• Zalo

Bị tuýt còi trước Bụi đời Chợ Lớn, Đường đua vẫn ra rạp

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 21/06/2013 07:05:00 +07:00Google News

(VTC News) - Diễn viên Hồng Ánh, nhà sản xuất 'Đường đua' tiết lộ lý do tại sao phim bị tuýt còi vì bạo lực, bắn giết nhưng vẫn được ra rạp.

(VTC News) - Diễn viên Hồng Ánh, nhà sản xuất Đường đua tiết lộ lý do tại sao phim bị tuýt còi vì bạo lực, bắn giết nhưng vẫn được ra rạp.

Sau những Đời cát, Trăng nơi đáy giếng... nữ diễn viên Hồng Ánh xuất hiện dưới vai trò hoàn toàn mới, giám đốc sản xuất bộ phim tâm lý, hành động hứa hẹn sẽ gây sốt các phòng chiếu mang tên Đường đua. VTC News đã có cuộc trò chuyện với chị trong vai trò mới này.

- Điều đầu tiên, mà nhiều người vẫn thắc mắc vì sao chị lại từ bỏ công việc diễn viên, nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với việc tự đứng ra sản xuất một bộ phim, khi một tay phải lo toan từ đầu đến cuối?

Tôi vẫn luôn xác định diễn xuất là công việc mình sẽ theo đuổi, và gắn bó đến khi không còn khả năng nữa. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn của cuộc sống, tôi cũng cần thay đổi, làm mới bản thân, tìm đến những công việc mới lạ, thử thách hơn. 
 
Việc đứng ra sản xuất một bộ phim cũng cho tôi nhiều kinh nghiệm đáng quý để hiểu hơn về nghề nghiệp mà mình theo đuổi. Đường đua không thể hoàn thành nếu tôi chỉ có ‘một tay lo toan từ đầu đến cuối’, đó là kết quả lao động của cả tập thể cùng với sự hỗ trợ của cả một ekip chuyên nghiệp đứng sau tôi.

phim Đường đua_Hồng Ánh
Hồng Ánh lần đầu tự đứng ra sản xuất một bộ phim. 
- Từnhững Đời cát, Trăng nơi đáy giếng…đến vai trò giám đốc sản xuất Đường đua, dường như là một sự bất ngờ lớn dành cho khán giả?

Và cho cả chính bản thân tôi nữa! Chưa bao giờ tôi nghĩ mình có thể đứng ra  đảm nhiệm vai trò đầu tàu cho một bộ phim điện ảnh, mà lần đầu này lại là một phim với đề tài và thể loại như Đường đua.

- Tài năng diễn xuất của chị đã được ghi nhận với hàng loạt giải thưởng lớn, chị có sợ mình sẽ không làm tốt được như vậy ở vai trò mới?

Tôi có lo lắng nhưng không sợ. Mặc dù đã từng tham gia làm phó chủ nhiệm cho một số bộ phim khác, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đứng ra làm nhà sản xuất. Mà khi đã là ‘lần đầu tiên’ thì tôi không còn là một diễn viên từng đoạt nhiều giải thưởng nữa, chỉ là một nhà sản xuất lạ nước lạ cái trong một lĩnh vực mới. 
 
Chắc chắn sẽ rất khó khăn, chắc chắn sẽ rất vất vả, chắc chắn sẽ không hoàn hảo trong lần đầu tiên, nhưng kinh nghiệm hơn 15 năm gắn bó với điện ảnh  giúp tôi rất nhiều trong lần ‘ra quân’ này và nếu ‘sợ’ sẽ chẳng bao giờ tạo ra một sản phẩm nào cả. Nếu sợ thì tôi đã không làm.

- Là bộ phim đầu tay, lý do nào khiến chị mạo hiểm thử sức với thể loại tâm lý, hành động có nội dung liên quan đến tội phạm, xã hội đen, một thể loại ăn khách, nhưng không hề dễ làm và càng khó để qua cửa kiểm duyệt nếu không thật sự ‘chắc tay’?

Có đôi chút ‘cá nhân’ trong đó, tôi thường quen với những bộ phim tâm lý, tình cảm, nên khi làm một thứ mới, tôi muốn một thứ mới hoàn toàn, có như vậy mới tạo được thách thức để mình muốn vượt qua.

Còn về mặt thị trường, tôi nghĩ phim chiếu rạp Việt Nam hiện nay chưa thật sự đa dạng về thể loại, vẫn tập trung vào thể loại tâm lý, hài. Tìm một hướng đi mới, với một bộ phim hành động, tội phạm hay, tất nhiên sẽ là thử thách rất lớn, nhưng đây cũng có thể là cơ hội. Đi tìm một hướng đi mới, một cách thể hiện mới là thứ hấp dẫn tôi trong việc sản xuất Đường đua.

phim Đường đua
 Cảnh trong phim 'Đường đua'
- Được biết chị đã bỏ ra tới 12 tỷ đồng để thực hiện bộ phim này, tại sao chị lại ‘mạnh tay’ như vậy, và chị có tin tưởng mình sẽ thu hồi được vốn, hay đầu tư cho nghệ thuật không nên có sự tính toán quá nhiều?

Nếu các bạn tìm hiểu về ngân sách cho các bộ phim hành động hiện nay thì chắc các bạn không coi khoản tiền đó là ‘mạnh tay’ đâu (cười). Một bộ phim hành động, nhất là hành động trên đường, với nhiều bối cảnh khác nhau thì chi phí sẽ khác nhiều so với một bộ phim tâm lý- hài với ít bối cảnh.

