Ông Chín Trâm và chú ngựa đua do ông huấn luyện
Cả đời luyện ngựa của mình, ông Chín Trâm nhớ nhất con ngựa Phương Đông. Phương Đông là niềm kiêu hãnh của ông và chủ của nó. Nó là chiến mã bất bại trên mọi đường đua. Hồi nó mới 2 tuổi đã ẵm 9 giải nhất, 3 tuổi ăn 4 giải nhất, đặc biệt năm 2006 nó ẵm cả hai cúp vàng trong hai ngày lễ lớn là 30-4 và 1-5”.
Chủ con Phương Đông này là Việt kiều Mỹ. Anh này ham ngựa đua hơn cả vợ con. Tuần nào anh ta cũng phóng xe hai lần từ TP.HCM lên thăm ngựa, rồi ôm ngựa, vuốt ve, âu yếm ngựa. Con Phương Đông thấy chủ cũng nhấm nhẳng đòi ăn, đòi được vuốt ve. Trông cảnh ấy, đôi lúc ông Chín Trâm cũng thấy hơi tủi.
Nghề nuôi ngựa đua từng tạo công ăn việc làm cho hàng trăm cư dân ấp Bình Thủy
Ngày đó, ông Chín Trâm huấn luyện 4 chiến mã cho ông chủ Việt kiều và 5 con cho các ông chủ khác. Mỗi con, các ông chủ này trả 3,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, số tiền ấy vừa đủ thuê người chăm sóc và mua thóc, ngô, đỗ xanh, cỏ cho ngựa.
Theo tính toán, mỗi con ngựa trưởng thành mỗi ngày xơi 10kg thóc, cùng cả gánh cỏ, chưa kể thỉnh thoảng bồi bổ thêm đậu xanh, đỗ tương. Tuy nhiên, theo ông Chín Trâm, cái lãi chính là nhờ 9 con ngựa này mà ông đã tạo công ăn việc làm cho 9 người trong làng.
Thu nhập của các “mã sư” hai lúa là ở số phần trăm giải thưởng mà chủ ngựa trả cho. Chủ nào rộng rãi thì trả cho 30-40% giải thưởng, còn hầu hết đều thống nhất trả 10%. Có nghĩa là, nếu con ngựa do mình huấn luyện được giải 20 triệu thì “mã sư” sẽ được hưởng 2 triệu đồng. 9 con ngựa do “mã sư” Chín Trâm huấn luyện hầu như tháng nào cũng có con ẵm giải, thậm chí có tháng ẵm 4-5 giải nhất thành thử ông kiếm ăn khá xông xênh, có tiền ăn nhậu, đi du lịch ầm ầm. Vậy nên, niềm vui của “mã sư” cũng không kém ông chủ ngựa chút nào.
“Mã sư” Chín Trâm cho biết, nguồn thu nhập chính và nhiều nhất của các hai lúa ấp Bình Thủy là từ bán ngựa giống. Những chú ngựa nái ông nuôi trong chuồng hầu hết là những tay đua cự phách một thời ở trường đua Phú Thọ nay đã “về hưu” do tuổi tác.
Để có những tay đua cự phách phải phối giống ngựa cái Đức Hòa với ngựa đực chủng Âu hoặc Úc. Ngựa châu Âu và châu Úc to, có bước nhảy khỏe, cao.
Đóng móng cho ngựa để chuẩn bị đua
Quãng thời gian ngựa cái mang thai cũng lắm nhiêu khê, lúc này chế độ ăn cho ngựa cái rất nghiêm ngặt, thậm chí phải đem nhiệt kế đo nhiệt độ thời tiết để có cách pha chế lượng thức ăn cho phù hợp. Cụ thể cho ăn thế nào là bí quyết riêng của dân ấp Bình Thủy.
Ông Chín Trâm kể: “Hồi năm trước do không nhớ kỹ ngày phối giống ngựa cái thành thử mấy tuần trước khi ngựa đẻ tui phải vác chõng, ôm chăn vào chuồng ngủ chung với ngựa cái suốt mấy tuần liền để canh ngựa đẻ. Ngựa đẻ xong cả mẹ và con thường rất ốm yếu, do vậy phải chăm lo cả hai mẹ con ngựa hơn cả vợ mình lúc sanh ấy chứ. Mỗi chú ngựa con là cả một gia tài nên không thể để sơ sểnh được”.
Ngay khi ngựa con rời bụng mẹ, các “mã sư” vật ngay nó ra để nhòm, nó có trở thành chiến mã cự phách trên đường đua hay không phát lộ từ tướng nó.
Từ khi trường đua Phú Thọ đóng cửa, đàn ngựa cũng không được chăm sóc chu đáo nữa
Ngựa đua tốt còn thể hiện ở các loại màu lông khác nhau như bạch kim, hồng đinh, vàng đinh, vàng mật, màu khú, trong đó quý nhất là loại hồng đỏ.
Khi chú ngựa đã cứng cáp, chủ nhân sẽ đưa đi làm “khai sinh” tại Sở Y tế. Dấu xoáy, màu lông, tên chủ, tên cha mẹ, những đặc điểm riêng… sẽ được ghi lại trong tấm giấy “khai sinh” cùng cái tên do chủ đặt cho.
