Như đã nói ở bài trước, dù nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng được hầu hết các nhà nghiên cứu đánh giá cao, song cũng chỉ giám đưa ra con số tìm mộ chính xác khoảng 60-70%. Với 30-40% sai sót, thì có nghĩa là hàng ngàn gia đình đang thờ cúng tổ mối, đất đen, hoặc xương động vật.
Vậy nên, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên, hay sốc, nếu như phát hiện thêm hàng trăm ví dụ chứng minh nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng đã “giúp” các gia đình liệt sỹ đem… tổ mối về thờ.
Con số các nhà khoa học đưa ra về độ chính xác của nhà ngoại cảm, xét ở góc độ nào đó, quả thực là một cách chống chế, đối phó với dư luận xã hội. Nếu nhà ngoại cảm tìm sai, thì đơn giản họ đã đen đủi rơi vào cái con số 30-40% kia. Còn nếu họ tìm đúng một trường hợp nào đó, thì quả thực, họ đã được tôn xưng như người giời.
Phan Thị Bích Hằng đang tìm mộ dưới hồ thủy điện Đắk Lốp |
Vì thế, trách nhiệm của nhà khoa học với vấn đề ngoại cảm và tìm mộ liệt sỹ là vô cùng lớn. Nếu nhà khoa học không có tâm huyết thực sự, không vô tư thực sự, thì vô hình trung đã biến nhà ngoại cảm thành kẻ hoang tưởng và nhà khoa học đã tiếp tay lừa đảo hàng ngàn gia đình liệt sỹ.
Về trường hợp nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, dù số vụ tìm mộ chính xác, theo quan điểm của chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân, không quá 3%, thì cũng không thể phủ nhận công sức của nhà ngoại cảm này đối với việc xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến.
Có thể kể hàng trăm câu chuyện của nhà ngoại cảm này, với những đóng góp kiểu như thế. Công lao của Phan Thị Bích Hằng cùng một số nhà ngoại cảm trong việc tìm thấy hàng trăm bộ hài cốt liệt sỹ bị chôn vùi dưới lòng hồ thủy điện trong Tây Nguyên, bị lịch sử lãng quên, là không thể phủ nhận.
Người chủ trì cuộc tìm mộ lịch sử này là anh Phạm Văn Mẫn, khi đó là Giám đốc Sfone Hà Nội. Anh Mẫn đã có tổng cộng 50 lần vào Nam, trong 30 năm trời, để đi tìm anh trai liệt sỹ Phạm Văn Thành, song thất bại. Cuối cùng, anh phải nhờ đến các nhà ngoại cảm Việt Nam, mà chủ chốt là Phan Thị Bích Hằng.
Từ một tấm giấy báo tử với vài dòng chữ “hy sinh ở chiến trường miền Nam”, quá trình tìm kiếm anh trai, rồi sự vào cuộc của các nhà ngoại cảm, bức màn bí mật về sự hy sinh bi tráng của 400 liệt sỹ ở K’Nak đã được vén lên.
Cụm cứ điểm K’Nak nằm trên một mỏm núi, thuộc huyện K’Bang (Gia Lai), cách phía Bắc thị trấn An Khê khoảng 25km đường ô tô, 10km đường rừng và vài giờ đi bộ.
Nhà ngoại cảm Thẩm Thúy Hoàn đang xác định hài cốt dưới hồ thủy điện Đắk Lốp. |
Mỏm núi này được bao bọc bởi các thung lũng, khe suối, có tác dụng cản đường tiến quân, tập kích của đối phương. Từ căn cứ này, qua đường không địch có thể nhanh chóng kiểm soát các hướng di chuyển của ta từ Bắc vào Nam và từ miền Trung lên Tây Nguyên.
Bằng đường bộ, địch có thể tập kích vào các hướng di chuyển của quân ta từ Bình Định lên Playcu.
