Chất vấn của đại diện đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Lưu Bình Nhưỡng được nêu tại phiên thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.
Ông Nhưỡng đặt câu hỏi: “Vì sao còn nhiều tin báo, tố giác tội phạm không được xem xét; vì sao nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm lại không bị điều tra, có dấu hiệu "chìm xuồng" như vụ phân bón Thuận Phong ở Đồng Nai dù có kết quả hàng giả vẫn không bị xem xét xử lý hình sự?".
Vụ cháu bé bị xâm hại ở TP.HCM gia đình kêu cứu nhiều nhưng được xử lý cũng được vị đại biểu nhắc đến. Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng chất vấn về sự vụ một miếng đất có 4 sổ đỏ ở Thanh Hoá nhưng các cán bộ công chức tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo vẫn không bị khởi tố.
Chưa dừng lại, vị đại biểu tiếp tục đặt ra một loạt câu hỏi: "Vì sao dư luận chắc chắn có sĩ quan công an ăn cắp tiền tỉ ở phòng Xuất nhập cảnh ở tỉnh Thanh Hoá mà Công an Thanh Hoá thông tin đến Quốc hội lại không có sự việc xảy ra…
Trong khi người dân chỉ phát biểu mấy câu trong cuộc họp chi bộ trong việc giải phóng mặt bằng ở Sầm Sơn (Thanh Hoá) lại bị khởi tố tội Gây rối trật tự công cộng; vì sao bác sĩ Hoàng Công Lương liên tục bị thay đổi tội danh hết tội này sang tội khác"...
Chia sẻ những vất vả và khó khăn được các cơ quan ngành tư pháp nêu tại báo cáo gửi Quốc hội, nhưng ông Nhưỡng vẫn nêu 2 điểm cần quan tâm nhất hiện nay là vấn đề biên chế và chất lượng cán bộ đầu vào của các cơ quan tư pháp.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, trong quá trình hoạt động tư pháp nổi lên "yếu huyệt" đó là vị trí, vai trò, bản lĩnh của ngành Kiểm sát nhân nhân. Theo Hiến pháp, ngành Kiểm sát Nhân dân (KSND) được giao 2 chức năng quan trọng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Đại diện đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nhấn mạnh, về thực tiễn, nhà nước đặt 2 trọng trách lên vai ngành kiểm sát, trong khi toà án nhân dân mới nắm quyền lực tư pháp.
Cho rằng đây là một trong những nguyên nhân, ĐB Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo nghiên cứu để cải thiện ngành KSND có thêm điều kiện thực hiện quyền giám sát của mình.
Ông Nhưỡng cho hay, không đổ lỗi hạn chế, yếu kém trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trong cơ quan cảnh sát nhân dân nhưng không thể không nói đến trách nhiệm của ngành KSND.
Theo ông, xét cho cùng nếu có bản lĩnh chính trị vẫn có thể vượt qua khó khăn nâng cao vị thế của mình, không thể đổ lỗi khách quan, nhất là nhà nước ta là nhà nước pháp quyền.
"Nếu cứ như hiện nay, cử tri đánh giá KSND chưa ngang tầm, có thể nói ngành KSND giảm sút nhiều so với những năm trước đây", vị Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội bày tỏ.
Ngay sau phát biểu này của ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ông Nguyễn Quang Dũng- Viện trưởng VKSND cấp cao tại Đà Nẵng đã sử dụng quyền tranh luận. Theo ông Dũng, phát biểu của ông Lưu Bình Nhưỡng mang tính "chủ quan, hồ đồ có tính xúc phạm đối với ngành kiểm sát".
Vị đại biểu tỉnh Quảng Nam lý giải: "Theo Hiến pháp, VKS thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động tư pháp, VKS được thực hành quyền hoạt động theo phân công. Do đó, không thể nói rằng có sự lép vế với cơ quan này với cơ quan khác trong hệ thống bộ máy nhà nước ta".
Ông Dũng bày tỏ sự không đồng tình về ý kiến cho rằng "VKS lép vế". "Tôi rất đồng tình với báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp đánh giá ngành kiểm sát trong nhiều năm qua và năm nay, hoạt động tư pháp nói chung và ngành kiểm sát nói riêng có nhiều cố gắng. Trên thực tế trong vài năm gần đây đặc biệt trong 2 năm qua những vụ án lớn, những vụ tham nhũng kinh tế lớn được đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh", ông Nguyễn Quang Dũng cho biết.
Màn tranh luận được tiếp tục cùng với ý kiến của ông Lưu Bình Nhưỡng ngay sau giờ giải lao sau đó. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bấm nút xin tiếp tục tranh luận với ý kiến của đại biểu Nguyễn Quang Dũng. Theo đại biểu tỉnh Bến Tre, những phát biểu của ông có tình có lý, trên tinh thần xây dựng và không quy chụp.
Ông Nhưỡng cũng bày tỏ sự đồng cảm đối với tâm tư của ông Nguyễn Quang Dũng. Tuy nhiên, trước phản biện của đại biểu tỉnh Quảng Nam, ông Nhưỡng cho biết "mình lấy làm buồn".
"Đây là nghị trường, ngôi nhà của Tổ quốc, đây không phải là nơi họp ngành, nơi bảo vệ lợi ích riêng của ngành nào, tất cả đại biểu ở đây mang lợi ích của người dân. Ngoài ra, là nghị trường thì do Đảng và Nhà nước lựa chọn nên cũng có thái độ, ngôn ngữ sao cho đủ văn hoá cho mọi người cùng nghe", ông Nhưỡng nói.
Bình luận