"Lực lượng hải cảnh Trung Quốc là cơ quan thực thi pháp luật. Việc xây dựng Luật Hải cảnh là một hoạt động lập pháp trong nước bình thường của Trung Quốc", đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines viết trong bài đăng trên Facebook tối 1/2.
Cơ quan ngoại giao này khẳng định không chỉ Trung Quốc, nhiều quốc gia khác cũng đã ban hành luật tương tự.
"Chính Luật Hải cảnh của Philippines 2009 đã thiết lập lực lượng hải cảnh Philippines như một lực lượng được vũ trang mặc quân phục. Không có luật nào trong số này được coi là mối đe dọa chiến tranh", tuyên bố nhấn mạnh.
Tuyên bố này được coi là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm xoa dịu căng thẳng với nước láng giềng Đông Nam Á sau khi Manila bày tỏ quan ngại về luật hải cảnh mới được Trung Quốc thông qua.
Tuần trước, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin trao công hàm ngoại giao phản đối luật hải cảnh mới của Trung Quốc.
"Mặc dù ban hành luật là quyền của mỗi quốc gia, việc thông qua luật này - xét đến khu vực liên quan hay trong vấn đề này là khu vực Biển Đông mở - là lời đe dọa chiến tranh với bất kỳ quốc gia nào không tuân theo", nhà ngoại giao hàng đầu Philippines khẳng định.
Mới đây nhất, Thượng nghị sĩ Philippines Francis Tolentino cho rằng, Bộ Ngoại giao nước này cần cân nhắc triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Philippines để bày tỏ phản đối luật mới của Bắc Kinh.
Luật hải cảnh được Trung Quốc thông qua 22/1 và có hiệu lực từ ngày 1/2. Luật này cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc thực hiện “tất cả các biện pháp cần thiết, trong đó có việc sử dụng vũ khí đối với tàu thuyền của nước ngoài khi cái gọi là "chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán Trung Quốc" bị xâm phạm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Luật Hải cảnh được đưa ra nhằm làm rõ vai trò và quyền hạn của lực lượng hải cảnh Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh, chính sách hàng hải của nước này vẫn không thay đổi.
Tuy nhiên, ngay từ lúc còn là dự thảo cho đến khi chính thức có hiệu lực, luật Hải cảnh của Trung Quốc đã vấp phải làn sóng phản đối của nhiều quốc gia trên thế giới. Giới quan sát lo ngại Trung Quốc sẽ leo thang hơn nữa các hành động gây hấn hơn tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Bình luận về luật hải cảnh của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đề nghị các nước tuân thủ luật pháp, điều ước quốc tế trong ban hành luật biển.
"Trong việc ban hành và triển khai văn bản pháp luật quốc gia liên quan đến biển, các quốc gia có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)", bà Hằng nhấn mạnh.
Bình luận