• Zalo

Bí mật học viên quân sự cả gan hành hung lãnh tụ Liên Xô Stalin

Thế giớiThứ Hai, 25/11/2019 06:57:00 +07:00Google News

Học viên quân sự này ủng hộ tư tưởng đối lập và lợi dụng vị thế người bảo vệ để hành hung lãnh tụ Stalin ngay trên Quảng trường Đỏ.

Sau khi leo lên lễ đài trên lăng Lenin, người học viên quân sự này dù có nhiệm vụ bảo vệ Stalin nhưng lại bất ngờ lấy tay đấm thẳng vào phía sau đầu nhà lãnh đạo Liên Xô.

hanh_hung_stalin_2__qedn

Lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin. (Ảnh: Getty). 

Vào thập niên 1930 ít người tin rằng lại có kẻ dám đấm vào vị lãnh tụ quyền uy Joseph Stalin mà lại không bị trừng phạt. Tuy nhiên vào cuối thập niên 1920 tình hình lại hơi khác.

Phần tử thuộc phái Trotsky được phân công bảo vệ Stalin

Ngày 7/11/1927, toàn bộ Liên Xô chuẩn bị kỷ niệm ngày lễ quan trọng nhất của Liên Xô khi ấy: Lần kỷ niệm thứ 10 Cách mạng tháng Mười với một cuộc diễu binh truyền thống trên Quảng trường Đỏ.

Ban lãnh đạo Xô viết theo kế hoạch sẽ tụ tập trên lăng Lenin để theo dõi buổi duyệt binh. Nhằm ngăn ngừa các âm mưu ám sát, các học viên từ Học viện Quân sự Frunze đã được đưa tới đây để hỗ trợ các nhân viên an ninh chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho các lãnh đạo Liên Xô. Trong số các học viên này có Yakov Okhotnikov, người sẽ tấn công Stalin.

Dù là học viên quân sự, Okhotnikov không phải là người chân ướt chân ráo trong phong trào cách mạng. Ngược lại là đằng khác. Thanh niên 30 tuổi này đã được trui rèn trong ngọn lửa cách mạng và Nội chiến Nga và đều đóng vai trò chỉ huy trong các hoạt động sôi nổi đó.

Tuy nhiên hoạt động Okhotnikov sau nội chiến ít nổi bật hơn. Là một người ủng hộ nhiệt thành cho Trotsky (một nhân vật nổi tiếng trong Cách mạng tháng Mười – ND), anh ta từ chối che giấu quan điểm của mình ngay cả khi thần tượng Trotsky đã thất thế trong cuộc cạnh tranh chính trị nội bộ với Stalin vào giữa thập niên 1920. Okhotnikov đối mặt với các kỷ luật đảng do tuyên truyền cho chủ nghĩa Trotksky. Mặc dầu vậy, Hiệu trưởng trường Quân sự Frunze, Roberts Eidemanis, vẫn gửi Okhotnikov tới trực tiếp bảo vệ lãnh tụ Stalin (người có tư tưởng bất đồng với Trotsky).

hanh_hung_stalin_3__inxh

Các nhân vật lịch sử của Liên Xô khi đứng trên Quảng trường Đỏ (từ trái qua): Genrikh Yagoda, Alexander Egorov, Kliment Voroshilov, Mikhail Tukhachevsky, Yan Gamarnik. (Ảnh tư liệu của Nga). 

Nổi xung trên Quảng trường Đỏ

Okhotnikov, cùng với hai học viên sĩ quan khác, Vladimir Petenko và Arkady Gellerem, được trao nhiệm vụ bảo vệ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô trên lăng Lenin. Nhưng họ lại đến trễ.

 Chạy vội tới lăng, nhóm học viên quân sự này gặp phải một sĩ quan an ninh đứng chặn trên lối đi của họ. Đẩy sĩ quan an ninh sang một bên, bộ ba học viên tiến lên lễ đài trên lăng, nơi các lãnh đạo Liên Xô đã tụ tập đầy đủ.

Đội vệ sĩ cố gắng ngăn nhóm học viên lại, khiến hai bên cãi cọ với nhau. Do âm thanh ồn ào từ cuộc duyệt binh phía dưới, các yếu nhân Kremlin không hay biết về cuộc tranh cãi kịch liệt ngay sau lưng mình.

Okhotnikov nhanh chóng rút khỏi cuộc cãi cọ và tiến thẳng tới chỗ Stalin. Stalin đã hoàn toàn bất ngờ khi người học viên kia dùng nắm đấm tay để nện thẳng vào sau đầu mình. Okhotnikov vừa đấm vừa nói: “Chúng tôi tới để bảo vệ ông đây. Chuyện gì đang diễn ra vậy?”

Có lẽ Okhotnikov giơ tay đấm Stalin là để trả thù cho người thầy chính trị Trotsky của mình.

Okhotnikov vung tay định đấm vào đầu Stalin lần thứ 2 nhưng cú đấm này đã bị vệ sĩ của Stalin, Ivan Yusis, chặn lại. Do súng bị cấm phía trên lăng, nên người vệ sĩ Litva kia rút ra một con dao và đâm bị thương Okhotnikov.

hanh_hung_stalin_4__mzfm 3

Lãnh tụ Stalin (thứ 2 từ phải sang) vẫy chào khi ở trên lăng Lenin. (Ảnh: Russianinphoto). 

Trừng phạt về sau

Semyon Budyonny, Kliment Voroshilov và các lãnh đạo quân sự khác ở gần đó đã giải tán cuộc ẩu đả. Số phận Okhotnikov coi như đã được định đoạt. Nhưng vào năm 1927, Stalin chưa phải là chính trị gia đầy quyền uy như chính ông ấy vào thập niên 1930. Các học viên quân sự trong vụ lộn xộn này nhận được sự ủng hộ của Hiệu trưởng Học viện Quân sự Frunze Roberts Eidemanis, tư lệnh quân sự Iona Yakir, và Tham mưu trưởng Hồng quân Mikhail Tukhachevsky. Do vậy, Stalin phải lùi bước. Vị thế của ông lúc đó chưa chắc chắn để ông có thể công khai đối đấu với khối chỉ huy quân sự.

Tại thời điểm đó Okhotnikov không đối diện với bất cứ sự kỷ luật nào. Sau khi tốt nghiệp học viện quân sự, anh ta còn đứng đầu Viện Thiết kế Máy bay GiproAviaProm.

Mãi đến năm 1932, Okhotnikov mới bị kết tội tham gia hoạt động phản cách mạng trong cái gọi là “vụ Smirnov” và bị khai trừ khỏi đảng. Nhưng khi đó anh ta vẫn không bị tử hình. Bị đẩy tới Magadan ở vùng Viễn Đông nước Nga, anh còn đứng đầu một xưởng ô tô địa phương.

Nhưng rồi đến thời kỳ Đại Thanh trừng, Okhotnikov trở thành một trong các đối tượng đầu tiên. Okhotnikov bị bắt ở Magadan vào tháng 8/1936, rồi bị đưa về Moscow và bị hành quyết vào ngày 8/3/1937 với tội danh “tổ chức hoạt động ám sát Stalin và Voroshilov”. Và đến ngày 12/6, đến lượt những người ủng hộ anh này, là Eidemanis, Yakir, và Tukhachevsky, bị hành quyết với tội danh gián điệp và phản quốc.

Hiện giới sử học vẫn chưa xác định được liệu Yakov Okhotnikov có bị xử bắn theo yêu cầu cá nhân của Joseph Stalin hay không.

Trung Hiếu/VOV
Bình luận
vtcnews.vn