Sáng 20/12, phiên tòa xét xử thương vụ MobiFone mua AVG tiếp tục được mở lại sau ngày nghỉ hôm qua (19/12), để bị cáo Nguyễn Bắc Son gặp gia đình giải quyết số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD.
Trrước đó, vào chiều 18/12, bị cáo Nguyễn Bắc Son - cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, việc ký phê duyệt MobiFone mua Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình AVG là do có sự tham mưu, tư vấn của các bộ khác như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an.
Theo bị cáo Son, trong văn bản 2889 của Bộ Công an trả lời Bộ TTTT ghi rõ: “Quá trình, quy trình Bộ TTTT chỉ đạo dự án MobiFone này là thực hiện chặt chẽ, tuân thủ các quy định của pháp luật, có điều kiện để giải quyết an ninh văn hóa như Bộ Công an nêu và giá mua thấp hơn nhiều so với giá của các đơn vị…
Dự án này còn là để góp phần quản lý hệ thống truyền hình, hệ thống hiện đại phủ sóng toàn quốc, góp phần bảo vệ an ninh văn hóa tư tưởng. Chính vì vậy, đề nghị Bộ và cơ quan có liên quan tạo quy chế đặc thù để MobiFone thực hiện dự án có hiệu quả”.
Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đề nghị Thủ tướng chấp thuận MobiFone đầu tư dự án này, giao Bộ TTTT phê duyệt dự án.
Trong công văn 1095 của Bộ Tài Chính cũng ghi rất rõ về giá, thủ tục trình tự về giá, Bộ này trích dẫn khoản 4 điều 28.
"Chính anh Trọng soạn thảo văn bản cũng rất chắc chắn là đề nghị về thủ tục thì Bộ TTTT gửi hỏi Bộ Tài chính về giá mua thế này phù hợp chưa. Bộ Tài chính khẳng định là đề nghị Bộ TTTT phê duyệt, giá mua bán cổ phần, cổ phiếu không thuộc thẩm quyền mua bán cổ phiếu, cổ phần doanh nghiệp và doanh nghiệp tự làm", bị cáo Son nói.
Bị cáo Son cho biết, 3 đơn vị thẩm định giá AVG đã được Bộ Tài chính cấp phép hành nghề trong năm 2015. Vì vậy, MobiFone thuê thẩm định giá là phù hợp. “Việc mua AVG là của hội đồng thành viên MobiFone quyết định”, cựu Bộ trưởng TTTT cho hay.
Theo bị cáo Son, Dự án MobiFone mua AVG là dự án lớn, triển khai trong thời điểm có những yếu tố chủ quan và khách quan. Khách quan là MobiFone đang trong quá trình cải tổ bộ máy, các lãnh đạo của đơn vị này đều mới được bổ nhiệm nên không tránh khỏi sai sót nhất định trong quá trình triển khai dự án.
"Đây là dự án lần đầu tiên Bộ TTTT chỉ đạo dự án, chúng tôi không có kinh nghiệm nên tin vào sự hướng dẫn của các bộ ngành, cơ quan tham mưu. Trong năm 2015, tôi rất bận về quốc hội, luật báo chí", bị cáo nói.
Bị cáo Son cho rằng, dự án được nhiều bộ tham mưu như Bộ Tài chính, Bộ KHĐT, Bộ Công an và các bộ đều đồng thuận nên tạo cho Bộ TTTT niềm tin khi triển khai dự án này.
“Tôi hoàn toàn tin tưởng như vậy, còn nếu giả sử, nếu một trong ba Bộ trên không đồng ý thì dự án chắc chắn không được phê duyệt”, ông Son nhấn mạnh.
Video: Ông Nguyễn Bắc Son xin gặp gia đình để sớm khắc phục hậu quả nhận hối lộ
Bên cạnh đó, theo bị cáo Son thời điểm thực hiện dự án, Luật 67, 69 mới ra đời, chưa được Chính phủ hướng dẫn nghị định nên Bộ TTTT cho phê duyệt. “Không chỉ chúng tôi, hai Bộ kia (Bộ KHĐT và Bộ Tài chính) vẫn sai theo luật 67 và 69, dẫn đến định hướng sai”, cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.
Từ những yếu tố khách quan và chủ quan trên, bị cáo Nguyễn Bắc Son mong HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm cho bản thân và những bị cáo khác.
"Trong vụ án này, không có ai chủ mưu cầm đầu, chúng tôi chuyển cơ quan tham mưu đề xuất", ông Son nói.
Sau lời trình bày của bị cáo Nguyễn Bắc Son, HĐXX nhận xét những phần trình bày của bị cáo tại tòa không khác nhiều với bản cáo trạng truy tố. Tuy nhiên, HĐXX đánh giá cao việc Nguyễn Bắc Son nhận trách nhiệm trong dự án.
"Bị cáo nêu được tương đối đúng bản chất của vấn đề, về góc độ cá nhân, bị cáo cũng rất dũng khí nhận trách nhiệm về mình. HĐXX sẽ lưu ý và quan tâm những lời trình bày đó của bị cáo, đánh giá tính chất mức độ khách quan và chủ quan một cách toàn diện nhất", thành viên HĐXX cho hay.
Phiên toà dự kiến kéo dài tới 31/12.
Theo cáo trạng, trước khi ban hành Quyết định số 236 ngày 21/12/2015 phê duyệt dự án MobiFone mua cổ phần của AVG, Bộ TTTT có văn bản báo cáo Thủ tướng và xin ý kiến của các Bộ chuyên ngành.
Theo đó, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 2678 ngày 14/12/2015. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản số 721 ngày 24/11/2015. Bộ Tài chính có Văn bản số 1095 ngày 18/12/2015. Bộ Công an có Văn bản số 2889 ngày 21/12/2015, trả lời Bộ TTTT. Bộ TTTT căn cứ vào các văn bản nêu trên để ban hành Quyết định số 236 ngày 21/12/2015 phê duyệt Dự án.
Tài liệu điều tra xác định được các cá nhân là lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính chưa làm đúng, đầy đủ trách nhiệm theo nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành các văn bản trả lời Bộ TTTT không đúng quy định, dẫn đến việc các bị can ở Bộ TTTT dựa vào đó ban hành Quyết định số 236 trái pháp luật gây ra các thiệt hại về vật chất và tổn hại đến uy tín của Cơ quan quản lý Nhà nước.
Tuy nhiên, Bộ TTTT phải chịu trách nhiệm về việc Phê duyệt quyết định đầu tư dự án; tài liệu điều tra chưa xác định được trách nhiệm trực tiếp của các cá nhân có liên quan đối với hậu quả của vụ án, đồng thời thiệt hại về vật chất đã được khắc phục trước khi khởi tố vụ án Vi phạm quy định của nhà nước về đầu tư công; các cá nhân vi phạm đã bị xử lý kỷ luật Đảng, xử lý trách nhiệm hành chính nghiêm khắc nên không xử lý trách nhiệm hình sự.
Việc Bộ Công an ban hành Công văn số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015 trả lời Công văn số 235 ngày 21/12/2015 của Bộ TTTT vì đây là dự án đầu tư dịch vụ truyền hình nên có liên quan đến bảo đảm về an ninh kinh tế, văn hóa, tư tưởng, thông tin, truyền thông và theo quy định của Luật 67/2014/QH13 và Luật 69/2014/QH13 điều chỉnh đối với dự án này thì Bộ Công an không phải là cơ quan có trách nhiệm thẩm định đối với dự án.
Bình luận