• Zalo

Bí ẩn về loài bò xám huyền thoại ở Việt Nam

Phóng sự - Khám pháThứ Ba, 13/11/2012 02:22:00 +07:00 Google News

Một số bộ đội biên phòng cho hay, vào tháng 3/1989 đã từng giáp mặt bốn con bò xám ở đồi Yangke cách biên giới Việt Nam - Campuchia 6km.

Hàng chục cuộc tìm kiếm nhưng tới nay các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện được dấu tích nào chứng minh được sự tồn tại của bò xám trong Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn.

Dấu vết mơ hồ tại Việt Nam

Như khẳng định của PGS Hà Đình Đức, mục tiêu chính của cuộc khảo sát về bò xám đã không mang lại kết quả. Các nhà khoa học không tìm thấy dấu vết của loài này ngoài tự nhiên. Những thông tin thu được sau hành trình xuyên rừng Yok Đôn chỉ được ghi nhận qua các cuộc phỏng vấn với các quan chức và nhân dân địa phương.

Ông Đức cho biết, một vài người dân Bản Đôn và Buôn Drang Phok quả quyết đã nhìn thấy bò xám 3 lần vào năm 1989. Già làng Ma Đinh, dân tộc Gia Rai ở Bản Đôn là quản tượng cho đoàn khảo sát nói rằng, ông đã trông thấy một đàn bò xám vào khoảng 20 - 30 năm trước đây, nhưng giờ rất hiếm.

Một quản tượng khác là Ma Tiên cũng từng trông thấy một con bò xám đực ở suối Dak Nor vào tháng 3/1989. Cả hai đều khẳng định, về mùa mưa, bò rừng Banteng, bò tót và voi thường di cư từ Campuchia về phía rừng Việt Nam. Họ đã nhìn thấy rất nhiều dấu chân để lại trên đất đã khô ở gần Dak Na và Dak Nor.

Sự xuất hiện của bò xám tại Việt Nam vẫn là điều bí ẩn 
Một thợ săn có tiếng tại Buôn Ma Thuột tên là A Manha cũng khẳng định, có nghe các già làng kể lại, năm 1977 ông Buka đã bắn hạ một con bò xám gần VQG Yok Đôn. Một số bộ đội biên phòng cho hay, vào tháng 3/1989 đã từng giáp mặt bốn con bò xám ở đồi Yangke cách biên giới Việt Nam - Campuchia 6km.

Ông Đức cho biết, chỉ hai trong số hàng trăm dấu chân của trâu bò rừng được kiểm tra trong các đợt khảo sát là phù hợp với dấu chân bò xám. Tuy nhiên, cả hai dấu vết đều đã cũ trên đất bùn khô cứng và bị méo mó dưới cái nắng như thiêu như đốt. Những dấu chân còn lại rõ ràng là của bò rừng, bò tót và trâu rừng.

Nhiều năm sau, các cuộc khảo sát của chuyên gia quốc tế vẫn tiếp tục diễn ra. Các chuyên gia quốc tế tiếp tục kết hợp với các nhà khoa học Việt Nam và Lào tiến hành khảo sát Kouprey ở tỉnh Champassak, Nam Lào. Nhân dân bản Xót cho biết, trước đó họ đã gặp một đàn 6 con Kouprey (?). Đoàn dự định đến khu vực biên giới Campuchia và Thái Lan, nhưng theo cảnh báo của những chuyên gia tìm kiếm và khai thác dầu khí lục địa Anh thì khu vực này cực kỳ nguy hiểm.

Dưới lòng đất có thể còn hàng vạn quả mìn bị chôn vùi. Chính đoàn khảo sát của họ cũng từng vấp phải mìn khi đang tiến hành ngoài thực địa. Họ cũng đưa cho đoàn xem tập ảnh các loại mìn được tìm thấy ở đây. Vì vậy công việc lại bị dừng lại. Khi trở về, các thành viên trong đoàn đều bị sốt rét.

Năm 1994, Nate Thayer nguyên phóng viên một tờ báo của Mỹ dẫn đầu một toán 26 người lính và nhà báo vào vùng hẻo lánh Đông Bắc Campuchia để tìm kiếm. Qua hai tuần khảo sát thiên nhiên với 150km, nhưng đoàn cũng không tìm được dấu vết Kouprey. Một vài người sớm bị kiệt sức vì trời nóng, những người khác biểu hiện mụ mị bởi sự lạm dụng thuốc phiện và rượu.

Thayer đã chi 30.000 USD cho chuyến khảo sát nhưng cũng không thu được kết quả gì và chỉ dự đoán có thể còn một đàn khoảng vài con Kouprey tồn tại ở một vùng nhỏ Mondulkiri!.

Ông nói: "Tôi không một chút nghi ngờ sự tồn tại của Kouprey, các nhà nghiên cứu cứ đến đó mà ngồi chờ!". Cũng thời gian này, cơ quan nghiên cứu bảo vệ động vật hoang dã Campuchia và một vài nhà tài trợ phi chính phủ cũng nghiên cứu ở vùng này bằng phương pháp viễn thám. Toàn vùng khảo sát rộng 5.238km2 với 34,7 giờ bay nhưng không thu được kết quả gì.

