• Zalo

Bí ẩn về hai đứa trẻ tê liệt toàn thân khi màn đêm buông xuống

Khám pháThứ Ba, 17/05/2016 06:55:00 +07:00Google News

Hai anh em 9 và 13 tuổi cũng bình thường và hiếu động như bao cậu bé khác, thế nhưng ngay sau khi mặt trời lặn, cả hai đều rơi vào tình trạng tê liệt.

(VTC News) – Hai anh em 9 và 13 tuổi cũng bình thường và hiếu động như bao cậu bé khác, thế nhưng ngay sau khi mặt trời lặn, cả hai đều rơi vào tình trạng tê liệt hoàn toàn.

Shoaib Ahmed và Abdul Rasheed, hai anh em người Pakistan đang phải chịu đựng một hiện tượng hết sức kỳ bí, làm bối rối cả những bác sĩ hàng đầu.

Mỗi ngày, Shoaib và Abdul thức dậy với những tia sáng đầu tiên của mặt trời, tràn đầy năng lượng và sức sống như bao đứa bé trai cùng trang lứa khác. Chúng làm việc nhà, rồi đi học, đi chơi… tức là chẳng có điều gì đặc biệt.

Nhưng sự thực là có một chiếc đồng hồ đếm ngược đang lơ lửng trên đầu chúng, và sẽ tạm dừng tất cả mọi thứ vào cuối buổi chiều. Bởi vì khi mặt trời di chuyển về phía Tây, năng lượng trong cơ thể của hai cậu bé tội nghiệp cũng giảm dần và khi màn đêm buông xuống, cả hai sẽ hoàn toàn bị tê liệt cho đến tận sáng hôm sau.

Shoaib và Abdul cũng bình thường như các cậu bé khác, nhưng chỉ vào ban ngày.
Shoaib và Abdul cũng bình thường như các cậu bé khác, nhưng chỉ vào ban ngày. 

Cha mẹ của hai cậu bé kể rằng ngay từ lúc sinh ra, cuộc sống của chúng đã phụ thuộc hoàn toàn vào ánh sáng mặt trời, và người dân ở quê nhà cũng từ đó mà gọi chúng là “những đứa con của mặt trời”.

“Tôi nghĩ rằng con trai tôi nhận năng lượng từ mặt trời”, Mohammad Hashim cha của hai đứa bé khẳng định. Giả thuyết của ông đã bị các bác sỹ loại bỏ dễ dàng: họ đưa các cậu bé vào một căn phòng hoàn toàn không có ánh mặt trời vào ban ngày, nhưng không có điều gì khác lạ xảy ra.

Ý tưởng cho rằng mặt trời đã mang lại năng lượng sống cho hai cậu bé cũng mâu thuẫn với thực tế là chúng vẫn hoạt động bình thường, ngay cả khi trời đầy mây hay thậm chí là trong những ngày mưa bão.


Những cậu bé kỳ lạ sinh ra trong một ngôi làng nghèo khó ở tỉnh Balochistan của Pakistan, hiện đang được nghiên cứu và điều trị bởi những chuyên gia y tế hàng đầu tại thủ đô Islamabad. Chính phủ Pakistan đã quyết định tài trợ hoàn toàn chi phí ăn ở và điều trị cho chúng.

Các mẫu bệnh phẩm cũng đã được gửi tới nhiều nhà khoa học hàng đầu trên thế giới, với hy vọng tìm ra được nguyên nhân gây nên hiện tượng dị thường mà chúng đang phải chịu.

Ngay khi mặt trời lặn, hai cậu bé gần như bị tê liệt, không thể ăn uống, nói chuyện hay thậm chí là mở mắt.
Ngay khi mặt trời lặn, hai cậu bé gần như bị tê liệt, không thể ăn uống, nói chuyện hay thậm chí là mở mắt. 

Javed Akram, giáo sư y khoa tại Viện khoa học Y tế Pakistan (PIMS), người đang cố gắng điều trị trực tiếp cho hai cậu bé, đang vật lộn để tìm một lời giải thích cho những triệu chứng kỳ lạ chưa bao giờ được ghi nhận trên thế giới này.

“Chúng tôi coi trường hợp này là một thách thức!”, ông nói với phóng viên hãng AP. “Bác sỹ của chúng tôi đang cố gắng thực hiện các xét nghiệm y tế để xác định lý do tại sao những đứa trẻ này vẫn hoạt động bình thường vào ban ngày nhưng lại không thể ăn uống, nói chuyện hay thậm chí là mở mắt, khi mặt trời lặn”.

Có một điều đáng chú ý, cha mẹ của Shoaib và Abdul là anh em họ. Một số bác sỹ cho rằng đây có thể là một trong những nguyên nhân tiềm năng đối với bệnh tình của chúng, đặc biệt là khi đứa con trai út của họ mới một tuổi, cũng bắt đầu xuất hiện những triệu chứng tương tự.

Thế nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức giả thuyết, các bác sỹ chưa tìm thấy bất cứ tác nhân cụ thể nào kiểm chứng những phán đoán được đưa ra.

Tuy nhiên, điều đáng mừng là mặc dù chưa tìm được nguyên nhân, bệnh tình của các cậu bé vẫn có những cải thiện đáng kể kể từ khi được tiếp nhận vào điều trị và chăm sóc tại Viện y học Pakistan ở Islamabad.

Các bác sỹ ghi nhận được lần đầu tiên, hai cậu bé đã có thể cử động nhẹ nhàng vào ban đêm. Shoaib và Abdul đang hy vọng có thể phục hồi hoàn toàn để thực hiện những ước mơ của chúng.

“Cháu sẽ trở thành một giáo viên”, Shoaib cho hay, trong khi em trai cậu, Abdul muốn trở thành một học giả Hồi giáo.

“Những đứa con của Mặt Trời” ở thế kỷ 21 dĩ nhiên không có được Hào Quang và Quyền Lực như các Pharaoh Ai Cập xưa kia, những kẻ cũng tự xưng là “con của Mặt Trời”. Chúng chỉ là những đứa trẻ nghèo đang phải đối mặt với một căn bệnh kỳ lạ bậc nhất trên thế giới.

Chỉ cầu mong sao một ngày nào đó, Shoaib và Abdul lại có thể là những cậu bé bình thường để được sống một cuộc đời bình thường, vui vẻ, như chúng hằng mong muốn!


Thái Hồ
Bình luận
vtcnews.vn