Khi tới New York để dự phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson, có nói rằng đã đến lúc ký kết một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran để thay thế Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA).
“Nếu như các bạn không còn tán thành với thỏa thuận hạt nhân cũ với Iran, thì đến lúc tiến về phía trước và ký kết một thỏa thuận mới” - ông Johnson nói. Theo lời nhà lãnh đạo Anh, London sẽ trao đổi chủ đề này với các đối tác châu Âu và Mỹ để tạo điều kiện thúc đẩy ý tưởng này.
Bên cạnh đó, Văn phòng Thủ tướng Anh, khi bình luận về tuyên bố của ông Johnson, cũng khẳng định rằng Anh vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hiện hành và kêu gọi Iran thuân thủ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tán thành đề xuất của ông Johnson. “Ông Boris - bạn của tôi – là một người rất thông minh. Ông ấy muốn ký kết một thỏa thuận mới, bởi thỏa thuận trước đó mới hết hạn gần đây” - ông Trump nói, đồng thời khẳng định mình không hề ngạc nhiên khi ông Johnson là người đầu tiên nhắc đến điều này.
Theo nhà lãnh đạo Mỹ, JCPOA không mang lại khả năng kiểm tra các hoạt động của Iran. Ông lưu ý rằng Tehran đã chế tạo vũ khí hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo, bất chấp thỏa thuận này.
Iran ký kết Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) với Nga, Mỹ, Trung Quốc, Pháp, CHLB Đức và Vương Quốc Anh vào năm 2015. Thỏa thuận này quy định Iran phải từ bỏ sản xuất plutonium cấp vũ khí và cắt giảm trữ lượng uranium được làm giàu để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt của các nước phương Tây và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận vào tháng 5/2018, và sau đó khôi phục một loạt các biện pháp trừng phạt chống lại Iran.
Đầu tháng 5 năm nay, Iran tuyên bố chấm dứt tuân thủ một số điều khoản của JCPOA liên quan đến trữ lượng uranium và nước nặng. Khi đó, Tehran tuyên bố rằng nếu các quốc gia khác không thực hiện nghĩa vụ của mình trong vòng 60 ngày, “đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ”, thì nước này sẽ xem xét đưa ra một loạt các động thái mới.
Kết quả là Iran là làm đúng như những gì đã hứa. Cụ thể, vào đầu tháng 7, Iran vượt quá giới hạn trữ lượng uranium được làm giàu, đồng thời tuyên bố sẽ đẩy nhanh hơn nữa mức độ làm giàu uranium. Giải thích cho quyết định của mình, chính quyền Iran cho rằng các quốc gia khác tham gia thỏa thuận này đã không thể tiến hành các biện pháp kinh tế có lợi cho Tehran. Đến tháng 9, Tehran chấm dứt tuân thủ các quy định hạn chế đối với việc nghiên cứu hạt nhân.
Bình luận