Lần này, để thực mục sở thị, tôi quyết định dạo một vòng quanh khu vực được mệnh danh là “chợ đen” xì gà ở thủ đô La Havana, Cuba.
Nói “chợ đen” không phải vì đó là chợ chuyên buôn bán đồ lậu, ăn cắp mà đó là khu vực tập trung nhiều người bán xì gà nhái. Nằm ở khu La Havana cổ, trung tâm của thủ đô La Havana, tại khu chợ này, bất cứ chỗ nào, bạn có thể mua được xì gà nhái với cái giá phải chăng.
Đặt chân xuống cửa Toà nhà Capitolio - bản sao của Toà nhà Quốc hội Mỹ, tôi bị choáng ngợp bởi lượng phương tiện ở đây, hàng trăm chiếc xe ô tô nối đuôi nhau đợi khách, chen giữa những chiếc xe buýt đang đợi khách du lịch.
La Havana cổ là điểm đến ưa thích của khách du lịch nước ngoài bởi kiến trúc độc đáo, mang phong cách Tây Ban Nha và phải công nhận là chính phủ Cuba rất giỏi trong việc bảo vệ khu di tích này.
Khu La Havana cổ ngày trước được xây dựng bởi người Tây Ban Nha, thời đó dân cư thưa thớt nên đây là khu vực sống của tầng lớp quý tộc. Đến thời độc tài Batista, đây vẫn là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của thủ đô La Havana. Nhưng sau khi cách mạng Cuba thành công năm 1959, nhiều gia đình có tiền đã bỏ đi sang Mỹ và chính phủ Cuba đã đưa người dân từ miền Đông, miền Tây vào đây và phân nhà cho họ.
Vì điều kiện kinh tế khó khăn, ngân sách được dồn vào cho y tế, giáo dục nên chính phủ Cuba không đủ sức để đầu tư sửa chữa hoặc làm mới khu vực này, cho nên nhà cửa xuống cấp và cũng có phần nhếch nhác. Chỉ vài năm trở lại đây, khi kinh tế Cuba khởi sắc thì khu vực rìa ngoài mới đang được bắt đầu tân trang lại.
Không cần đợi quá 10 phút, một người đàn ông trung niên tên Javier, da ngăm ngăm đen tiếp cận tôi một cách hết sức tự nhiên và vấn đề trao đổi tuy nhạy cảm nhưng cũng được trình bày cực kỳ… tự nhiên.
Nhận được tín hiệu tốt khi tôi chủ động hỏi mua xì gà, Javier vui mừng hẳn và tự giới thiệu mình có hẳn một “çửa hàng” xì gà ở nhà và nói tôi cứ yên tâm, đều là “xì gà xịn” được một người anh họ làm trong xưởng tuồn ra ngoài để kiếm thêm.
Sau nửa tiếng đi bộ vòng vèo qua các ngõ ngách, và nhà cửa lụp xụp, khác hẳn vẻ bên ngoài của khu du lịch nổi tiếng này, tôi được anh bạn dẫn vào một ngôi nhà bé nhưng khá tiện nghi, khang trang và tôi nhận ra ngay đây là nhà của một người buôn xì gà bởi hàng trăm hộp xì gà, phụ kiện xì gà được rải la liệt khắp sàn nhà.
“Nào, anh chọn đi” - Javier chỉ vào đống xì gà và nói với tôi. Tôi cũng ra vẻ xem đi xem lại và chọn bừa một hộp Behike - là loại cực kỳ khan hiếm trên thị trường và hỏi giá. Không nói giá ngay, Javier cười và nói tôi hãy yên tâm về chất lượng, còn nếu mua thì giá cả có thể thoả thuận.
Sau một hồi chọn lựa, tôi quyết định mua một hộp Behike 52 với giá 70CUC/ hộp và cũng cố tình hỏi lại về chất lượng và liệu có thể mang qua cửa khẩu được không. Javier vẫn một mực khẳng định rằng, đó là hàng xịn và yên tâm, không có vấn đề gì rồi nhanh chóng gọi một chiếc lada đón tôi. Chiếc xe này như đã chờ sẵn ở đâu đó gần đấy.
Sau đó, tôi cũng lân la tìm hiểu thêm về thị trường xì gà nhái ở Cuba và biết được thêm nhiều điều rất thú vị. Xì gà thì không có hàng nhái, chỉ có hàng kém chất lượng bởi vẫn được cuốn bằng lá xì gà xịn, chứ không phải bằng lá… chuối như ở đâu đó, mà nghe nói là Trung Quốc thì rất… sẵn! Và thậm chí, ngày xưa còn được chính người trong xưởng cuốn.
