• Zalo

Bí quyết sống lâu của người dân 'làng trường thọ' xứ Huế

Thời sựChủ Nhật, 06/11/2016 08:08:00 +07:00Google News

Huế có hai ngôi làng được mệnh danh là “làng trường thọ” vì có nhiều cụ già dù tuổi đã cao nhưng vẫn sống khỏe, nhiều cụ đã ngoài 70 tuổi mà vẫn ra đồng làm ruộng như thanh niên.

Hai ngôi làng mà chúng tôi đề cập đến là làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) và làng Trúc Lâm (khu  vực 1, phường Hương Long, TP Huế).

"Trúc Lâm trường thọ"

Vì có nhiều người sống thọ mà làng Trúc Lâm (khu vực 1, phường Hương Long, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên  - Huế) được một nhóm người Nhật Bản gọi là “Trúc lâm trường thọ”.

Ông Trần Bình – Tổ trưởng tổ dân phố khu vực 1 (làng Trúc Lâm) cho hay: “Tuổi thọ người dân trong làng khá cao so với các vùng khác, trung bình từ 80 - 90 tuổi. Chính điều đặc biệt này mà khoảng 3 năm trước có một nhóm người Nhật đến tại làng tặng quà và tìm hiểu cách sống, cách ăn uống của các cụ cao niên. Họ gọi làng tôi là “Trúc Lâm trường thọ”.

Anh 01 (FILEminimizer)

Dù tuổi đã cao nhưng ông Luyến vẫn thường xuyên cuốc đất làm vườn và chăm sóc cây cối - Ảnh: Nguyễn Vương.

Ông Trần Văn Luyến  - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi làng Trúc Lâm cho biết dân làng Trúc Lâm có tuổi thọ rất cao. Hiện tại, hội Người cao tuổi của tổ 4 do ông Luyến quản lý có 120 hội và đều có độ tuổi trung bình từ 80 – 90 tuổi.  

Trong đó, hội có 2 cụ trên 100 tuổi đó là cụ Trần Thị Bé (102 tuổi) và cụ Nguyễn Thị Đàm (101 tuổi). Cách đây không lâu các cụ được Chủ tịch nước tặng bằng khen cùng 5 mét vải vì tròn 100 tuổi.

Bản thân ông Luyến Bản năm nay 86 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh. Ông Luyến vốn là giáo viên.  

Về hưu ông nhận chức chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi Làng Trúc Lâm để giúp việc làng, việc xóm. Ngoài ra ông còn chăm lo ruộng vườn. Nhìn ông cuốc đất, không ai nghĩ ông năm nay đã gần 90 tuổi.

Bà Hoàng Thị Cháu (làng Trúc Lâm) dù năm nay đã 90 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn. Chúng tôi gặp khi bà vừa đi chợ về.

Đặt chiếc giỏ đựng thực ăn xuống đất bà nói: “Dù tuổi đã cao nhưng sức khỏe tôi vẫn tốt và minh mẫn lắm. Khi rảnh tôi thường lấy bài ra suy nghĩ cách đánh để tối đánh với mấy bà bạn già hàng xóm nhằm tìm niềm vui tuổi già”.

a1

Dù đã 90 tuổi nhưng bà Cháu vẫn còn minh mẫn để đánh bài với những người bạn già cùng xóm. 

Làng cổ “trường thọ”

Làng Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) là ngôi làng cổ ở Huế nổi tiểng khắp gần xa với nghề làm gốm được phát triển hơn 500 năm qua. Làng Phước Tích được thành lập vào khoảng thế kỉ 15.

Phước Tích được Nhà nước công nhận và trao bằng xếp hạng "Di tích quốc gia" làng cổ vào ngày 13/06/2009. Đây là làng cổ thứ 2 được nhà nước Việt Nam công nhận và cấp bằng "Di tích quốc gia" sau làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).

Ngoài việc nổi tiếng là làng cổ có nghề làm gốm thuộc hàng lâu đời và độc đáo nhất Việt Nam, Phước Tích còn nổi tiếng là ngôi làng có nhiều người sống thọ.

3

 Phước Tích là ngôi làng cổ và nổi tiếng không chỉ có nghề gốm lâu đời mà còn vì làng có nhiều người sống thọ.

Ông Hoàng Tấn Minh (52 tuổi - trưởng thôn Phước Tích) cho biết: “Thanh niên đi làm ăn xa nên trong làng chủ yếu là người già. Làng có 320 người thì có đên 100 người cao tuổi. Có người sống lên tới 104 tuổi (bà Nguyễn Duy Thị Hiệp vừa mới mất cách đây 2 tháng - PV)”.

Theo sự chỉ dẫn của trưởng thôn, chúng tôi ghé nhà ông Hồ Thanh Yên (năm nay 90 tuổi). Lúc chúng tôi vào nhà, ông Yên đang dọn dẹp các loại giấy tờ. Dù đã 90 tuổi nhưng ông vẫn hoạt bát, nhanh nhẹn.

Biết chúng tôi tìm hiểu về làng trường thọ, ông Yên nhấp nhấp ngụm nước chè xanh và lấy cuốn sổ liệt kê họ tên các cụ già sống thọ trong làng để đọc cho chúng tôi.

Tuổi đã cao nhưng mắt ông Yên vẫn còn sáng để đọc được các con chữ li ti trên giấy.

Ông Yên cho biết: “Lúc rảnh rỗi, tôi liệt kê danh sách hàng chục các cụ tuổi cao trong làng. Đó là hai vợ chồng ông Hồ Văn Nậy (93 tuổi) và bà Nguyễn Thị Khương (93 tuổi), Hồ Thị Lê (90 tuổi), Lê Văn Thị Lục (90 tuổi)…”.

