• Zalo

Bí mật 500 năm và chân dung các đại cao thủ môn phái Võ Rồng

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 08/08/2015 06:33:00 +07:00Google News

Đằng sau vị cao nhân mang trong mình những giá trị vô giá tựa một kho tàng văn hóa sống ấy, ẩn chứa những bí mật 500 năm về đệ nhất môn phái “Võ Rồng”.

Đằng sau vị cao nhân mang trong mình những giá trị vô giá tựa một kho tàng văn hóa sống ấy, ẩn chứa những bí mật 500 năm về đệ nhất môn phái “Võ Rồng” - Lạc Long Môn. 


Kỳ 1: Giải mã mật thư truyền ngôi vị chưởng môn


Bị cuốn vào dòng xoáy tranh đoạt của lịch sử phong kiến, vị chưởng môn đời thứ tư của Lạc Long Môn (Võ Rồng) tức tốc truyền ngôi vị chưởng lại cho hậu bối, rồi cùng môn đồ mang võ phả Nam tiến.

Trên mảnh đất địa linh xứ Quảng, nhắc đến “Rồng”, nhiều cao niên lại hồi tưởng về một môn phái “Võ Rồng” uy phong với vị chưởng môn, lão đại võ sư già đời thứ chín. Đằng sau vị cao nhân mang trong mình những giá trị vô giá tựa một kho tàng văn hóa sống ấy, ẩn chứa những bí mật 500 năm về đệ nhất môn phái “Võ Rồng” - Lạc Long Môn.

Từ một võ phái hùng mạnh nhất nhì miền Bắc vào thế kỷ XVII, Lạc Long Môn bị thời cuộc lịch sử cuốn vào vòng xoáy của những cuộc xâu xé, điêu linh. Ý thức được sự tồn vong, vị chưởng môn đời thứ tư tức tốc truyền ngôi vị chưởng lại cho hậu bối, rồi cùng môn đồ mang võ phả Nam tiến. Sự kiện dời chuyển Tổ đường của võ phái Lạc Long Môn được xem là “vô tiền khoáng hậu” trong làng võ xưa nay.

Khúc trường ca võ đạo ngàn năm

Dưới cái nắng cháy da xứ Quảng, chúng tôi tìm về thôn Thuận An (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) diện kiến vị cao nhân tài ba xuất chúng lão đại võ sư Võ Kiểu (SN 1938, chưởng môn đời thứ chín môn phái Võ Rồng – Lạc Long Môn, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn quyền thuật miền Trung). Ở cái tuổi xưa nay hiếm, lão võ sư chọn cho mình cách sống như một ẩn sỹ với ruộng vườn, hoa trái, nhưng vẫn miệt mài viết sách, cố vấn võ thuật, bốc thuốc chữa bệnh cho trăm họ xa gần, như lời ông tâm niệm: Sống cống hiến.

Chia sẻ về võ phái trường tồn nửa thiên niên kỷ của mình, lão võ sư cười hiền, cho biết: “Từ năm 1610 (niên hiệu vua Lê Kính Tông) là thời điểm khai lập môn phái. Khi đó, võ sư Võ Mận sau nhiều năm bôn ba tứ xứ bái sư học đạo đã ngộ ra những cảnh giới mới của võ học dân tộc để rồi sáng lập Tổ đường Lạc Long Môn. Trải qua nhiều đời chưởng môn, Lạc Long Môn ngày một lớn mạnh.

Võ sư Võ Kiểu dành cả cuộc đời để viết sách, nghiên cứu võ thuật.
Võ sư Võ Kiểu dành cả cuộc đời để viết sách, nghiên cứu võ thuật. 

Lão võ sư Võ Kiểu kể lại: “Những chuyện xưa vẫn còn lưu lại trong võ phả môn phái. Thời phong kiến lắm binh biến, loạn lạc nên Lạc Long Môn cốt hướng môn sinh đến với đạo nghĩa dân tộc, dùng võ dân tộc phải biết đánh đuổi tham tàn, quân thù. Các võ phái phải biết giúp đỡ hiền dân, trợ giúp triều đình nhưng cũng biết phân biệt chính tà”. Chính điều này đã giúp Lạc Long Môn trở thành một chính phái được đông đảo người tham gia, quần hùng võ lâm đánh giá cao.

Đặc biệt, vị Tổ sư Lạc Long Môn Võ Mận không chỉ là một võ sư tinh thông quyền thuật mà còn là một nho sỹ tài ba. Chính ông là người đã sáng tạo nên 11 bài quyền thuật rạng danh của võ phái và đề ra những nguyên tắc võ đạo chân nguyên được áp dụng cho các thế hệ môn đồ.

Bí mật dời Tổ đường

Khổ luyện lục đại nghìTrao đổi với chúng tôi, chưởng môn đời thứ chín Lạc Long Môn, võ sư Võ Kiểu cho biết, để được nhập môn vào võ phái cực là việc kỳ khó khăn khi phải khổ luyện không ngừng và trải qua “Lục đại nghì”, tức sáu điều răn gồm: Tôn quân vương, Hiếu phụ mẫu, Kính tôn trưởng, Phụng hữu đức, Biệt hiền ngu và Thứ vô thức.
Nói về câu chuyện có một không hai này, lão võ sư Võ Kiểu trầm ngâm cho hay: “Thời điểm ấy là đời thứ tư võ phái, chấp chính chưởng môn đời thứ tư là võ sư Đoàn Tấn Lộc tại Tổ đường thuộc xứ Đoài xưa (nay là tỉnh Phú Thọ).