Lá xịn là lá xì gà trong xưởng nhưng chất lượng không đạt yêu cầu, có thể bị rách… Những lá đó được thu lại và người ngoài sẽ mua lại với giá cực rẻ rồi đem về tự cuốn. Còn làm nhái thì chỉ có tem, hộp.
Số lá trên sau khi mua về sẽ được đem tới các cơ sở cuốn lậu, ở đây họ có hẳn một đội ngũ thợ cuốn chuyên nghiệp. Họ cuốn với tốc độ “siêu nhanh”, trung bình một ngày mỗi người có thể cuốn hơn 1.000 điếu xì gà, tức là gấp... 10 lần thợ trong xưởng xì gà xịn của Nhà nước.
Hộp xì gà và tem được làm ở một nơi khác. Chỉ khi nào lượng xì gà đã đủ mới được mang đến để đóng hộp và dán tem. Tất nhiên, hộp nhái nhìn rất xấu, méo mó, nham nhở, còn tem thì do điều kiện thời gian tôi chưa thể tìm hiểu cụ thể nhưng có người cho biết rằng, tem này là tem xịn được bán ra ngoài.
Ở các tỉnh và thành phố khác có rất ít, thậm chí không có các cơ sở như thế này. Tất cả chỉ tập trung ở thủ đô, hiện nay ở riêng La Havana có hàng trăm cơ sở chui như vậy và vẫn hoạt động. Với sự quản lý nghiêm ngặt như ở Cuba thì việc phát hiện, bắt giữ những cơ sở này là không khó, nhưng với quy mô chưa lớn, chưa thường xuyên nên có lẽ chưa bị "sờ gáy".
Vậy, xì gà được bán lậu khác với xì gà ở cửa hàng xịn như thế nào?
Thứ nhất, xì gà lậu không có hoá đơn, nếu không có hoá đơn bạn chỉ được cầm tối đa hai hộp xì gà ra khỏi lãnh thổ Cuba. Còn nếu có, thì số lượng là vô hạn.
Thứ hai, về mặt thẩm mỹ, một hộp xì gà lậu không thể nào so sánh được với một hộp xịn. Từ màu sơn, chất lượng gỗ
Thứ ba, quan trọng nhất đó là chất lượng điếu xì gà. Xì gà xịn được bảo quản rất nghiêm ngặt. Ta có thể thấy ở tất cả các cửa hàng xì gà ở Cuba đều có một phòng lớn chứa xì gà, đó là kho và chỗ bảo quản. Nó như cái tủ hút ẩm loại khổng lồ. Còn xì gà lậu không được bảo quản như vậy, dẫn đến chất lượng đã kém giờ lại kém hơn.
Lá cuốn xì gà xịn là lá… xịn 100%, đáp ứng tất cả các yêu cầu, còn xì gà lậu thì không. Đó là lá rách, lá lỗi hoặc lá vụn… được dồn lại để cuốn thành một điếu xì gà. Do đó, khi hút sẽ bị khé cổ, mùi vị không… ngửi được.
Rất nhiều khách du lịch sang Cuba và mua phải xì gà lậu nhưng họ đa số là những người mới tập hút, mới tìm hiểu. Muốn biết hộp xì gà bạn mua có phải thật hay không thì đơn giản nhất đó là phải có hoá đơn, rồi nhìn bên ngoài hộp xem có bắt mắt không? Nếu có chút ít kinh nghiệm rồi thì có thể bóc luôn một điếu ra xem lá bên trong hoặc hút thử.
Và cũng phải là người hút xì gà có thâm niên, biết thưởng thức và nhận biết thì mới đủ khả năng phân biệt xì gà thật hay giả.
Có thông tin rằng, xì gà Cuba bán ở Việt Nam, có tới 90% là hàng… ”kém chất lượng” – Và cũng đến hơn 90% người đang hút, hoặc đang tập hút xì gà là không đủ khả năng phân biệt hàng thật, hàng giả. Chuyện này chưa biết thực hư thế nào, vì chưa thấy có cơ quan chức năng nào kết luận.
Có điều mới đây, cơ quan chức năng đã bắt giữ hơn 17.000 điếu xì gà không rõ nguồn gốc được 3 người mang lậu qua cửa khẩu Nội Bài. Điều đó cho thấy, có cơ sở để tin rằng, hầu hết xì gà đang bán ở thị trường Việt Nam là hàng lậu, hàng kém chất lượng...
Video: Cuba làm điếu cigar dài 90m mừng sinh nhật Chủ tịch Fidel Castro
Bình luận