• Zalo

Bí mật đằng sau sự lớn lên của báu vật bầu Đức

Thể thaoChủ Nhật, 22/09/2013 04:18:00 +07:00 Google News

Với triết lý “bàn chân trần” và đào tạo cầu thủ với tư tưởng “có đức rồi mới đến tài”, HAGL - Arsenal JMG đang đi đúng hướng và tạo ra sự khác biệt.

Nhiều năm qua, quy trình đào tạo tài năng trẻ của Học viện HAGL - Arsenal JMG được không ít người tìm hiểu. Nhưng cho đến giờ, phần lớn “công thức” tạo nên những Văn Toàn, Công Phượng… vẫn còn nằm trong vòng bí mật.


5 năm tập với đôi chân trần

Trong 5 năm đầu tiên, các cầu thủ nhí đều phải tập với trái bóng bằng chân trần 

Đã có vô số câu hỏi đặt ra xung quanh quy định cầu thủ trẻ phải tập luyện bằng chân trần của HAGL - Arsenal JMG, nhưng chưa bao giờ học viện của bầu Đức tiết lộ nguyên nhân đích thực. Thực ra, phương pháp này được áp dụng trong tất cả các lò JMG của Arsenal trên thế giới.

Các bài tập đầu tiên dành cho những đôi chân trần là tâng bóng bằng tất cả các điểm chạm: lòng bàn chân (trái, phải), đầu gối, vai, đầu... Bài tập này giúp các học viên hoàn thiện kỹ thuật cơ bản trong giai đoạn mới bắt đầu tập luyện.


Tại sao tập chân không mà không đi giày? Trong khoa học thể thao có một khái niệm 5 điểm chạm, trong đó sự nhanh nhạy là một trong những điều quyết định tới phần thắng trong những cuộc đối đầu trực tiếp.

Phương pháp tập luyện chân không, giúp các cầu thủ có thể có những điểm chạm tốt, nhờ tiếp xúc trực tiếp với mặt sân và bóng; lực toàn thân sẽ dồn xuống mu, cổ chân... qua đó giúp các nhóm cơ phát triển, khiến bàn chân to hơn, khả năng xoay trở cũng nhanh hơn và lực tiếp xúc bóng sẽ mạnh hơn...


Việc các cầu thủ có cảm giác bóng thật nhất là nền tảng cho trường phái chơi bóng phạm vi hẹp, phối hợp đoạn ngắn, sử dụng tộc độ và kỹ thuật...

Ở Học viện HAGL - Arsenal JMG, các cầu thủ có thể phải tập luyện tới 5 năm. Thậm chí, nếu không đạt yêu cầu, sẽ không được đi giày. Khi đã hoàn thành các bài tập, các học viên sẽ có lợi thế hơn đối thủ nhờ việc nhanh hơn trong những pha tranh chấp.

Thực tế, phương pháp này đã và đang cho thấy sự hiệu quả, khi mà các cầu thủ HAGL - Arsenal JMG trong màu áo U19 Việt Nam vượt trội đối thủ ở những pha phối hợp nhỏ, cần sự nhanh nhẹn và linh hoạt. Và cũng cần phải nhấn mạnh, các cầu thủ HA.GL mới đang trong giai đoạn hoàn thiện kỹ thuật, tư duy chơi bóng chứ chưa nâng cao sức mạnh, chẳng hạn như tập tạ, tăng cường các bài tập cơ bắp…


Tiên học lễ, hậu học văn

Trước khi trở thành cầu thủ phải là trở thành người đã. Đó là chủ trương đào tạo của bầu Đức.

Ở Học viện HAGL - Arsenal JMG, đạo đức cầu thủ luôn là kim chỉ nam trong việc trồng người. Trong phòng, mỗi cầu thủ được dành riêng một bảng tên được chạm khắc kỳ công, đặc biệt ở góc riêng “gà nòi” của bầu Đức buộc phải ký tên để ghi nhớ, phía dưới những “Quy định về đạo đức” đối với một học viên.

Ông Huỳnh Mau (GĐĐH CLB HAGL) chia sẻ: “Có một điều rất đặc biệt, các khu nhà học việc đều quay mặt ra sân bóng. Sở dĩ như vậy vì chúng tôi muốn bất kỳ lúc nào, các em cũng cảm nhận được hơi thở bóng đá và lấy nó làm động lực.

Ngoài những quy định trong cuộc sống sinh hoạt, giờ giấc ăn uống, quần áo, chỗ để giày dép… các em còn được học những bài học về đạo đức trước khi trở thành những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Sự thành công ban đầu của lứa đầu tiên đang thi đấu cho U19 Việt Nam có được là nhờ sự rèn giũa như thế…”.

Tiền đạo Nguyễn Lam, một học viên khóa 1 của HAGL -  Arsenal JMG trải lòng: “Ngoài học bóng đá, sự thành công của mỗi cầu thủ đến từ những điều nhỏ nhất từ các mẹ ở nhà bếp, các chú lao công, các thầy, các cô... Đấy là động lực để chúng tôi hiện thực hoá ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi nghĩ, Công Phượng, Đông Triều, Tuấn Anh, Xuân Trường và các đồng đội ở U19 Việt Nam có được như ngày hôm nay chính là nhờ những bài học đó…”.


Có thể nói, với triết lý “bàn chân trần” và đào tạo cầu thủ với tư tưởng “có đức rồi mới đến tài”, HAGL - Arsenal JMG đang đi đúng hướng và tạo ra sự khác biệt so với các lò đạo tạo ở Việt Nam.

Con số

0: Học viện HAGL - Arsenal JMG không đào tạo thủ môn. Đây là “luật bất thành văn” ở tất cả các học viện trong hệ thống JMG trên toàn thế giới.
15: Chi phí hàng năm tại Học viện HAGL - Arsenal JMG để đào tạo các “mầm non” khoảng 15 tỷ đồng. Trong đó, 3 tỷ đồng dành cho tuyển sinh, hơn 1 tỷ đồng dành cho ăn uống và khoảng 7 tỷ đồng để tập huấn, học văn hóa...
677: Sau 3 lần tuyển sinh trên toàn quốc từ năm 2007 đến nay, Học viện HAGL - Arsenal JMG chỉ chọn 31 người trong tổng số 21.000 thí sinh. Tức là, để có suất tại học viện của bầu Đức, mỗi tài năng nhí phải “chọi” với 677 đối thủ.


Theo Bongdaplus

Bình luận
vtcnews.vn