Giai đoạn trên (1761 - 1775), đất nước nhiều rối ren, biến động, Trịnh - Nguyễn phân tranh khiến gian thần lộng hành, nhũng nhiễu, dân lành điêu đứng lầm than, ngoài nước thì ngoại bang lăm le, nhòm ngó. Là một võ phái chính thống, Lạc Long Môn không thể tránh khỏi vòng xoáy lịch sử trên cũng như bị thế lực phong kiến lợi dụng đàn áp dân lành, phục vụ cho mưu đồ cá nhân bất chính của chúng”.

Lão võ sư Võ Kiểu nhấn mạnh: “Võ phái có dạng là áp tiêu, tiêu cục (áp tải hàng hóa), có dạng hoạt động võ thuật như truyền dạy võ thuật, có dạng dạy võ cho quan quân... Nhưng tất cả đều ở dưới sự kiểm soát của triều đình, triều đình tốt, võ phái dẹp cướp bóc giúp dân lành, tham gia chiến đấu bảo vệ đất nước. Triều đình mục nát, các võ phái bị lợi dụng tham gia các cuộc xâu xé nội bộ, đàn áp nông dân...”.

Xét thấy, sự việc dần dần đi ngược lại với mục tiêu hoạt động và ý nghĩa đích thực của võ dân tộc, chưởng môn bấy giờ là võ sư Đoàn Tấn Lộc khẩn trương truyền lệnh cho toàn bộ môn phái, chuẩn bị chuyển giao ngôi vị chưởng môn, đồng thời truyền “mật thư” cho đệ tử xuất chúng của mình là võ sư Ngô Định tức tốc trở về Tổ đường nhận lệnh chưởng môn. Cuộc chuyển giao ngôi vị diễn ra nhanh chóng, cấp thiết và bí mật. Bởi theo thông lệ, chỉ khi chưởng môn già yếu hay ở ẩn tu luyện võ công, bỏ mặc thế sự mới truyền ngôi cho đệ tử.

Sự kiện này ở võ phái Lạc Long Môn được đánh giá là “lạ lùng”. Chưa hết sự “lạ lùng”, được xem là vô tiền khoáng hậu còn ở chính suy nghĩ của vị võ sư tài ba. Nung nấu ý định từ trước, cùng thời gian trên, không chịu được cảnh hà hiếp dân lành của tham quan, trong khi một mình võ phái Lạc Long Môn không đủ sức vực dậy tất cả, nên võ sư Đoàn Tấn Lộc cùng một số môn đồ tâm đắc nhất của võ phái Nam tiến hưởng ứng nghĩa quân Tây Sơn (khởi nghĩa nông dân của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ) với lý tưởng yêu nước thương dân. Theo võ phả Lạc Long Môn, lúc bấy giờ, võ sư Đoàn Tấn Lộc là một danh tướng dưới trướng người anh hùng Nguyễn Nhạc.

Ủy nhiệm thư Võ đạo thế giới mời võ sư Võ Kiểu làm cố vấn kỹ thuật võ dân tộc.
Ủy nhiệm thư Võ đạo thế giới mời võ sư Võ Kiểu làm cố vấn kỹ thuật võ dân tộc. 

Năm 1802, vương triều Tây Sơn sụp đổ. Võ sư Đoàn Tấn Lộc cùng nhiều danh tướng khác của Tây Sơn buộc phải mai danh ẩn tích trên núi Thổ Sơn (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) tránh sự truy lùng của Nguyễn Ánh. Nhằm giữ đại cuộc và sự tồn vong của võ phái, vị võ sư này bí mật hóa tu hành, lấy đạo hiệu là Không Thanh, thiết lập, và trụ trì chùa Đại Lãnh ngay trên núi Thổ Sơn (những phế tích về ngôi chùa này vẫn còn đến ngày nay - PV).

Cùng thời gian này, Tổ đường Lạc Long Môn được bí mật di dời từ miền Bắc, vượt hàng trăm cây số về ẩn trú tại ngôi chùa Đại Lãnh này. Tuy vậy, các hoạt động võ thuật dân tộc vẫn được truyền lại một cách hết sức bí mật theo cách của người tu hành nhưng vẫn thực hiện theo đúng tổ chức, gia quy của một võ phái chính thống mang biểu tượng “rồng”.

Theo lão võ sư Võ Kiểu, đến năm 1960, trải qua bốn đời kể từ lúc đưa Tổ đường vào chùa, thấy thời thế thay đổi, chưởng môn đời thứ tám võ phái Lạc Long Môn là võ sư Ngô Văn Địch chính thức công khai võ phái ra quần hùng võ lâm. Chính bước ngoặt này đã đưa môn phái ra khỏi bức tường của ngôi chùa nhỏ, củng cố và gia tăng vị thế môn phái trong sự ngỡ ngàng của nhiều đại môn phái khác vì lâu nay, họ ngỡ Lạc Long Môn đã bị diệt vong. Võ Rồng - Lạc Long Môn tiếp tục hành trình lịch sử của mình.

Những cao niên làng võ xứ Quảng cho hay, võ sư Ngô Văn Địch còn gọi là thầy Mười Bòi, là một thầy võ nổi tiếng nhất thời đó, thầy hay thượng đài tổ chức đấu võ và cũng là nhà vô địch võ thuật miền Trung. Đặc biệt, theo võ sư Trần Xuân Mẫn, Chủ tịch hội Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Nam, thầy Mười Bòi sở hữu bài Mai Lão Quyền. Bài này được thầy Mười truyền lại cho võ sư Trương Chưởng (sư phụ võ sư Trần Xuân Mẫn). Về sau, bài võ này là một trong những bài quy định của Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, do chính võ sư Trần Xuân Mẫn biểu diễn.

Kỳ tới: Võ Rồng - Lạc Long Môn và những trận hổ long tranh đấu vang danh xứ Quảng


Nguồn: Nhâm Thân (Người đưa tin)
Bình luận
vtcnews.vn