Ngoài những khó khăn trong học tập, du học sinh ở Melbourne (Australia) như tôi phải tự lo từ A đến Z cho việc sinh hoạt hàng ngày và làm quen với vô cùng nhiều cái mới nơi xứ người. Chính vậy mà có nhiều du học sinh bị shock văn hóa, họ đều chưa tìm hiểu chi tiết về cuộc sống nơi đây trước khi đi.
Tôi may mắn có một người bạn sống ở Melbourne để hỏi han trước và rồi gặp được chị chủ nhà tốt bụng. Họ chỉ cho tôi đủ các “bí kíp” để có thể sinh sống thuận lợi tại thành phố xa hoa, hiện đại và đắt đỏ vào hạng top 10 thế giới này.
Ngày thứ hai ở Melbourne, sau khi đảm bảo tôi đã nghỉ ngơi đủ, hết sốc với múi giờ lệch 4 tiếng và no bụng, chị chủ nhà vẫy tôi ra xe. Vừa đi chị vừa giải thích các thứ cần làm để có thể tự một mình đi lại, mua sắm được.
Sim điện thoại
Đầu tiên, chắc chắn không thể thiếu 1 chiếc sim điện thoại có kết nối mạng 4G. Tôi đã phải mở Google Maps liên tục khi ra ngoài vào những ngày đầu mới sang.
Hóa ra không phải chỗ nào ở Melbourne cũng có nhiều người qua lại để mà hỏi đường, lúc đó tôi thấy nhớ Hà Nội ghê gớm. Chiếc điện thoại mạng 4G càng trở nên quan trọng hơn ở đây khi nó vừa là từ điển bỏ túi của tôi, vừa là công cụ tra thông tin mọi lúc mọi nơi để một người mù phương hướng như tôi không bị lạc lối.
Giá cước bên này khá đắt, chủ yếu cước phí các gói cao hay thấp dựa vào dung lượng data, còn cước gọi và nhắn tin không tốn mấy giữa thời buổi Facetime, Whatsapp tràn ngập. Chị chủ nhà tư vấn là trung bình sẽ dùng hết 30-40 GB/tháng.
Vậy nên sau khi được 1 bạn nhân viên cửa hàng Vodafone tư vấn nhiệt tình, tôi quyết định chọn gói dài hạn 1 năm đang khuyến mại, 35 AUD/tháng tương ứng 30 GB mạng 4G. Nhưng một lưu ý nhỏ là đã đăng ký mà sau này không dùng sim đó trọn 1 năm thì họ sẽ phạt bằng ½ tổng tiền cước các tháng còn lại các bạn nhé.
Điều mà tôi thấy thú vị nhất là ở đây bạn được tự do chọn 4 số cuối của sim điện thoại hoàn toàn miễn phí. Có lẽ vì đây là đất nước chỉ có 25 triệu dân và không có nhiều người quan tâm phong thủy cho lắm.
Hiện giờ các bạn còn có có hội dùng mạng 5G sang chảnh từ hãng viễn thông Telstra ở Australia và sắp tới là một số hãng lớn khác, chỉ cần bạn có loại điện thoại tương thích được 5G.
Thẻ ngân hàng
Điểm đến tiếp theo mà chị chủ nhà đưa tôi đi là ngân hàng Commonwealth. Chị khuyên tôi mở 1 tài khoản và làm thẻ Mastercard hoặc Visa càng sớm càng tốt, các ngân hàng luôn miễn 100% phí dịch vụ cho du học sinh quốc tế.
Chủ yếu là vì người Australia dùng nhiều loại tiền xu mà sẽ rất lỉnh kỉnh khi mang theo hay thanh toán, nên hiện nay hầu hết các cửa hàng tại đây đều chấp nhận thanh toán quẹt thẻ. Chưa kể có nhiều dịch vụ thiết yếu ở Australia yêu cầu dùng thẻ tín dụng hoặc ghi nợ để thanh toán như cước phí điện thoại trả sau, nạp tiền thẻ tàu xe online, mua hàng online,…
Bạn đã có số điện thoại tại Australia, mang theo đầy đủ hộ chiếu và các giấy tờ nhập học thì thủ tục mở tài khoản ngân hàng, làm thẻ ghi nợ và gửi tiền chỉ mất khoảng 10 phút.
Nhưng điều tôi ấn tượng nhất là ứng dụng trên điện thoại tích hợp cả quản lý chi tiêu của Commonwealth - siêu nhanh, dễ dùng và tiết kiệm rất nhiều thời gian đi lại, chờ đợi. Dùng riết rồi nghiện, về Việt Nam tôi vẫn mải miết tìm ngân hàng nào có ứng dụng tốt tương tự.
Phương tiện đi lại
Tiện đang ở gần Trung tâm thương mại Box Hill, chị chủ nhà dẫn tôi tới khu vực ga tàu trong trung tâm để mua thẻ giao thông công cộng có tên gọi Myki. Đây là thẻ bắt buộc phải dùng để có thể đi bất kỳ phương tiện giao thông công cộng nào: tàu điện, tàu hỏa, xe bus, trong phạm vi bang Victoria nói chung và Melbourne nói riêng.
Đúng vậy, dù có một đống tiền trong túi bạn cũng sẽ không được phép lên xe bus ở Melbourne nếu không có tấm thẻ Myki thần thánh này!.
Phương tiện công cộng ở đây vận hành khá đúng lịch trình, chỉ chênh tối đa 5 phút trừ khi có sự cố giao thông. Vậy nên tôi có thể tra lịch trình và số xe bus/ga tàu cần đi chính xác ngay trên Google Map, rất tiện lợi.
Tuy hệ thống giao thông công cộng ở khu vực thành phố Melbourne khá thuận tiện và hiện đại, có thể nạp tiền thẻ online dễ dàng, nhưng giá không hẳn là rẻ: khoảng 4 AUD/lượt đi. Lại thêm có ít tuyến xe đi tới các khu vực ven đô nếu bạn muốn đi chơi thăm thú xung quanh.
Vì vậy, nhiều du học sinh đã chọn cách học thi lấy bằng lái xe tại đây rồi mua xe ô tô cũ để tiện đi lại (giá xe cũ tại đây chỉ từ vài nghìn AUD).
Từng có người hỏi tôi sao không đi xe đạp cho tiết kiệm, câu trả lời đơn giản là những con đường dốc lên xuống xung quanh thành phố. Độ dốc của chúng không quá cao nhưng cũng đủ để huấn luyện những tay đua Tour de France xuất sắc nhất.
Còn nếu bạn muốn mua xe máy ư? Ở đây rất ít nơi bán và nếu có thì đều là xe phân khối có giá ngang với ô tô cũ. Nên nếu bạn xác định sống lâu dài tại Melbourne, mua ô tô cũ là một lựa chọn tốt hơn.
Bên cạnh đó, một số trường tâm lý như Đại học Deakin của tôi còn tổ chức hội chợ chào mừng tân sinh viên mỗi kỳ, bao gồm các gian hàng nhỏ đại diện các ngân hàng, hãng viễn thông phổ biến nhất, .v.v. Các du học sinh của trường có thể thuận tiện đăng ký làm tất cả các loại sim thẻ kể trên tại hội chợ này.
Vậy là đủ hành trang để tôi một mình lăn lộn trên đất Melbourne, bắt đầu cuộc sống du học sinh.
Bình luận