Tôi đã từng được nghe nhiều người kể truyền miệng nhau về những phép thuật huyền bí của các ông thầy mo trên các bản làng dân tộc… Họ có thể chữa được các chứng bệnh "tà ma" chỉ bằng chai nước phép và những câu thần chú. Hay ban phát tình yêu một cách dễ dàng cho những đôi lứa đang trong thời lạnh nhạt… Nhưng sự thật có phải như vậy…
Để tìm hiểu về công việc "bí hiểm" của những thầy mo này, tôi cất công lên xứ Mường xa xôi để tìm gặp một thầy mo thứ thiệt. Khi đi tới xứ Mường Bi (nay thuộc huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) hỏi người dân nơi đây, mọi người cho tôi biết, thầy mo ở đây có nhiều lắm nhưng nổi tiếng nhất là ông Mo Lựng.
Ông được coi như một "pho sách sống" của xứ Mường vì thuộc làu sử thi Đẻ đất đẻ nước dài hơn 50.000 câu thơ và am hiểu sâu sắc phong tục tập quán của người Mường.
Thầy mo không phải thầy thuốc
Theo sự chỉ dẫn của người dân bản địa, tôi đi tìm nhà thầy Lựng. Đường vào nhà mo Lựng là một con đường đất trơn trượt, lối vào cây cối mọc um tùm đúng chất nguyên sơ của các bản làng dân tộc vùng cao. Thấy khách đến mo Lựng vui vẻ chào đón, khi biết tôi làm nhà báo muốn tới tìm hiểu về công việc của những người được gọi là thầy mo, ông càng có vẻ khoái chí.
Mo Lựng tên đầy đủ Bùi Văn Lựng, sinh năm 1957, đến đời ông là đời thứ 7 làm mo. Nhà có đông anh em, nhưng thầy Lựng là người có "căn duyên" nhất, nên được chọn làm người kế nghiệp. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã đi theo các cụ làm lễ, nghe mo đọc các bài sử thi, dần dần những nghi lễ đó thấm nhuần vào ông.
Thầy mo Lựng. |
Người Mường ở xứ này vốn có tục thờ cúng tổ tiên và theo tín ngưỡng đa thần giáo, họ rất quý trọng thầy mo vì cho rằng thầy mo chính là sứ giả giữa thế giới thần linh và nhân gian.
Mỗi khi trong nhà có việc, hoặc có người bị ốm đau nặng, ngoài việc mời thầy thuốc ra, họ đều mời thầy mo đến tận nhà để làm lễ mo, coi thầy mo như một chỗ dựa tinh thần vậy.
Vừa nhâm nhi chén trà, mo Lựng vừa cho tôi biết: "Thầy mo là một người thầy cúng trong các bản, làng, chuyên làm các lễ linh thiêng, lễ hội, đầy tháng tuổi cho trẻ sơ sinh, rước cô dâu mới về nhà, dựng miếu mạo, ma chay, chặt hạ cây cổ thụ, dựng nhà mới… hầu hết những công việc liên quan đến phong tục tập quán.
Nhiều người cứ nghĩ rằng, các thầy mo đều là những người tài giỏi, có đức độ, biết làm nhiều thủ thuật xua đuổi tà ma để chữa bệnh cho mọi người. Ngược lại, cũng không ít người cho rằng, việc làm mo mang tính chất lừa gạt, dối trá... chuyên dùng các loại bùa phép tà thuật để hại người.
Thực ra, thầy mo chỉ là một người mang lấy trách nhiệm thực hiện một số công việc liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh của cá nhân, của cộng đồng. Do vậy, họ phải có một vài bí quyết nhất định do tiền nhân truyền lại. Có một điểm rất rõ ràng mà không phải ai cũng hiểu: thầy mo không phải là thầy thuốc".
Một số người làm mo cũng có biết một số loại thuốc nam chữa bệnh, nhưng việc họ biết tìm thuốc hoàn toàn khác với việc họ làm nghề thầy mo. Mỗi khi có việc cần nhờ, người trong bản lại đến tận nhà đón thầy mo Lựng về nhà mình. Thầy Lựng cho biết "công việc chủ yếu nhất của thầy mo là việc ma chay đưa tiễn người quá cố hoặc đám giỗ.
