phù hợp”, BS Quân nói.
Bình luận