Ngày 3/1, TAND TP Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm xét xử 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm") cùng 18 bị cáo trong vụ thâu tóm nhà đất công sản ở Đà Nẵng gây thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng.
Sau một ngày làm thủ tục và công bố cáo trạng, phiên toà bước sang phần xét hỏi. Trước khi xét hỏi các bị cáo, Chủ toạ phiên toà yêu cầu dẫn giải bị cáo Phan Văn Anh Vũ vào phòng cách ly.
Phan Xuân Ít, nguyên Chuyên viên, Trưởng phòng, nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng là bị cáo đầu tiên được HĐXX yêu cầu đứng lên bục khai báo.
Trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Ít thừa nhận các hành vi sai phạm như cáo trạng của VKSND tối cao quy kết.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ 2006 đến 2013, Phan Xuân Ít trực tiếp tham mưu, đề xuất, soạn thảo các công văn, quyết định có nội dung trái pháp luật về quản lý công sản và pháp luật về đất đai để Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và Nguyễn Ngọc Tuấn cho phép bán 20 nhà, đất công sản gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.000 tỷ đồng, 4 dự án bất động sản gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng.
Tại phiên toà, bị cáo Phan Xuân Ít khai bị cáo làm theo văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
“Khi có chủ trương, Chủ tịch chỉ đạo bằng bút phê vào văn bản đề nghị của những người có nhu cầu nhận chuyển nhượng để chuyển bị cáo dự thảo văn bản quyết định đồng ý yêu cầu”, bi cáo Ít khai.
Bị cáo cho rằng thời điểm đó, bị cáo có trách nhiệm thực hiện các chỉ đạo của cấp trên và nghĩ là đúng. Bị cáo biết việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất công phải qua đấu giá tuy nhiên “có chủ trương chỉ đạo của lãnh đạo thì vẫn phải chấp hành”.
Phan Xuân Ít khai không có quan hệ gì với Vũ “nhôm” nhưng biết Vũ “nhôm” có quan hệ với lãnh đạo Đà Nẵng, cụ thể là Bí thư và Chủ tịch thành phố.
Bước lên bục khai báo, bị cáo Nguyễn Công Lang, nguyên Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng thừa nhận thực hiện các hành vi như trong cáo trạng quy kết
Bị cáo khai quyết định chủ trương chuyển nhượng nhà đất công sản là của Chủ tịch thành phố, việc thực hiện chuyển nhượng của bị cáo được thực hiện theo sự chỉ đạo bằng văn bản của UBND TP Đà Nẵng, thông qua sở chủ quản.
Bị cáo biết việc chuyển quyền sử dụng đất công sản của nhà nước bắt buộc phải qua đấu giá nhưng thành phố có chủ trương và không vướng quy hoạch nên đã bán cho các doanh nghiệp đang thuê thời điểm đó.
Là người thứ 3 được yêu cầu đứng lên bục khai báo, bị cáo Huỳnh Tấn Lộc, nguyên Tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng trình bày các hành vi nêu trong cáo trạng và trong đơn giải trình gửi HĐXX, Viện Kiểm sát.
Khi HĐXX hỏi về việc cáo trạng truy tố có đúng tội hay không, bị cáo Lộc nói có chỗ đúng, có chỗ chưa đúng, nhưng khi được trình bày thì ông Lộc bị tòa yêu cầu dừng do nói “miên man”.
“Tôi là doanh nghiệp, tôi thấy những gì có lợi cho doanh nghiệp thì làm. Việc công ty mua các nhà, đất công sản cũng có nhu cầu mua, đã làm đơn xin mua 4 nhà, đất nhưng thành phố chỉ giải quyết 2 (37 Pastuer và 57 Lê Duẩn).
Công ty có làm công văn gửi lên thành phố để mua tài sản, khi được giải quyết mua 2 tài sản, lúc đó cố Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và Chủ tịch UBND TP là Trần Văn Minh có điện cho tôi nói cái nào không dùng thì bán cho Vũ (giám đốc công ty của Bộ Công an).
Sau đó tôi và Vũ gặp nhau, lúc đầu Vũ đề nghị mua luôn 2 cái, nhưng số 57 Lê Duẩn do công ty đóng ở đó nên không nhượng và chỉ bán ở 37. Chúng tôi chỉ bán được tài sản trên đất, còn đất muốn mua thì công ty sẽ hứa làm thủ tục mua đất, và Vũ có nhờ công ty ký một số công văn giấy tờ”, bị cáo Lộc khai trước tòa.
Bị cáo Lộc cho rằng thời điểm thực hiện thoả thuận với Vũ “nhôm” do hiểu biết pháp luật hạn chế bị cáo không biết là sai, nhưng đến khi làm việc với cơ quan cảnh sát điều tra và sau khi bị khởi tố bị cáo nhận thực được việc làm của mình là không đúng.
Bị cáo Lộc cho rằng bản thân có tội những không đến mức như cáo trạng truy tố.
Bình luận