• Zalo

Bị tố vi phạm quyền riêng tư của người dùng, TikTok có trở thành Huawei thứ hai?

Tài chínhThứ Tư, 22/07/2020 11:13:00 +07:00Google News

TikTok đang đối mặt nguy cơ bị cấm đoán và trừng phạt như cách mà Mỹ và một số nước đang làm với Huawei.

Zhang Yiming, Nhà sáng lập TikTok gần đây đang bị "vây hãm" ở nhiều thị trường. Ông đối phó bằng cách bản địa hóa ứng dụng video ngắn này để giảm bớt áp lực chính trị. Tuy nhiên, ông vẫn đang khó khăn để tìm ra lối thoát, theo bình luận từ một nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ tiền vào công ty mẹ ByteDance của TikTok.

TikTok, ứng dụng mạng xã hội phát triển nhanh nhất thế giới với hơn 2 tỷ lượt tải trên toàn cầu, đang phải đối mặt với các lệnh cấm hoặc dọa cấm từ các quốc gia khi bị cáo buộc vi phạm quyền riêng tư của người dùng. Sự phổ biến của nó trở thành một "con cờ" không thể bỏ qua bởi bất kỳ chính phủ nào.

Bị tố vi phạm quyền riêng tư của người dùng, TikTok có trở thành Huawei thứ hai? - 1

TikTok, với công ty mẹ là ByteDance của Trung Quốc đang bị Mỹ dòm ngó. Ảnh: Reuters.

Ở Mỹ, TikTok trở thành một phần của cuộc tranh luận chính trị. Cuộc bầu cử tháng 11 sẽ là một thách thức đối với TikTok, theo nhà đầu tư vào ByteDance. "Không có nhiều bất đồng giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa về các biện pháp trừng phạt hiện tại đối với các công ty Trung Quốc", vị này nói và cho rằng, sau ZTE và Huawei, TikTok sẽ là mục tiêu tiếp theo.

TikTok đang đối mặt với đe dọa bị cấm ở Mỹ - thị trường nước ngoài lớn thứ hai với 70 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng. Mỹ đang xem xét việc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, bao gồm TikTok, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ngày 6/7. Ông dẫn lý do bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ và tránh thông tin người dân Mỹ rơi vào tay Trung Quốc.

Cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu cũng đã thành lập đội đặc nhiệm vào đầu tháng 6 để điều tra các hoạt động xử lý dữ liệu và thực hành quyền riêng tư của TikTok. Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm đối với TikTok, lấy lý do về bảo mật và quyền riêng tư. Đây là thị trường nước ngoài lớn nhất của ứng dụng này, với hơn 200 triệu người dùng.

Từ vui vẻ đến ảnh hưởng chính trị

Những bình luận của ông Pompeo xuất hiện sau sự kiện vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump ở Tulsa, Oklahoma. Một số người dùng TikTok đã tìm cách phá hoại sự kiện bằng cách đăng video trên TikTok, kêu gọi mọi người đăng ký tham gia nhưng không đến. Kết quả, chỉ có 6.200 người có mặt tại sân vận động với 19.200 chỗ ngồi. Trước đó, người quản lý chiến dịch của ông Trump Brad Parscale đã trót khoe trên Twitter là có hơn một triệu lượt đăng ký.

Trò chơi khăm cho thấy tầm ảnh hưởng của ứng dụng ba năm tuổi này lớn thế nào ở một số thị trường bên ngoài Trung Quốc. Nếu như WeChat của Tencent phát triển phiên bản quốc tế chủ yếu để nhắm vào người dùng Trung Quốc ở nước ngoài, thì TikTok lại khác. Họ muốn chinh phục người dùng bản địa chứ không chỉ người Trung Quốc ở nước ngoài.

Kể từ năm 2019, TikTok đã được xếp hạng trong top các ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên toàn cầu. Đây là ứng dụng đầu tiên trong sáu năm vượt 2 tỷ lượt tải xuống sau WhatsApp, Instagram và Facebook Messenger.

Vào tháng 5/2020, TikTok phát hành tính năng biến đổi trang phục. Trong đó, người dùng có thể thay đổi những gì họ đang mặc hoặc ngoại hình khi làm động tác lau gương trên nền bài hát "Wipe It Down" của Kenneth Coby. Thử thách "xóa sạch" này đã thu hút hơn một tỷ lượt xem và sự tham gia của nhiều người nổi tiếng, bao gồm cả nam diễn viên Will Smith.

Các nhà đầu tư đang lo lắng

Ông Zhang Yiming đã dành nửa năm 2019 tại Washington để cố gắng củng cố mối quan hệ với chính phủ Mỹ. Trong khi đó, TikTok đã bản địa hóa các hoạt động của mình, bao gồm cả thương hiệu và nhân sự.

Nhân viên và hoạt động của TikTok tách biệt với công ty mẹ ByteDance, một nhà đầu tư nước ngoài của ByteDance nói với Caixin. Zhang đã thảo luận về các lựa chọn với các nhà đầu tư để giải tỏa sự chú ý của chính phủ Mỹ. Ông lập ban lãnh đạo, thay đổi quốc tịch các giám đốc điều hành quan trọng. Bản thân ông cũng từ bỏ phiếu "siêu hạng" của mình.

Ông Zhang không thể tới Mỹ lúc này vì đại dịch, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài của TikTok, bao gồm KKR và General Atlantic, đang tích cực vận động hành lang cho công ty, theo thông tin từ một nhà đầu tư.

