Đã 10 năm kể từ vụ công ty TUV Rheinland trao chứng nhận an toàn cho túi ngực kém chất lượng, giờ đây các nạn nhân đã có hy vọng được bồi thường thiệt hại.
Kể từ năm 2010, hơn 300.000 phụ nữ đã cấy ghép túi ngực PIP (Poly Implant Prothese) được làm bằng silicone công nghiệp rẻ tiền vốn không được dùng để cấy ghép cho người. Nhiều người trong số họ phải chịu hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.
Mới đây, tòa án ở Paris thông qua yêu cầu bồi thường cho hàng trăm nạn nhân. Dù yêu cầu của nhiều phụ nữ khác đã bị từ chối, sự việc này vẫn mở ra hy vọng cho hàng trăm nghìn phụ nữ bị cấy túi ngực kém chất lượng trên toàn thế giới.
"Thật nhẹ nhõm. Tuy quy trình pháp lý đã kết thúc nhưng các vấn đề sức khỏe của tôi thì không. Tôi vẫn còn silicone trong người", cô Christine, một trong những nạn nhân được bồi thường, cho biết.
Công ty TUV Rheinland của Đức không đồng tình với quyết định của tòa án buộc họ phải chịu một phần trách nhiệm.
"Bằng chứng trong vụ việc này cho thấy rõ rằng TUV Rheinland đã làm việc theo đúng quy định và công ty không có trách nhiệm tuy vết các hành vi gian lận", TUV Rheinland tuyên bố.
Hiệp hội Nạn nhân Cấy ghép PIP Thế giới (PIPA) cho biết phán quyết này sẽ tác động đến hàng chục nghìn phụ nữ từ hàng chục quốc gia trên thế giới từng cấy ghép túi ngực PIP.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, các túi ngực PIP kém chất lượng có nguy cơ bị vỡ cao gấp 6 lần túi ngực bình thường. Những phụ nữ từng đặt loại túi ngực này cũng được chẩn đoán bị silicone rò rỉ vào cơ thể. Nhiều nạn nhân mắc bệnh nghiêm trọng như ung thư và lo âu kéo dài.
PIPA cho biết mỗi nạn nhân có thể được bồi thường từ khoảng 24.000 đến 85.000 USD. Dự kiến sẽ có phán quyết đầu tiên về việc phân phát tiền bồi thường vào tháng 9.
“Sau 10 năm chờ đợi và chiến đấu khốc liệt, công ty chuyên cấp giấy chứng nhận của Đức sẽ phải bồi thường đầy đủ cho các nạn nhân”, cô Aumaitre nói.
Bình luận