Đã đầu tư là phải có tính toán, nhưng mục tiêu trước mắt của chúng tôi đối với sản phẩm đầu tay là đưa được đến công chúng một sản phẩm của một ê-kíp làm phim trẻ và mạnh mẽ.
 
- Chị có thể chia sẻ những khó khăn nhất trong quá trình thực hiện Đường đua?

‘Khó khăn’ lớn nhất của Đường đua có lẽ nằm trong thể loại phim mà chúng tôi lựa chọn- một bộ phim hành động- tội phạm- hành trình. Cả ekip đã phải trải qua hơn hai tháng quay ròng rã với hệ thống trang thiết bị cồng kềnh, sản xuất chủ yếu là trên đường di chuyển nhiều (đặc biệt là trong những đại cảnh cháy nổ mà khán giả sẽ xem trong phim).
 
Gần một trăm con người đã phải làm việc, chờ đợi trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, rất khắc nghiệt của Bình Thuận. Vất vả nhất có lẽ là Phạm Anh Khoa, Nhan Phúc Vinh và Quý Bình, có thể nói các bạn đã bầm dập thực sự sau khi hoàn thành vai diễn này.

Thành công của các đại cảnh cháy nổ trong phim có sự đóng góp không nhỏ của các chuyên gia thuộc lực lượng công binh của Bộ Quốc Phòng và Bộ chỉ huy quân sự Bình Thuận, những người mà chúng tôi hết sức biết ơn.

- Giống như người bạn cùng thời điểm sản xuất là Bụi đời Chợ Lớn, đều bị Cục điện ảnh ‘tuýt còi’ yêu cầu sửa chữa, cắt bớt những cảnh bạo lực chém giết, nhưng Đường đua tìm được tiếng nói chung để ra rạp trong thời gian tới đây, để có được ‘lối thoát’ này, chị có phải cắt bỏ và sửa chữa đứa con tinh thần của mình quá nhiều?

Là một nhà sản xuất, ban đầu chúng tôi có một cái nhìn khác về bộ phim của mình. Chúng tôi đã tranh luận nhiều với Hội đồng duyệt để tìm ra cách thức tốt đẹp nhất nhằm hạn chế một số cảnh quá bạo lực trên phim, nhưng không làm sai lêch tinh thần chính của bộ phim là một cái nhìn hiện thực về xã hội hiện nay.

Đấu tranh để bảo vệ quan điểm của mình không hề dễ dàng, nhưng tôi vui mừng vì cuối cùng bộ phim cũng ra rạp để đón chờ đánh giá của khán giả.

- Khi những ồn ào quanh Bụi đời Chợ Lớn diễn ra, chị có lo sợ Đường đua cũng cùng chung số phận khi cùng khai thác đề tài này?

Có một điểm tôi muốn nói rõ. Thực ra, Đường đua sản xuất trước Bụi đời Chợ Lớn khá lâu, và chúng tôi bị ‘tuýt còi’ trước Bụi đời Chợ Lớn cũng khá lâu. Thời điểm có những ồn ào xung quanh bộ phim là thời điểm chúng tôi đã thống nhất được với Hội đồng Nghệ thuật về các phương án chỉnh sửa.
 
Hơn nữa, bộ phim của chúng tôi cũng có đề tài khác với Bụi đời Chợ Lớn. Nhân vật của chúng tôi là một con người hết sức bình thường, một vận động viên điền kinh giải nghệ cố gắng tồn tại trong môi trường xã hội hiện đại - các băng đảng xã hội đen, tệ nạn là bối cảnh của phim, chứ không phải hoàn toàn trùng lặp về đề tài.

phim Đường đua
'Đường đua' bị tuýt còi trước cả 'Bụi đời Chợ Lớn'. 
- Theo chị, cái khó nhất khi làm phim về đề tài xã hội có nội dung liên quan đến tội phạm, xã hội đen ở Việt Nam là gì?

Theo tôi cái khó nhất vẫn là tìm được người tài, một đạo diễn có góc nhìn mới mẻ, quyết liệt với thể loại phim này. Bộ phim vừa phục vụ mục đích giải trí, nhưng có thể gửi đến người xem những thông điệp có giá trị nhân văn.

Và cuối cùng, những người ‘chịu khó’ khai thác đề tài, hướng đi mới cũng cần cách nhìn, thái độ tiếp nhận cởi mở, ủng hộ của hệ thống quản lý điện ảnh, văn hóa và cả khán giả yêu điện ảnh nói chung.

- Chị có ý định tiếp tục khai thác dòng phim này, bởi ở những thị trường phim lớn như Hong Kong hay Mỹ, đây là đề tài hấp dẫn kéo khán giả tới rạp?

Nếu có được một kịch bản hay và một đạo diễn trẻ mang đến cho tôi nhiều niềm tin và sự thú vị, tôi sẽ tiếp tục.

- Sau Đường đua, sẽ là một Hồng Ánh tiếp tục vai trò giám đốc sản xuất những bộ phim tiếp theo, hay chị quay lại với điện ảnh trong những vai diễn mới mẻ hơn?

Có lẽ là cả hai. Trước tiên, chắc chắn là tôi sẽ quay lại với phim ảnh với vai trò diễn viên, và nhất định đó sẽ là một vai diễn khác biệt, mang đến sự bất ngờ cho khán giả. Còn vai trò của nhà sản xuất, chắc từ từ sẽ tính tiếp…

- Xin cảm ơn chị!

An Yên (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn