Chủng mới này có tên VUI-202012/01 (hoặc B117). Điểm đáng lo ngại là biến chủng này có hơn 20 đột biến. Một số đột biến nằm ở gai protein, vốn là mục tiêu trong cơ chế hoạt động của vaccine.
“Chắc chắn là tôi lo lắng về điều này", Tiến sĩ Ravi Gupta, người nghiên cứu virus tại Đại học Cambridge (Anh) cho biết.
Trong khi đó, Trevor Bedford, nhà sinh vật học và di truyền tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ở Seattle, lưu ý có một số bằng chứng cho thấy xuất hiện khả năng biến thể này có khả năng kháng lại các phương pháp điều trị đang áp dụng.
Ca nhiễm VUI-202012/01 đầu tiên được ghi nhận ở đông nam Anh vào tháng 9/2020. Kể từ thời điểm đó, VOC 202012/01 trở thành biến chủng “thống trị” tại Anh.
Đặc trưng của biến chủng này là khả năng lây lan nhanh trên người, làm tăng tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh COVID-19, nhập viện và gây áp lực đối với hệ thống y tế của Anh. Kể từ đầu tháng 1/2021, Anh ghi nhận số ca thiệt mạng vì do COVID-19 cao kỷ lục kể từ khi dịch bệnh xảy ra tại quốc gia này.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh đã lây lan ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hàng loạt các nước phải ngừng các chuyến bay đi và đến Anh nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể mới xâm nhập và lây lan trong nước. Một số nước châu Âu đang duy trì các biện pháp quyết liệt để chặn đứng đà lây lan của VUI-202012/01.
Tây Ban Nha và Hà Lan gia hạn lệnh hạn chế nhập cảnh đối với hành khách từ Anh đến đầu tháng 2. Trong khi đó, Ireland từ 16/1 yêu cầu những người nhập cảnh vào nước này phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.
Tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo biến chủng VUI-202012/01 có thể làm tăng tỷ lệ thiệt mạng thêm 30%, với khả năng lây nhiễm cao hơn gần 70%. Đánh giá này được đưa ra dựa trên kết luận của các nhà nghiên cứu từ nhóm Tư vấn mối đe dọa virus hô hấp mới xuất hiện (Nervtag) thuộc chính phủ Anh.
Tuy nhiên ngay sau đó, WHO khẳng định các nhà khoa học không nhận thấy nguy cơ tăng tỷ lệ thiệt mạng của biến chủng mới và các kết quả nghiên cứu đều là sơ bộ, cần có thêm phân tích để chứng thực.
"Chúng ta có thể nói rằng, nếu như virus tăng lây lan, đồng nghĩa với tăng trường hợp nhiễm bệnh. Nhiều người bệnh dẫn đến số phải nhập viện tăng lên, gây quá tải cho hệ thống y tế. Khi đã quá tải thì số người chết sẽ tăng”, bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ học và là người phụ trách Chương trình Các sự kiện khẩn cấp về y tế của WHO cho biết.
Theo bà Kerkhove, WHO vẫn đang nghiên cứu khả năng làm lây lan dịch bệnh, gây chết người của biến chủng mới ở Anh cũng như ở nhiều nơi khác.
Tín hiệu tích cực hiếm hoi về VUI-202012/01 là vaccine ngừa COVID-19 do Pfizer và BioNTech phát triển có khả năng chống lại biến thể virus SARS-COV-2 được phát hiện ở Anh. Hãng dược Moderna cũng khẳng định vaccine của hãng này có thể phòng ngừa được biến thể ở Anh.
Trong khi đó, GS, TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhận định, biến chủng này chỉ đột biến trên một số điểm nên không ảnh hưởng tới vaccine phòng COVID-19 do Việt Nam sản xuất.
Bình luận