Margaret Thatcher là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một quốc gia dân chủ phương Tây trọng yếu, người đã giành chiến thắng trong 3 cuộc bầu cử liên tiếp và làm Thủ tướng Anh hơn 11 năm (từ năm 1979 đến 1990) – một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong thế kỷ 20. Bà tự cho bản thân mình luôn thấm nhuần câu nói: “Lịch sử cho thấy chính những người sinh ra trong khủng hoảng mới có thể giải quyết được cơn khủng hoảng tiếp theo”.
Cái nôi gia đình và con đường đến với chính trị
Sinh năm 1925 tại Grantham, Lincolnshire, Magaret Hilda Roberts là con gái út của một gia đình chủ tiệm tạp hóa nhỏ. Cha bà, ông Alfred Roberts là một người có quan niệm sống tự lập, lương thiện, cần cù và có ảnh hưởng quan trọng đối với bà. Gia đình bà rất đề cao đức tính chăm chỉ. Trong cuốn sách hồi ký của mình, bà viết: “Chúng tôi chẳng bao giờ nhàn rỗi – phần vì nhàn rỗi chính là một tội lỗi, phần vì có rất nhiều việc để làm, và phần nữa, hiển nhiên, vì chúng tôi là những con người như vậy”.
Có lẽ, đức tính chăm chỉ đó là điều mà bà Thatcher đã học được từ mẹ mình. Theo những gì bà chia sẻ, mẹ của bà là Beatrice dù bận làm thu ngân cả ngày ở cửa hiệu nhưng bà đều tự tay quán xuyến mọi công việc trong gia đình.
Vì cha bà buộc phải nghỉ học giữa chừng ở tuổi 13, nên ông quyết tâm để con gái mình được học hành đầy đủ. Ông truyền động lực học đến con gái bằng cách cùng con đến nghe các bài giảng mở rộng của Đại học Nottingham về các vấn đề hiện đại và quốc tế, thường xuyên được thực hiện ở Grantham.
Sự quan tâm của bố mẹ bà Thatcher còn thể hiện ở việc họ yêu cầu con gái mình phải hoàn thành bài tập về nhà, dù có phải làm trong Chủ nhật đi chăng nữa. Bố bà cũng khuyến khích con đọc các tác phẩm kinh điển. “Chính tác phẩm ‘Chuyện hai thành phố’ của Dickens với hơi hướng chính trị mạnh mẽ là tác phẩm tôi thích nhất” - "bà đầm thép" chia sẻ trong hồi ký.
“Bà đầm thép” của nền chính trị Anh
Dù xuất thân chỉ là con gái của một người bán hàng, nhưng bằng nỗ lực của bản thân, bà Thatcher đã trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên ở Anh, người định hình nên nền chính trị hiện đại của quốc gia này. Nói như cựu Phó Thủ tướng Anh, Nick Clegg, “dù đứng ở phe nào, không ai có thể phủ nhận được rằng, với tư cách là Thủ tướng, bà đã để lại dấu ấn đặc biệt và lâu dài trên đất nước bà phụng sự”.
Vào năm 1959, Margaret Thatcher lần đầu tiên bước chân vào Hạ viện Anh sau nhiều lần thất bại. Và cũng chỉ một thời gian sau, nữ chính trị gia trẻ tuổi này đã nắm giữ vai trò quan trọng trong Hạ viện Anh và chiếm được cảm tình của nhiều cử tri bằng việc ủng hộ những chính sách có lợi cho người dân lúc bấy giờ.
Trong 2 thập kỷ kế tiếp, con đường chính trị của bà Thatcher có sự thăng tiến rõ rệt. Bà đảm trách vị trí Bộ trưởng Giáo dục dưới thời Nội các Health và sau đó đánh bại chính ông Edward Health và người kế nhiệm ông để trở thành nữ lãnh đạo đầu tiên của đảng Bảo thủ và Nội các Đối lập vào năm 1975. Đây chính là một trong những bước tiến quan trọng để góp phần đưa bà đến đỉnh cao sự nghiệp chính trị vào năm 1979, khi bà đắc cử Thủ tướng Anh.
Khi bà Thatcher lên nắm quyền, nước Anh đang ở trong một tình trạng thê thảm: lạm phát và thất nghiệp gia tăng trong khi các tập đoàn lớn lũng đoạn các xí nghiệp. Bất chấp những lời khuyên của các nhà chính trị đi trước, bà cho thực hiện một chính sách khắc khổ, cắt giảm công chi. “Liều thuốc đắng” này thoạt đầu tưởng sẽ làm “con bệnh” chết khi số người thất nghiệp tăng lên 3 triệu, sản xuất công nghiệp đi xuống, nhưng đến năm 1983, làm phát đã từ 22% giảm xuống còn 4% và kinh tế Anh đã tăng trưởng mạnh trở lại.
Tháng 4/1982, quân Argentina chiếm quần đảo Falklands. Một mặt bà Thatcher tích cực làm việc với giới chức Mỹ để theo đuổi một giải pháp ngoại giao cho vấn đề này nhưng mặt khác bà cũng điều một đội đặc nhiệm tới để chiếm lại đảo. Khi giải pháp ngoại giao thất bại, hành động quân sự nhanh chóng thành công và Anh đã giành lại được quyền kiểm soát quần đảo Falklands vào tháng 6/1982.
Cử tri Anh đã rất ấn tượng với việc này bởi chỉ có ít nhà lãnh đạo Anh và châu Âu quyết định dùng quân sự để giữ đảo. Do đó, bằng hành động của mình, bà Margaret Thatcher đã đặt nền móng cho một chính sách đối ngoại độc lập hơn và mạnh mẽ hơn của Anh trong những năm 1980. Cũng nhờ đó mà Chính phủ của bà đã tái đắc cử với số ghế nhiều hơn gấp ba lần so với nhiệm kỳ đầu vào tháng 6/1983.