1

Tuổi đã cao nhưng ông Yên vẫn còn đủ minh mẫn để thống kê tên tuổi, địa chỉ các cụ cao niên trong làng vào một cuốn sổ. Nhìn vào cuốn sổ ấy ông đọc vanh vách mà không cầnn đeo kính. 

“Trước năm 1980, tôi làm kế toán ở Ti Công thương Bình Trị Thiên rồi nghỉ hưu. Hằng ngày, tôi ra vườn chăm sóc vườn tược, làm các công việc chân tay như nhổ cỏ, quét dọn 4-5 cái nhà vào ngày mồng 1 và rằm... Ngoài ra, tôi còn tham gia các công việc của thôn xóm, gia nhập hội Người cao tuổi của làng và sáng tác thơ ca”, ông Yên thông tin thêm.

4

 Bà Trương Thị Thú (88 tuổi) đang được cháu dùng xe đạp chở ra bến để bắt xe đi Đà Nẵng.

Rời nhà ông Yên chúng tôi đến thăm bà Lê Thị Phương (85 tuổi). Lúc chúng tôi đến, bà Phương đang nấu cơm trưa. Bà Phương cho biết, hàng ngày bà vẫn tự chăm sóc vườn tược và tự chăm lo cho bản thân.

Ông Lê Trọng Cờ (87 tuổi, hiện ông đang giữ chức Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Phong Hòa) thông tin: “Người dân ở làng Phước Tích sống rất thọ. Trong làng có hơn 80 cụ từ 60-100 tuổi. Bản thân tôi dù đã 87 tuổi nhưng vẫn làm được các công việc của hội, vườn tược, chăm sóc cây cối…”.

Bí kíp sống lâu

Các bậc cao niên trong 2 ngôi làng "trường thọ" cho rằng, bí kíp để họ sống lâu là lao động chăm chỉ, để đầu óc thoải mái, hạn chế ăn thực phẩm độc hại và bảo vệ môi trường luôn trong lành.

5

 Không khí trong lành, thoáng mát được người dân Phước Tích cho rằng là một trong những yếu tố giúp người làng sống thọ, sống khỏe.

Chính môi trường sống, chế độ dinh dưỡng và tinh thần giúp cho nhiều bậc cao niên ở làng cố Phước Tích sống lâu trăm tuổi. Hỏi thăm các cụ trong làng, ai cũng nói mỗi ngày chỉ ăn 2 buổi trưa và tối còn buổi sáng chỉ uống trà, ăn điểm tâm.

Ông Hồ Thanh Yên tâm sự: “Sáng dậy thì tập thể dục, ăn cháo dinh dưỡng, uống trà. Trưa 11h thì ăn cơm với canh, cá, rau, thịt. Đến 5h chiều thì ăn tối. Đồ ăn có sẵn trong vườn, thi thoảng mới mua đồ ăn ở chợ Mỹ Chánh”.

“Tôi sống lâu được là nhờ ở làng có không khí trong lành, mật độ dân số không đông, tinh thần luôn lạc quan, thích làm thơ ca, và nhất là thường xuyên lao động chân tay. Tuổi tôi đã cao nhưng tôi luôn tâm niệm “tóc bạc, lòng xanh”, ai cũng nói tôi trông trẻ và vui vẻ quá”, Ông Yên chia sẻ “bí kíp” sống thọ của mình.

Ông Lê Trọng Cờ - Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Phong Hòa nói: “Có rất nhiều nguyên nhân giúp bà con sống lâu. Trước hết, do Phước Tích là làng cổ nên môi trường vốn sạch sẽ, khung cảnh yên bình, xung quanh có sông, cây cối nhiều.

Cùng với đó, đời sống phần lớn dựa vào vườn, ăn uống đạm bạc, ít mua đồ ăn ở chợ; sống vui tươi hồn nhiên. Môi trường yên tĩnh làm cho giấc ngủ dài hơn, không ồn ào; có một số người già được nhà nước trợ cấp, có lương hưu”.

2

Bí kíp sống lâu của ông Cờ là chăm chỉ lao động, tập thể dục, ăn cây nhà lá vườn, ít độc hại và sống gần thiên nhiên. 

Còn các bậc cao niên ở làng Trúc Lâm (phường Hương Long Thành phố Huế) cho rằng, họ sống thọ được là nhờ cây nhà, lá vườn và chăm chỉ lao động.

Ông Trần Luyến - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi làng Trúc Lâm cho biết: “Người dân ở đây ăn uống đạm bac, chủ yếu là rau cùng những thực phẩm có trong vườn. Mỗi sáng các ông, bà cao tuổi đều thức dậy sớm đến nhà sinh hoạt cộng đồng tập thể dục, nên ai cũng đầy năng lượng để bắt đầu ngày mới”.

Ở đây, nhà nào cũng có mảnh vườn trồng rau và không sử dụng thuốc, chất kích thích nên an toàn và có lợi cho sức khỏe. 

Nhiều khi ra chợ chỉ mua chai ruốc (một loại nước chấm như mắm và được người dân Huế hay dùng – PV) rồi về chấm cùng mấy quả vả hoặc trái chuối trong vườn là xong bữa”, bà Bùi Thị Bé (73 tuổi, làng Trúc Lâm, phường Hương Long, thành phố Huế) thông tin.

Video: Cụ bà 109 tuổi sống thọ nhờ cả đời "kiêng" đàn ông 

Nguyễn Vương – Tuấn Hiệp - Trần Anh
Bình luận