Tại đây, Mỹ - Ngụy đã xây dựng một cụm cứ điểm bao gồm đồn lũy, trận địa pháo và nhiều hàng rào thép gai, bãi mìn dày đặc để bảo vệ.
Cách mỏm núi 2km có mỏm núi cao hơn được chúng san bằng làm bãi đáp máy bay trực thăng và một trận địa pháo binh chi viện cho K’Nak.
Tại cứ điểm K’Nak luôn có một tiểu đoàn, khoảng 450 đến 500 tên chiếm đóng, canh giữ nghiêm ngặt. Quân ta đã nhiều lần tấn công cụm cứ điểm này nhưng toàn bị địch đánh bật trở ra.
Đầu năm 1965, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên quyết định tập trung lực lượng trên quy mô lớn nhằm tấn công san phẳng cứ địa này.
Lực lượng của ta được huy động đông gấp 3 lần của địch, gồm một tiểu đoàn đặc công 409 (Quân khu 5), một đơn vị đặc công của tỉnh Bình Định, Trung đoàn 10 bộ binh và Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu 5.
15 giờ ngày 07-03-1965, quân ta xuất phát từ căn cứ Kong Hà Nừng (Vĩnh Thạnh) tiến về địa điểm tập kết Đông K’Nak. 18h, quân ta tiến đến sát suối Đắk Lốp và 19h thì tiếp cận mục tiêu.
Tất cả các vị trí đều đã triển khai theo kế hoạch, chỉ còn chờ hiệu lệnh là tấn công tứ phía, chiếm lĩnh các điểm trọng yếu rồi đánh xốc vào trung tâm căn cứ, khiến địch không kịp triển khai không lực.
Anh Phạm Văn Mẫn (bên phải, em trai liệt sỹ Phạm Văn Thành) cùng Bích Hằng trong chuyến tìm mộ ở Tây Nguyên |
Tuy nhiên, vào lúc 23 giờ 30 phút, bộ đội ta vấp phải mìn nổ, mìn sáng. Địch lập tức nhả đạn pháo trùm lên toàn bộ đội hình D904, E10. Tiến thoái lưỡng nan, các đơn vị của ta chấp nhận hy sinh dốc toàn lực vượt qua bão đạn tấn công vào các vị trí của địch.
Sau nhiều giờ chiến đấu dũng cảm, quân ta đã đánh chiếm được điểm cao phía Bắc và phía Nam, nhưng hướng chủ yếu ở giữa chỉ chiếm được một nửa và đã bị quân địch nhả đạn như mưa rào từ các lô cốt cố thủ, khiến thương vong rất nặng.
Tham mưu trưởng Lê Sơn Hổ cùng trợ lý tác chiến Bình lao lên tổ chức số bộ đội còn lại ở điểm cao phía Bắc để đánh sang khu trung tâm, nơi có hệ thống lô cốt cố thủ.
Tuy nhiên, mới bắt đầu tấn công, đồng chí Hổ và Bình đã bị trúng đạn. Sau đó các chiến sĩ quyết tử xông lên cũng đều ngã xuống bởi hỏa lực dữ dội của địch.
Đến 0 giờ 30 phút ngày 8-3-1965 quân ta thương vong gần hết. Địch tổ chức lực lượng đánh phản kích lại quân ta khiến lực lượng còn lại của ta buộc phải rút quân, để lại chiến trường xác 400 chiến sỹ cùng nhiều thương binh nặng không có khả năng di chuyển.
Khai quật hài cốt sau khi đã tháo khô hồ thủy điện Đắk Lốp. |
Quân địch đã giết nốt số thương binh của ta rớt lại trận địa, thu gom xác các anh đổ xăng đốt, sau đó dùng xe ủi đào hố và hất các liệt sỹ xuống rồi sang phẳng.
Trước khi quân ta tổ chức tấn công, đồng chí Nguyễn Trọng Ẩm đã chỉ đạo đào sẵn 50 huyệt bên suối Đắk Lốp, cạnh trạm Trung phẫu, cách vị trí địch 8km để mai táng liệt sỹ sau trận đánh.