Bên cạnh những chính sách cương quyết, bà Thatcher còn có tinh thần dân tộc mãnh liệt, nhiệt thành phục vụ và cách tiếp cận đầy tính chiến đấu, kiên quyết để đạt được các mục tiêu chính trị. Cũng vì chính những quan điểm và chính sách cứng rắn này mà bà Thatcher được đặt biệt danh là “Bà đầm thép”.
Bi kịch tuổi già
Sự nghiệp chính trị của Margaret Thatcher kết thúc với cột mốc tháng 11 năm 1990. Margaret Thatcher, dù cay đắng, đã tự thân lựa chọn cho mình một sự nghiệp chính trị, nhưng trớ trêu thay, sự mạnh mẽ của bà lại chẳng giúp bà vượt qua nỗi cô độc và bất hạnh để chọn được một cái kết cho cuộc đời của mình.
“Bà đầm thép” hạ sinh được hai người con song sinh – một trai, một gái - là Mark Thatcher và chị gái Carol. Carol là một nhà báo nên không thể suốt ngày ở bên cạnh chăm sóc cho bà Thatcher. Đa số thời gian cô sống tại Thụy Sĩ và chỉ thỉnh thoảng về London thăm mẹ. Tuy nhiên, nỗi khổ lớn nhất của bà Thatcher trong những năm tháng cuối đời lại là người con trai Mark Thatcher.
Mark Thatcher định cư tại Nam Phi và từng là một doanh nhân thành đạt với gia tài hàng triệu bảng Anh. Tuy nhiên, Mark cũng là người hay gây chuyện, ngoài việc ly hôn rồi tái hôn, năm 2004, do liên quan đến một vụ chính biến bất thành tại Guinea xích đạo, Mark đã bị Tòa án Nam Phi phạt 500.000 USD và 4 năm tù giam.
Ông Denis Thatcher, chồng bà Margaret Thatcher qua đời năm 2003, 5 tháng sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật tim ở tuổi 88. Kể từ khi người chồng qua đời, cuộc sống của bà Thatcher rơi vào cảnh cô độc, trí nhớ của bà cũng bị giảm sút nghiêm trọng. Bà thường trầm ngâm ngồi tại phòng khách, nơi có bức tranh của chồng treo trên tường.
Vì thương nhớ chồng mà có một lần, bà Thatcher tỉnh dậy lúc 1 giờ sáng và quyết định trang điểm thật đẹp để ra thăm mộ chồng. Tuy nhiên, nhân viên an ninh đã không để bà đi trong đêm. Sau sự việc đó, những người bạn thân khuyên bà nên tìm một người chăm sóc riêng, nhưng bà vẫn khăng khăng rằng không cần.
Bạn bè của bà Thatcher cũng không nhiều. Trong ngày sinh nhật lần thứ 77 và cũng là lần sinh nhật cuối cùng khi chồng bà còn sống, bà Thatcher chỉ nhận được vẻn vẹn có 4 tấm thiệp chúc mừng. Khi tình trạng sức khỏe của bà Thatcher không tốt, bạn bè của bà càng ít có cơ hội thăm viếng hơn. Chỉ có một một vài người bạn thân mới được lên phòng gặp bà vào những tháng cuối đời.
Bị chứng suy giảm trí nhớ hành hạ trong hơn một thập kỷ, hậu quả từ những cơn đột quỵ nhẹ xuất hiện liên tục, bà Thatcher chống lại bệnh tật với sự kiên cường vốn là đặc tính của bản thân. “Bà thậm chí còn coi việc tới gặp bác sĩ hồi đầu những năm 2000 như một cơ hội chứng minh rằng bản thân không thể bị bệnh tật hạ gục” - ông cố vấn Robin Harris, cố vấn của bà Thatcher chia sẻ.
Sau một lần đột quỵ nữa vào tháng 12/2009, bà Thatcher đã không còn có thể nói liền mạch một câu. Dần dần, người ta không còn hiểu bà đang nói gì nữa. Đến năm 2011, mỗi cuộc gặp gỡ với bà đều có thể khiến người khác cảm thấy thương tâm.
“Bà thường cố nêu ra một điểm nào đó, nhưng rồi quên mất và rồi bà sẽ nhìn thẳng vào anh. Thế rồi bà lại thử nhớ lại, nhưng vô ích. Cuối cùng, bà thu mình lại và kết bạn với một con mèo” – ông Harris kể.
Trong những năm tháng cuối đời, bà Thatcher phải chịu nỗi khổ về tinh thần, cơ thể cũng bị bệnh tật tàn phá, lại còn phải chịu đựng sự xa cách của con cái. Trong căn phòng của bà có đặt rất nhiều ảnh của chồng, con và các cháu, nhưng thực tế, bên cạnh bà lại không có bất cứ người thân nào. Ngay cả lúc bà lâm chung, các con bà cũng không có mặt để lo lắng hậu sự cho bà.
Margaret Thatcher qua đời ngày 8/4/2013, sau một cơn đột quỵ. Di sản bà để lại là hình ảnh một chính trị gia có lý tưởng và niềm tin vững chắc, sẵn sàng bảo vệ niềm tin đó khi thực hiện chính sách của mình. Tuy nhiên, ít người biết rằng những gì mà “bà đầm già” phải trải qua trong những năm tháng cuối đời lại thực sự là một bi kịch trong cô quạnh.
Bình luận