Tờ The Washington Post mới đây đã đưa tin về việc Nga đang bí mật thử hạt nhân. Đồng thời, tờ báo này cũng trích dẫn tuyên bố của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) về các “vụ nổ hạt nhân năng lượng cực thấp” của Nga.
Tuy nhiên, The Washington Post có lưu ý rằng trong tuyên bố của DIA không nhắc đến các thông số thử nghiệm cũng như các chi tiết khác. Ấn phẩm này cũng không công bố bất kỳ tài liệu nào có thể xác nhận được kết luận này của tình báo quốc phòng Mỹ.
Phản ứng trước thông tin trên, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố Matxcơva bác bỏ cáo buộc vi phạm Hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện từ phía Washington. Trong khi đó, Đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, ông Mikhail Ulyanov cho rằng đây là một cáo buộc vô căn cứ và yêu cầu Washington phải cung cấp cụ thể các bằng chứng cho thấy Nga đang thực hiện các vụ thử hạt nhân.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Diễn đàn kiểm soát vũ khí ở Viện Hudson trong tháng 5/2019, người đứng đầu DIA, Thiếu tướng Robert P. Ashley tin rằng “Nga nhiều khả năng đã không tuân thủ các quy định cấm thử nghiệm hạt nhân năng lượng thấp theo tuân chuẩn”.
Nhưng sau đó, trước những câu hỏi của phóng viên, ông Ashley đã thay đổi cách diễn đạt, đồng thời giải thích rằng Nga, cũng như Mỹ và Trung Quốc, đều đủ “tiềm lực” cho các cuộc thử nghiệm như vậy. “Những từ ngữ chặt chẽ hơn đã được sử dụng trong phát ngôn đính chính về chủ đề thử hạt nhân năng lượng cực thấp”, - truyền thông Mỹ cho biết.
Một tuyên bố mới đã được đưa ra sau cuộc họp của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Kiểm soát Vũ khí và An ninh Quốc tế Andrea Thompson tại Praha. Phía Bộ Ngoại giao Nga coi những tuyên bố của ông Ashley là những lời cáo buộc hoàn toàn vô căn cứ, ảo tưởng và mang tính khiêu khích lộ liễu.
Ngoài ra, tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin có nhấn mạnh rằng việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) về vấn đề Iran có thể sẽ làm suy yếu chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân trên thế giới.
Bên cạnh đó, Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START-3) cũng sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021. Hiệp ước này có điều kiện gia hạn thêm 5 năm nữa. “Tuy nhiên, điều này là không thể nếu không có sự xác minh về số lượng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định.
Về vấn đề này, trong cuộc họp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Sochi hôm 13/5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có tuyên bố rằng Matxcơva muốn xác minh về việc chuyển đổi một số lượng lớn các bệ phóng tên lửa từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược sang trạng thái phi hạt nhân mà Washington tuyên bố.
Bình luận