Sự thực hay ảo ảnh?

Sau suốt một thời gian dài tìm kiếm gốc tích loài bò xám không kết quả, Men Soriyun, phó giám đốc cơ quan Bảo vệ Động vật hoang dã đã phải chua chát kết luận: "Kouprey không giống như bất cứ chủng quần nuôi nhân giống nào còn tồn tại, và loài này có thể đã hoàn toàn tuyệt chủng ngoài thiên nhiên. Rất nhiều cuộc tìm kiếm được tiến hành nhưng kết quả đạt được chỉ là những hy vọng vô cùng mong manh.

Kể từ sau khi phát hiện ra loài Kouprey, chúng cứ như muốn trêu ngươi con người mỗi khi muốn tiếp cận để tìm hiểu về nó. Vùng rừng núi ở ngã ba Đông Dương - biên giới ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia là nơi sinh sống của Kouprey. Tuy nhiên, những cuộc săn tìm chúng luôn gặp trắc trở và đầy nguy hiểm bởi chiến tranh triền miên cùng những bất ngờ đầy bí ẩn".

Thậm chí đến khi tình hình chính trị Đông Dương đã ổn định, công cuộc bảo tồn động vật hoang dã đã được nhiều tổ chức quốc tế quan tâm hơn, nhưng sự tìm kiếm Kouprey vẫn luôn xa vời. Điều các nhà khoa học mong đợi là được một lần mặt đối mặt với loài bò xám đặc biệt này, nhưng vẫn chưa một lần thành hiện thực. Suốt 50 năm qua chưa có một nhà khoa học nào thực sự trông thấy Kouprey ngoài thiên nhiên!

Cũng vào năm 2004, giới khoa học xôn xao khi có thông tin một con bò xám đã xuất hiện ở bản Bạch Đàn, xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ (Quảng Bình). Tuy nhiên, PGS Hà Đình Đức phủ nhận thông tin này.

Theo như khẳng định của Chi cục kiểm lâm Quảng Bình, con vật trên thường xuất hiện khi trời chạng vạng tối, khoảng 18h, ra ăn cỏ với đàn bò của dân và bỏ đi sau khoảng 2-3 tiếng. Con bò này to cao hơn nhiều so với bò thường, nặng khoảng 2 tấn và rất dữ. Nó đã làm chết hai con bò đực của người dân, nên bị người dân đánh bẫy, song thoát được, nên hiện đi lại cà nhắc.

Các cán bộ kiểm lâm không thu được hình ảnh của nó nhưng đã ghi lại được dấu chân và thông báo lên Cục kiểm lâm quốc gia. Tuy nhiên, đại diện Cục kiểm lâm cho biết, chưa hề nhận được thông tin nào về một con bò quý hiếm tìm thấy tại Quảng Bình.

PGS Hà Đình Đức cũng cho biết, 99% thông tin về bò xám xuất hiện tại Quảng Bình là sai. "Từ thập niên 80, bò xám đã không còn nhìn thấy trên lãnh thổ Việt Nam và nó gần như bị coi là tuyệt chủng trên toàn thế giới. Bò xám được các chuyên gia thế giới đánh giá là động vật hoang dã quý hiếm số một. Do vậy, nếu thực sự tìm thấy một cá thể của loài này tại Việt Nam, đó sẽ là một thông tin "động trời" và sẽ thu hút sự chú ý của nhiều nhà khoa học trên thế giới", ông Đức khẳng định.

Theo PGS Đức, địa bàn phân bố của bò xám chủ yếu ở biên giới Việt Nam - Campuchia - Lào, không thể có ở Quảng Bình bởi vì sinh cảnh rừng ở đây không thích hợp với đời sống của bò xám.

Lần trước, cũng từng có thông tin tìm thấy bò xám ở Ea Ca (Đăk Lăk), nhưng sau đó các nhà khoa học xác nhận lại rằng đó chỉ là một con bò tót.

Từng nhiều năm nghiên cứu về bò xám, vị chuyên gia này cho rằng, có thể người dân Quảng Bình đã nhầm bò xám với con bò rừng Banteng, vì bò rừng Banteng bình thường có màu lông vàng, nhưng con đực khi về già màu lông cũng trở nên xám.
Năm 2004, Chính phủ Campuchia một lần nữa quyết định coi Kouprey là Quốc vật của đất nước chùa Tháp. Sau đó ít lâu, một bức tượng Kouprey có kích thước như thật được dựng ở gần chùa Wat Phnom. Đây là một ngôi chùa lịch sử và là một trong những chùa quan trọng nhất ở Thủ đô Phnôm Pênh. Lic Vuthy, nghiên cứu quản lý rừng trước đây đưa ra tất cả báo cáo đầy đủ về Kouprey. Trong đó bao gồm các cuộc phỏng vấn với những chuyên gia đã từng nghiên cứu Kouprey và đưa ra kết luận cuối cùng đáng tin cậy những dấu vết của Kouprey ở Campuchia đã được tìm thấy vào những năm 1980. Tất cả những báo cáo sau này đều là giai thoại đồn đoán.

Anh Đức - Thanh Xuân(ĐS&PL)

Bình luận
vtcnews.vn