• Zalo

Bí mật về máy bay cảnh báo sớm Tu-126 Liên Xô chế tạo cách đây 60 năm

Quân sựThứ Sáu, 12/02/2021 10:01:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhằm đối phó với máy bay ném bom tầm xa chiến lược của Mỹ, Liên Xô đã phát triển máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm Tu-126, khả năng theo dõi các mục tiêu tiềm tàng.

Tháng 1/1962, nguyên mẫu của máy bay Tu-126, sử dụng radar tầm xa có khả năng phát hiện các mục tiêu trên không và trên biển, đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. Đây là máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm (AWACS) đầu tiên của Liên Xô, được phát triển nhằm đáp trả sự xuất hiện của máy bay ném bom Mỹ, với trang bị vũ khí hạt nhân.

Giữa những năm 1950, các máy bay ném bom tầm xa chiến lược của Mỹ đã gây ra nhiều mối đe dọa nghiêm trọng cho đất nước và quân đội Liên Xô. Đặc biệt hướng Bắc là khu vực có khả năng dễ bị đột phá nhất. Bởi vì việc xây dựng các trạm radar trên mặt đất ở vùng Cực Bắc là quá tốn kém.

Do đó chính phủ Liên Xô đã quyết định phát triển và chế tạo một tổ hợp hàng không có khả năng theo dõi máy bay tấn công và các mục tiêu tiềm tàng trên biển của kẻ thù dọc đường biên giới.

Bí mật về máy bay cảnh báo sớm Tu-126 Liên Xô chế tạo cách đây 60 năm - 1

Mbay chỉ huy và cảnh báo sớm Tu-126 do Liên Xô chế tạo.

Máy bay mang hệ thống radar "cây nấm" 

Ban đầu Liên Xô muốn chế tạo tổ hợp cảnh báo sớm trên cơ sở máy bay ném bom chiến lược Tu-95. Phương án này đã được tích cực đẩy mạnh từ năm 1958 đến năm 1960. Tuy nhiên, cuối cùng nó đã bị loại bỏ, bởi vì khoang thân của mẫu máy bay này có khối lượng nhỏ và không thể chứa tất cả các thiết bị cần thiết.

Thay vào đó, một phương án thích hợp cho chiếc máy bay tương lai đã được tìm thấy. Phòng thiết kế kỹ thuật OKB-156, do kiến trúc sư trưởng S.M. Yeger phụ trách, đã phát triển một phiên bản tổ hợp AWACS dựa trên máy bay chở khách Tu-114.

Tại thời điểm đó, Tu-114 đã bay được 3 năm, các đặc tính của máy bay đã được kiểm chứng. Ngoài ra, kích thước lớn của Tu-114 cho phép chứa tất cả các thiết bị vô tuyến điện.

Thiết kế chi tiết bắt đầu dưới sự giám sát chung của N.I Bazenkov, nhà thiết kế hàng đầu của dòng máy bay Tu-95/114. So với máy bay cơ sở, cấu trúc bên trong của mẫu máy bay mới được thay đổi đáng kể. Theo đó, thể tích thân trên boong trên được chia thành 6 khoang, số lượng cửa sổ giảm đáng kể, đồng thời thay thế một số hệ thống máy bay và thiết bị trên tàu.

Đặc điểm phân biệt chính là một radar hình nấm khổng lồ, có đường kính 11 m, sử dụng ăng-ten của radar Liana, quay phía trên thân máy bay. Theo dự án, radar Liana có thể phát hiện các mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 350 km và các vật thể bề mặt lớn lên đến 400 km.

Người điều khiển trên máy bay có thể theo dõi tình hình trên không và mặt đất, xác định mục tiêu và xác định tọa độ của chúng. Các thiết bị liên lạc cung cấp khả năng truyền dữ liệu trên khoảng cách trên 2.000 km.

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của nguyên mẫu Tu-126 diễn ra vào ngày 23/1/1962, do phi công bay thử nghiệm I.M. Sukhomlin dẫn đầu. Kỹ sư hàng đầu huyền thoại của Tu-70 và Tu-95, N.V. Lashkevich trở thành trưởng lữ đoàn thử nghiệm của Phòng thiết kế OKB-156.

Tu-126 cất cánh từ sân bay của nhà máy số18 ở khu vực Kuibyshev. Song hệ thống radar "cây nấm" trong các chuyến bay đầu tiên chỉ là mô phỏng, với trọng lượng và hình dạng tương đương. Radar điều hành chỉ được lắp đặt sau chuyến bay thứ 8, khi nguyên mẫu bay đến sân bay ở Lukhovitsy.

Các cuộc thử nghiệm tiếp tục trong 2 năm nữa, cho đến tháng 11/1964. Trong thời gian này, các nhà thiết kế đã cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chính là kiểm tra đầy đủ tính tương thích của các thiết bị phức tạp trên máy bay.

Bảo vệ vững chắc biên giới Liên Xô

Thực tế, việc cất cánh của máy bay Tu-126 khó hơn nhiều so với Tu-114. Chiếc nấm radar gây ra sự dịch chuyển trọng tâm về phía sau máy bay và có ảnh hưởng xấu đến đặc điểm cất cánh và hạ cánh.

Cụ thể ngay sau khi cánh tà được thu lại, máy bay rơi vào trạng thái lắc lư theo chiều dọc, và lực cản bổ sung của "cây nấm" làm giảm tốc độ tối đa xuống 800 km/h. Tuy vậy, những trở ngại này không thể ngăn cản máy bay hoàn thành quá trình thử nghiệp và đưa vào phục vụ tháng 4/1965.

Bí mật về máy bay cảnh báo sớm Tu-126 Liên Xô chế tạo cách đây 60 năm - 2

Tu-126 chính thức được Liên Xô đưa vào phục vụ vào tháng 4/1965.

Phi hành đoàn Tu-126 gồm 18 người, trong đó có 6 nhân viên bay (chỉ huy tàu, trợ lý máy bay, 2 hoa tiêu, kỹ sư bay và người điều hành viên vô tuyến điện) và 2 sĩ quan bảo đảm kỹ thuật vô tuyến điện.

Thời gian bay của Tu-126 khoảng 11 giờ, tầm bay khoảng 7.000 km. Do thời gian bay kéo dài nên tổ lái phải thay đổi định kỳ, để tránh mệt mỏi. Trên máy bay có bố trí chỗ nghỉ ngơi cho phi hành đoàn.

Tổng cộng Liên Xô đã chế tạo 8 máy bay Tu-126. Nhưng vì lý do bí mật, số hiệu bên hông không được ghi trên thân máy bay. Do đó kẻ thù thậm chí không thể biết có bao nhiêu máy Tu-126 đang hoạt động.

Tu-126 liên tục bảo vệ biên giới Liên Xô cho đến giữa những năm 80. Sau đó chúng dần được thay thế bằng các máy bay A-50, với tổ hợp trinh sát hiện đại Shmel.

Đến năm 1984, Tu-126 bị loại bỏ hoàn toàn ra khỏi biên chế. Hiện không một chiếc Tu-126 nào còn tồn tại. Tuy vậy, ý tưởng và mô hình máy bay cảnh báo sớm do Liên Xo chế tạo vẫn tiếp tục phát triển. Quân đội Nga – Xô vẫn giữ được các phương tiện bay tương tự để phát hiện sớm các mối nguy hiểm tiềm tàng.

Phong Vũ(Nguồn: Warfiles.ru)
Bình luận
vtcnews.vn