Sự phổ biến và lớn mạnh của TikTok khiến nhiều người đoán rằng nó sẽ là mục tiêu mua lại khả thi cho Facebook. Tuy nhiên, một nhà đầu tư nói "Zhang không có hứng thú bán nó. Và nếu TikTok bị cấm ở Mỹ, người dùng của nó sẽ biến mất. Thật vô nghĩa khi mua nó", vị này nói.

Các nhà đầu tư ngày càng lo lắng. Năm 2019, TikTok và Douyin - phiên bản tiếng Trung của TikTok - đã đóng góp 60 tỷ đến 70 tỷ nhân dân tệ (8,58 tỷ đến 10 tỷ USD) cho công ty mẹ, chiếm hơn một nửa tổng doanh thu của ByteDance.

Trong vòng gọi vốn mới nhất năm 2018, ByteDance đã huy động được 3 tỷ USD từ một nhóm các nhà đầu tư dẫn đầu bởi SoftBank, KKR và General Atlantic. Công ty được định giá 75 tỷ USD, hơn gấp đôi so với định giá từ vòng gọi vốn chưa đầy một năm trước đó. Giá trị của nó trên giấy đã tăng ít nhất một phần ba, đến hơn 100 tỷ USD trong các giao dịch cổ phần tư nhân gần đây. Nhưng con số đó bây giờ chỉ là lý thuyết vì không ai muốn mua vào, các nhà đầu tư nói.

"Năm ngoái, nhiều nhà đầu tư tiềm năng đã thực hiện một cuộc điều tra về doanh số bán cổ phần tư nhân từ các nhà đầu tư hiện có, nhưng không ai muốn bán. Bởi vì đợt chào bán công khai đầu tiên dự kiến sẽ sớm diễn ra", nhà đầu tư Trung Quốc nói. Nhưng giờ, với mối đe dọa từ lệnh cấm của Mỹ, Zhang không có động lực để thúc đẩy IPO.

Trong khi Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei Ren Zhengfei nhiều lần bảo vệ công ty của mình trên các phương tiện truyền thông khi phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ, Zhang không như vậy. Doanh nhân 37 tuổi hiếm khi nói chuyện với truyền thông. Giám đốc điều hành và nhân viên của công ty cũng bị hạn chế phát ngôn một cách nghiêm ngặt.

Trong Diễn đàn kinh tế thế giới vào tháng 1/2020 tại Davos (Thụy Sĩ), các phóng viên Caixin đã gặp Zhang và Alex Zhu, khi đó là người đứng đầu TikTok, tại một quán cà phê. Zhang từ chối yêu cầu phỏng vấn, hẹn lần khác tại Trung Quốc. Một phóng viên người Đức đi cùng đã lên tiếng ngạc nhiên.

"Đó có phải là ông chủ lớn của TikTok không", nhà báo người Đức hỏi, "Hiện tại có rất nhiều người đang sử dụng TikTok. Anh ấy không thể là một 'người đàn ông Trung Quốc bí ẩn'".

Bản địa hóa là không đủ

Kết luận rằng thị trường nước ngoài cần một gương mặt đáng tin cậy đại diện cho TikTok, hồi tháng 5, Zhang đã chọn cựu thành viên Disney Kevin Mayer làm CEO mới của TikTok. Ông cũng tuyển dụng cả một đội ngũ điều hành người phương Tây.

Họ bao gồm cựu Cố vấn trưởng sở hữu trí tuệ Microsoft Erich Andersen, làm Cố vấn chung toàn cầu. Cựu giám đốc điều hành ADP Roland Cloutier làm Giám đốc an ninh thông tin. Cựu giám đốc thương hiệu Hulu Nick Tran làm Giám đốc tiếp thị cho Bắc Mỹ, và cựu giám đốc cấp cao của Facebook và Yahoo là Blake Chandlee để phụ trách quan hệ đối tác chiến lược. Tháng trước, TikTok cũng đã thuê một cựu giám đốc Google là Lee Hunter làm Tổng giám đốc của văn phòng Australia mới ra mắt.

Khi toàn bộ đội ngũ quản lý được thay thế bằng các gương mặt địa phương, ByteDance đã rút tất cả nhân viên Trung Quốc về và thay thế họ bằng việc thuê nhân sự địa phương.

Ngoài bản địa hóa nhân sự, Zhang cũng cân nhắc chuyển trụ sở hoạt động quốc tế ra nước ngoài. Ông đã xem xét các địa điểm bao gồm London, Singapore và Dublin, một người gần gũi với quản lý cấp cao của ByteDance nói với Caixin vào cuối năm 2019.

Đầu tháng này, TikTok đã công bố kế hoạch chuyển trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng châu Âu từ Mỹ sang các chi nhánh Ailen và Anh. Công ty cũng mở một trung tâm minh bạch kiểm duyệt nội dung ở Los Angeles. TikTok cố gắng cho các chuyên gia bên ngoài có cái nhìn toàn cảnh về hoạt động hàng ngày của họ. Đây như một phần trong nỗ lực giảm bớt những lo ngại của các nhà lập pháp Mỹ về việc xử lý dữ liệu người dùng và liệu có kiểm duyệt nội dung theo yêu cầu của Bắc Kinh hay không.

Nhưng những nỗ lực này dường như ít có tác dụng. Tuần trước, Peter Navarro, cố vấn thương mại của Nhà Trắng đã gọi giám đốc điều hành mới của TikTok là "con rối Mỹ", nói rằng chiến lược đưa một công dân Mỹ lên nắm quyền là "sẽ không hiệu quả". Ông tuyên bố, Tổng thống Trump dự kiến có "hành động mạnh mẽ" đối với TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc.

(Nguồn: VnExpress )
Bình luận
vtcnews.vn