Khi ông chủ cầm trong tay tấm giấy “khai sinh” thì nó mới được công nhận là một chú ngựa đua. Tấm giấy “khai sinh” là điều kiện quan trọng nhất để chúng được thi đấu và để báo công an khi mất. Mỗi con ngựa đều có một cái tên rất kêu: Xích Thố, Trương Tam Phong, Hồng Long, Đinh Đinh Đang Đang…
Mỗi chú ngựa từ khi mới lớn đến lúc thành tay đua cự phách đều được một người chăm sóc, huấn luyện cực kỳ kỹ càng. Từ 5 giờ sáng, mỗi người dắt một ngựa ra sông tắm rửa, quần nước (chạy dưới nước) sau đó dắt ngựa chạy bộ liên tục 5-10km. Buổi chiều lại dắt ngựa chạy từ 2 giờ đến 5 giờ chiều mới được nghỉ.
Khi những chiến mã nhóc tỳ này cứng cáp, các ông chủ lắm tiền nhiều của lại ham đua ngựa sẽ tìm đến trả giá. Giá của chúng đắt hay rẻ phụ thuộc vào việc tướng ngựa quý ở mức độ nào.
Thông thường, giá rẻ nhất là 30 triệu một con, còn con đẹp giá trên dưới 100 triệu.
Ngay như con Phương Đông nổi danh mà ông Chín Trâm huấn luyện, hồi ông bán có 50 triệu đồng. Ông chủ đó mua xong lại nhờ ông huấn luyện luôn. Không ngờ mấy năm nó giật giải liên tục, đem về cho ông chủ rất nhiều tiền thưởng, nhưng nhiều hơn nữa là tiền thắng độ. Nhiều đại gia trả giá tỷ bạc, song ông chủ Việt kiều đó chỉ lắc đầu.
Mỗi năm một “mã sư” nhân giống được một chú ngựa đẹp là coi như cả gia đình tiêu pha xông xênh. Ông Chín Trâm, ông Quốc Dương, ông Sáu Châu, Năm Hương, ba Chẳng… là những người nhân giống mát tay không những nhất ấp Bình Thủy mà còn nổi tiếng nhất xứ Nam kỳ lục tỉnh.
Mỗi năm đàn ngựa nái của họ sinh hạ vài ngựa con đem về lợi nhuận cho gia đình cả trăm triệu. Đây quả là số tiền không nhỏ đối với một vùng quê chỉ toàn cát trắng mà không biết trồng cây gì lên được.
Về ấp Bình Thủy được chứng kiến và được nghe rất nhiều chuyện buồn vui, có chuyện cảm động về giống ngựa đua.
Hôm chúng tôi đến thăm trại ngựa của anh Mã Quốc Dương thì chị vợ kể: “Ông chồng tui làm mọi việc không cứu được con Thái Linh nên ông ấy chán đời toàn đi uống rượu say khướt thôi. Giờ còn đang lăn lóc ở quán rượu đầu ấp ấy”.
Con ngựa Thái Linh bị bệnh nặng
Chị vợ anh Dương bảo, con Thái Linh là của ông chủ Sì A Sáng, người Hoa, từng đoạt 28 giải nhất. Hồi nó đẻ con rồi bị bệnh si, cứ ăn vào lại nôn ra. Ông chủ đã tốn mấy chục triệu cho anh Dương chạy đôn chạy đáo thuê bác sĩ chữa trị song không khỏi, nhưng cũng không nỡ bán nó cho người ta nấu cao nên cứ chăm sóc nó, chờ nó chết thì đem chôn.
Chị vợ anh Dương bảo: “Ông ấy cắt cỏ sương, cỏ mật cho nó ăn. Nó không ăn được, cứ ngước lên nhìn ông ấy rồi chảy nước mắt. Tôi thấy ông ấy cũng ôm ngựa khóc, rồi chán đời bỏ đi uống rượu say khướt. Cái giống ngựa sống có tình lắm”.
Chuyện con ngựa đã bán tìm về với ông Chín Trâm thì cả ấp Bình Thủy ai cũng biết, ai cũng kể.
Hồi đó, con Huỳnh Hoa của ông liên tục đoạt giải nhất, ông quý nó như con đẻ. Tuy nhiên, một ngày mẹ ông bị bệnh nặng phải nhập viện, không có tiền nên phải bán cho anh Hai Mê ở mãi Cầu Tre (TP.HCM).
4 năm sau, một đêm ông Chín Trâm đang ngủ nghe thấy tiếng ngựa hí ầm ĩ ngoài cổng. Ông chạy ra thì thấy đúng con Huỳnh Hoa của mình. Ông Chín Trâm nhào đến ôm ngựa khóc nức nở, con ngựa cũng dũi đầu vào nách ông hà hít hơi ông chủ nó. Nước mắt nó cứ chảy ròng ròng.
Đêm ấy cả ấp tụ tập bàn tán xôn xao không ai giải thích nổi vì sao qua 4 năm trời con ngựa vẫn nhớ đoạn đường dài 40km mà phá chuồng tìm về. Dù thương, dù yêu Huỳnh Hoa lắm song ông Chín Trâm vẫn phải gọi anh Hai Mê lên dắt nó về.
Hôm chia tay nó, ông lại khóc một mẻ tới bến. Vợ ông bảo hồi mới dắt trả con Huỳnh Hoa đêm nào ông Chín Trâm cũng mê sảng gọi tên nó.
Rời ấp Bình Thủy, ông Chín Trâm dẫn tôi ra dãy chuồng ngựa đìu hiu, rồi ánh mắt chợt lóe lên niềm hi vọng. Ông bảo: “Hôm trước, anh Nguyễn Ngọc Mỹ - Tổng giám đốc Công ty Thiên Mã về Bình Thủy báo tin sẽ mở trường đua mới ở Madagui trên Lâm Đồng. Nghe anh Mỹ báo thế dân ấp tui vui lắm, tổ chức một đoàn hơn chục ô tô lên Lâm Đồng tham quan. Trường đua được mở ra, ấp tui ăn mừng lớn phải biết”.
Bình luận