(VTC News) - Sau khi giặt, bạn có thể nhúng quần áo vào nước nóng khoảng 60 độ, rồi vắt ráo và đem phơi ngay. Hiệu quả bốc hơi của nước nóng sẽ rút ngắn thời gian làm khô quần áo.
Phơi quần áo đúng cách giúp quần áo nhanh khô hơn. |
Nhúng quần áo vào nước nóng
Sau khi giặt, bạn có thể nhúng quần áo vào nước nóng khoảng 60 độ, rồi vắt ráo và đem phơi ngay. Hiệu quả bốc hơi của nước nóng sẽ rút ngắn thời gian làm khô quần áo.
Thêm một chút muối vào nước giặt cuối cùng
Nếu khi thời tiết lạnh, bạn nên nhớ thêm một chút ít muối vào nước cuối cùng trong khi giặt để quần áo được nhanh khô hơn.
Ủi trước khi phơi
Đây là cách giúp bay hơi phần lớn lượng nước còn trong quần áo. Nếu bạn ủi cả 2 mặt, thì quần áo sẽ khô nhanh hơn rất nhiều.
Cuộn trong khăn lông khô
Sau khi vắt kĩ, bạn trải rộng khăn lông khô và cuốn quần áo vào trong. Sau đó tiếp tục vắt để khăn rút bớt nước từ quần áo. Sau đó đem phơi, bạn sẽ thấy quần áo khô nhanh bất ngờ.
Giũ thật kỹ quần áo
Giũ quần áo thật kỹ trước khi phơi không chỉ là cách giúp quần áo bớt nhăn khi khô, mà còn là cách giúp khử bớt lượng nước thừa.
Phơi quần áo ở nơi thông gió
Khi phơi quần áo, bạn hãy chừa khoảng hở để quần áo luôn được thông thoáng và mau khô. Nếu tiết trời quá ẩm, Mẹ có thể dùng quạt thổi hoặc máy sấy cũng rất hiệu quả đấy.
Phơi ngược
Đối với những chiếc quần jean hoặc quần tây vải dầy, bạn hãy phơi ngược cho phần thắt lưng và miệng túi xuống dưới. Cách làm này sẽ giúp quần khô nhanh hơn.
Một số lưu ý khi giặt và phơi quần áo
Khi giặt quần áo, nên chọn thời điểm sáng sớm, vì lúc này trời thường thoáng hơn rất nhiều, và mưa nhẹ hơn những thời điểm khác trong ngày, tranh thủ phơi khi trời hửng nắng lúc sáng sớm cũng có tác dụng tích cực cho việc quần áo nhanh khô hơn.
Khi giặt nên giặt sạch vết bẩn, và xả hết xà phòng trong quần áo, việc có dư lượng càng lớn xà phòng trong quần áo càng làm cho quần áo khó khô, và rất nhanh hỏng do lượng xút quá nhiều sẽ phá vỡ cấu trúc của sợi vải, đấy là chưa kể việc quần áo sẽ bốc mùi khó chịu khi không rũ kĩ quần áo, khiến khi mặc chúng ta cảm thấy rất khó chịu.
Bạn có thể đổ vài thìa giấm hòa trong nước lúc giũ quần áo để loại bỏ mùi ẩm mốc khó chịu. Vì giấm có khả năng tiệt trùng, ngăn ngừa vi khuẩn và còn giúp làm mềm quần áo.
Ngoài ra, bạn nên dùng thêm nước xả vải. Tốt hơn là dùng nước xả vải một lần xả để quần áo của bạn được thơm tho và sạch xà phòng ngay trong lần xả nước đầu tiên. Nên ngâm quần áo trong nước xả vải ít nhất 15 phút để tránh được những mùi ẩm mốc, khó chịu do các vi khuẩn ngày mưa gây ra.
Khi sấy quần áo, hãy bỏ một chiếc khăn cotton khô vào thùng sấy. Chiếc khăn này sẽ hút bớt khí ẩm trong thùng. Nhưng hãy nhớ lấy khăn ra sau 15-20 phút nhé. Nếu không, hơi ẩm lại từ khăn trở lại trong thùng. Bạn có thể bỏ 2 hoặc 3 chiếc khăn vào cùng một lúc khi giặt nhiều quần áo.
Tuyệt đối không nên phơi quần áo trong nhà tắm vì không gian hẹp, ẩm thấp nên quần áo không chỉ lâu khô mà còn có mùi, cũng không nên phơi quần áo trong nhà bếp vì như vậy rất dễ khiến quần áo bị ám mùi thức ăn.
Không nên phơi đêm vì ban đêm độ ẩm tăng, kể cả bạn đã phơi ở nơi có mái che thì quần áo cũng vẫn có mùi khó chịu, dễ gây các bệnh về da: nấm, hắc lào,...
Để quần áo mau khô, hãy phơi bằng móc, và tốt nhất là không gấp mà để quần áo rũ thẳng xuống. Không phơi chồng quần áo lên nhau. Với khăn bàn, chăn mền và ra trải giường, hãy trải rộng và vắt trên lan can, tay cầu thang hay lên lưng một loạt ghế xếp thành dãy.
Nguyên tắc là phơi làm sao để không khí dễ lùa qua các lớp vải. Khoảng cách giữa hai móc ít nhất phải là 5cm.
An Nhiên (Tổng hợp)
Bình luận