• Zalo

Bí kíp nói lời xin lỗi dễ được tha thứ, không bị chê ‘lươn lẹo’ hay ‘giả trân’

Tản mạnThứ Tư, 09/06/2021 14:30:00 +07:00Google News

Mặc dù chỉ mất một vài giây để nói “tôi xin lỗi” nhưng hầu hết chúng ta lại thường khó thốt nên câu nói này.

Một trong những điều khó khăn đối với nhiều người trong chúng ta là thừa nhận rằng mình đã phạm sai lầm và xin lỗi. Người biết nhận lỗi là một người vô cùng dũng cảm, bởi thừa nhận lỗi lầm luôn là kẻ thù với cái tôi của bản thân. Đã là con người, chúng ta không thể tránh khỏi những sai lầm, nhưng cách chúng ta phản ứng lại với những “nốt trầm” đó mới thể hiện được cách chúng ta sống và làm người.

Bí kíp nói lời xin lỗi dễ được tha thứ, không bị chê ‘lươn lẹo’ hay ‘giả trân’ - 1

(Ảnh: Pinterest)

Vậy, làm thế nào để nói ra lời xin lỗi mà không khiến chính bản thân hay đối phương phải ngại ngùng? Và quan trọng nhất là xin lỗi như thế nào để nhận được sự tha thứ? Những lưu ý dưới đây có thể giúp bạn dễ dàng hơn trong việc thể hiện sự hối lỗi của mình một cách hiệu quả.

Thừa nhận với chính mình rằng bạn đã sai 

Đây thường là bước khó nhất trong quá trình, vì vậy hãy làm việc với chính bản thân trước khi đối diện với người khác. Hãy nghĩ về những gì bạn đã làm, đã nói và thành thực phân tích nó. Chỉ khi bạn thật sự nhận ra mình đã sai thì mới có thể nói lời xin lỗi khiến đối phương chấp nhận. 

Bí kíp nói lời xin lỗi dễ được tha thứ, không bị chê ‘lươn lẹo’ hay ‘giả trân’ - 2

(Ảnh: Christopher Silas Neal)

Thái độ chân thành

Một thái độ xin lỗi chân thành là vô cùng quan trọng, khiến cho đối phương cảm nhận được bạn đang nghiêm túc nhận lỗi. Không chỉ vậy thái độ chân thành khiến giảm bớt sự nóng giận của người đối diện. Sự chân thành ở đây gồm 2 yếu tố, lời nói và cử chỉ. Cường độ nói, tốc độ nói, kết hợp với cử chỉ phù hợp sẽ đốn tim người đối diện.

“Tốc độ” nhận lỗi

Nếu đã xác định rằng mình làm sai hoặc cần phải xin lỗi thì bạn hãy xin lỗi càng sớm càng tốt, bạn biết vì sao không? Nói càng sớm có nghĩa là bạn đã thừa nhận bạn sai và mong muốn sửa sai. Lúc này không cần đến sự trau chuốt mà chỉ cần lời xin lỗi chân thành bạn có thể xoay chuyển tình thế.

Bí kíp nói lời xin lỗi dễ được tha thứ, không bị chê ‘lươn lẹo’ hay ‘giả trân’ - 3

(Ảnh: Anna Kovecses)

Tránh xa từ “nhưng”

Một lời xin lỗi theo sau đó là “nhưng mà…” thì điều ấy chứng tỏ bạn vẫn chưa hoàn toàn thừa nhận trách nhiệm. Chữ “nhưng” đi sau lời xin lỗi là một hình thức của sự biện minh chứ không thể hiện việc bạn muốn nhận lỗi. Bạn sẽ có cơ hội để giải thích quan điểm của mình sau khi đối phương đã thật sự bỏ qua lỗi lầm của mình, vì vậy, đừng đưa nó vào lời xin lỗi của bạn vào lúc này.

Nhận trách nhiệm và hứa hẹn

Bạn sẽ củng cố được uy tín của bản thân khi biết chịu trách nhiệm cho những gì mình gây ra, mọi người cũng sẽ nhìn nhận bạn là một người chín chắn, trưởng thành hơn.

Một lời xin lỗi là vô nghĩa nếu bạn phạm lỗi tương tự trong tương lai. Đây là lý do tại sao hứa hẹn thay đổi là rất quan trọng khi bạn muốn xin lỗi sâu sắc vì những vi phạm nghiêm trọng. Và một khi đã hứa hẹn, hãy cố gắng hết sức để thực hiện theo lời hứa này, đừng biến nó thành lời hứa suông. 

Bí kíp nói lời xin lỗi dễ được tha thứ, không bị chê ‘lươn lẹo’ hay ‘giả trân’ - 4

(Ảnh: Behance)

Lời xin lỗi không làm cho bạn trở thành một người thua cuộc, nó chỉ có nghĩa là bạn coi trọng mối quan hệ hơn cái tôi của mình. Lời xin lỗi cũng không có nghĩa là bạn bị mất lập trường, quan điểm, mặc dù đây là một cảm giác thường thấy. Nói một lời xin lỗi giúp bạn "được" nhiều hơn "mất", vậy còn chần chờ gì mà không xin lỗi nếu bạn sai?

Cersei(Tổng hợp)
Bình luận