Gia đình truyền thống của Hàn Quốc yêu cầu con cái phải có trách nhiệm với cha mẹ già. (Ảnh minh họa: Korea Times) |
Theo Cultural Atlas, người Hàn Quốc rất coi trọng cội nguồn và gia đình. Những người trong nhà luôn trung thành với nhau và tận tâm duy trì mối quan hệ của họ.
Con cái nợ công ơn sinh thành, dưỡng dục từ cha mẹ, đây là quan điểm của nhiều thế hệ tại Hàn Quốc. Để trả món nợ này, con cái có bổn phận phải thể hiện sự hiếu thảo như kính trọng cha mẹ, chăm lo họ khi về già, để tang chu đáo trong đám ma, thực hiện đầy đủ các nghi lễ hàng năm sau khi họ qua đời và sinh con để nối dõi.
Thế hệ từ chối trách nhiệm
Tuy nhiên, nhiều người nhận thấy thế hệ trẻ tại Hàn Quốc có trình độ học vấn cao đang bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cá nhân, điều này khiến họ ít tập trung vào gia đình hơn. Những thanh niên xứ kim chi bắt đầu từ chối các quy ước về sự hiếu thảo và trách nhiệm phải chăm sóc người lớn tuổi trong gia đình.
Nhận thức về vấn đề con cái có bổn phận và nghĩa vụ phải lo cho cha mẹ già đã nhanh chóng mai một tại Hàn Quốc, theo The Korea Bizwire.
Viện Y tế và Các vấn đề Xã hội Hàn Quốc đã tiến hành khảo sát 7.865 hộ gia đình, trong đó chỉ có 21,4% người tham gia tin rằng họ cần có nghĩa vụ chăm nom người lớn tuổi. 29% khác không đồng ý nhưng cũng không phản đối. Trong khi đó, có tới 49% không đồng ý việc phải lo cho cha mẹ lớn tuổi.
Vào năm 2007, một cuộc khảo sát từng công bố 52,6% con cái tin rằng họ cần phải chăm lo, hỗ trợ cha mẹ khi về già. Chỉ 24,3% có ý kiến khác.
2013 là năm đầu tiên chứng kiến những quan điểm thay đổi. Những người từ chối chăm nom cha mẹ già đã tăng lên 36%, vượt qua những người chấp nhận việc đó là 35,4%.
Khoảng cách này ngày càng tăng cao khi nhiều người Hàn Quốc thay đổi quan điểm, cho rằng đây không phải trọng trách của họ.
Bên cạnh đó, quan điểm cho rằng các bà mẹ nên ở nhà chăm sóc con nhỏ cũng đã suy giảm trong 15 năm qua. Một cuộc khảo sát vào năm 2022 cũng chỉ ra chỉ có 39,6% phụ nữ đồng ý ở nhà để chăm con thay vì đi làm.
Những điều này đã minh chứng cho sự thay đổi đáng kể về nhận thức và vai trò của gia đình trong xã hội Hàn Quốc.
Khác với trước đây, khi gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc trẻ nhỏ và người lớn tuổi, ngày nay, nhiều người cho rằng xã hội và chính phủ cần có trách nhiệm hơn trong việc hỗ trợ người dân đất nước.
Cha mẹ không thể dựa vào con
Theo một cuộc khảo sát công bố vào 17/11/2021, khoảng 70% người trên 60 tuổi ở Hàn Quốc vẫn còn làm việc để kiếm tiền và có cuộc sống tách biệt với con cái.
Cuộc khảo sát do Statistics Korea thực hiện trên 36.000 người chỉ ra rằng đa số người cao niên tại xứ củ sâm tự dựa vào thu nhập của mình hoặc của vợ/chồng thay vì nhờ con cái chu cấp.
Chỉ 14,1% số người được khảo sát dựa vào hỗ trợ tiền bạc từ con cái hoặc gia đình, 13,4% dựa vào trợ cấp từ chính phủ hoặc nguồn phúc lợi xã hội.
Từ năm 2011 đến nay, ngày càng nhiều người lớn tuổi ở Hàn Quốc tự lo tiền dưỡng già hoặc dựa vào trợ cấp của chính phủ, có rất ít người được con cái hoặc người thân chu cấp.
Cũng theo cuộc khảo sát trên, có khoảng 2/3 người trên 60 tuổi sống tách biệt với con cái.
Theo Korea Herald, nhiều người già Hàn Quốc vẫn phải ra đường làm việc chân tay với mức lương ít ỏi do lương hưu thấp, không được con chu cấp.
Kim Bum-jung, giáo sư chuyên về phúc lợi xã hội của Đại học Chung-Ang, nói: "Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 10 trên toàn cầu, nhưng tỷ lệ người già nghèo ở đây lại cao nhất trong số các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế)".
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, tỷ lệ người già nghèo ở Hàn Quốc là 43,4% vào năm 2018, cao gấp 3 lần so với mức trung bình 14,8% của OECD.
“Những người cao tuổi có thu nhập thường xuyên từ tài sản tài chính hoặc bất động sản chỉ là dưới 10%. Những người cao tuổi có thể nhận lương hưu là dưới 40%", ông Kim cho biết.
Tại nhiều đơn vị công, có một số việc làm không thường xuyên cho người cao tuổi với mức lương khoảng 300.000 won/tháng. Dù không nhiều và không đều đặn, vẫn có hơn 800.000 người nộp đơn và khoảng 600.000 người được làm việc vào năm 2020.
Bình luận