Tuy nhiên, số liệt sỹ hy sinh gấp chục lần số huyệt đã đào, song lại chỉ lấy được 8 xác đồng chí về mai táng, trong đó có liệt sĩ Phạm Văn Thành.
8 đồng chí này bị hy sinh ngay từ đầu trận đánh nên mới đưa ra được phía sau để chôn cất. Về sau, trận đánh khốc liệt, địch tập kích đánh trả, bộ đội hy sinh gần hết, lực lượng cứu thương cùng dân công hỏa tuyến cũng hy sinh gần hết nên không còn người cấp cứu và tải thương ra.
Theo Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh thì riêng Khu 5 có gần 10 điểm quân ta đánh phá không thành công, bị địch tập kích lại nên thiệt hại nặng nề, trong đó có trận K’Nak.
Đối với một số đơn vị quân đội, những người viết sử đã viết rất qua loa hoặc bỏ qua những trận đánh không thành công. Trong hồi ký hoặc ký sự lịch sử của một số cá nhân, đơn vị tổng kết chủ yếu chỉ nêu thành tích, việc quy trách nhiệm, thiếu sót cũng không rõ ràng.
Đây là điều không những gây khó khăn cho việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sỹ mà còn có lỗi với những chiến sỹ đã hy sinh, có lỗi với các gia đình liệt sỹ và với cả dân tộc.
Chuẩn bị cho việc an táng các hài cốt khai quật dưới lòng hồ thủy điện Đắk Lốp |
Thế nhưng, nhờ sự giúp sức của các nhà ngoại cảm, đặc biệt là nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng, hàng loạt hố khai quật đã được tiến hành trong rừng sâu, tại khu vực từng là cao điểm K’Nak.
Rất nhiều hố chôn tập thể đã được phát hiện, đưa lên nhiều xương cốt liệt sỹ. Hố ít tìm được 5, 10, 12 liệt sỹ, hố nhiều có tới 37 liệt sỹ, chồng đống lên nhau. Tổng số có đến 300 bộ hài cốt đã được khai quật theo sự chỉ dẫn của các nhà ngoại cảm ở nơi rừng sâu núi thẳm này.
Điều đặc biệt, Phan Thị Bích Hằng đã chỉ dẫn cuộc khai quật dưới lòng hồ thủy điện. Suối Đắk Lốp xưa đã bị chặn dòng làm thủy điện, nên nhiều ngôi mộ bên suối đã chìm xuống lòng hồ.
Hồ nước mênh mông, nhưng nhà ngoại cảm này đã chỉ đúng địa điểm. Sau khi xả cạn nước hồ, cuộc khai quật được tiến hành và các bộ hài cốt tiếp tục được phát hiện.
Công sức tìm mộ của Phan Thị Bích Hằng, cùng với việc viết lại lịch sử trận đánh bi tráng này, đã khiến cả nước cảm động. Nghĩa trang và đài tưởng niệm 400 anh hùng liệt sỹ đã được xây dựng ở K’Bang. Còn ít nhất 100 liệt sỹ vẫn nằm dưới lòng đất nơi cánh rừng K’Nak xa xôi chưa được tìm thấy.
Trong cuộc tìm mộ này, Phan Thị Bích Hằng đã nhìn vào từng bộ xương, đọc tên từng liệt sỹ, quê quán, ngày sinh, ngày mất. Thậm chí, ngồi ở Hà Nội, chị vẫn hướng dẫn bộ đội công binh xắp xếp các bộ hài cốt khai quật lên từ mộ tập thể. Chưa có gì chứng minh những phán đoán đó là đúng. Nhưng, hàng trăm bộ hài cốt đào lên từ rừng sâu, từ đáy hồ thủy điện sâu thăm thẳm là điều có thật.
Còn tiếp…
Sông Diêm
Bình luận