Nghi thức để tiến hành mo cho một người qua đời đầu tiên phải mời quan Thiên Thư, Đại Thánh về phù hộ, sau đó thắp hương, thắp đèn từ 5 đến 7 đêm. Trong khoảng thời gian này, thầy mo ngồi đọc sử thi Đẻ đất đẻ nước rồi đến Đẻ loài người đẻ vật để linh hồn người quá cố được bình an, siêu thoát.
Việc mo đọc sử thi Đẻ đất đẻ nước là một cách an ủi, ru rín, hướng con người vào lòng tin, sự thánh thiện sẽ được phù trợ - đó là chữa về tâm lý nhằm giúp người bệnh tin vào sự tốt đẹp, huyền diệu của vũ trụ, trấn an tình thân. Tiếng chuông, mõ khi cúng là thứ âm nhạc tác động vào thần kinh, tạo cảm giác đưa luồng sinh khí khỏe mạnh vào cơ thể".
Mỗi khi cúng mo Lựng mặc y phục riêng. Ðó là chiếc áo dài 5 thân cài khuy bên nách phải, màu xanh hoặc đen, thắt đai lưng, đội mũ vải nhọn đầu như hình chiếc bồ đài và mang theo túi bùa đựng những vật thiêng để đựng những đồ vật làm phép rất quan trọng trong quá trình làm mo.
Thầy Lựng còn cho tôi biết, cái khó và khổ lớn nhất của người làm thầy mo ngoài việc am hiểu các phong tục cũng như nghi lễ làm mo ra đó là việc phải uống được nhiều rượu. Muốn làm thầy mo trước hết phải luyện được tửu lượng cực kỳ cao, làm chủ được mình để không bị say, sao cho đến mức "trăm chén chưa say".
Bởi lẽ, trong khi thực hiện lễ mo, các thầy phải uống rượu nhiều lần, sau khi xong việc lại phải uống rượu mời của tất cả mọi người trong gia đình mời thầy về. Nếu không có cái bụng tốt thì khó làm việc lắm. Như ông thầy Q. ở xóm bên, cũng làm thầy mo, nhưng có lần uống rượu say quá, không kiềm chế được, đã gây sự đánh nhau với cả người nhà. Sau lần đó thì phải bỏ nghề, vì chả còn ai tin tưởng để mời đi mo nữa.
"Túi phép" của thầy mo
Mỗi khi đi mo, mo Lựng luôn mang bên mình một chiếc túi vải thô, được buộc chặt cẩn thận, bên trong đựng các vật để làm lễ gọi là túi Khoát. Đây được coi là một "vật bất ly thân" không thể thiếu của ông.
Thầy Lựng kể rằng, mỗi thầy mo đều có riêng cho mình một chiếc túi phép, nhưng không phải túi nào cũng thiêng và phát huy tác dụng khi đi làm lễ mo cho các gia đình. May mắn, thầy Lựng được thừa hưởng một túi phép cổ do cha ông để lại.
Những đồ vât kỳ lạ trong túi thầy mo. |
Nhờ chiếc túi gia truyền này mà thầy Lựng mới thêm phần "cao tay" trong việc đi mo, và được những người dân ở quanh xứ Mường Bi này tín nhiệm, có bất cứ việc gì là đều tìm đến nhờ cậy cả.
Chiếc túi "phép" của thầy mo Lựng đã được lưu truyền 7 đời, từ thời cha ông khởi nghiệp đến giờ, chiếc túi này đã được dùng cho không biết bao nhiêu lần đi mo, chữa khỏi rất nhiều người đau ốm, mắc bệnh kỳ quái.
Ngoài thầy Lựng ra, rất ít người được nhìn thấy chứ chưa nói đến được sờ tận tay những "bảo vật" gia truyền của thầy mo. Ngay đến cả những người có việc đến mời thầy về, khi làm phép cũng chỉ có mình thầy chứ không ai được bén mảng tới gần, nên cũng không biết bên trong túi có những gì.
Vì tôi lặn lội đường xá xa xôi lên tận đây, lại cũng có một chút "căn duyên"(theo lời thầy Lựng) nên ông cũng mở lòng, chịu phá lệ, mở túi "phép" để cho tôi xem bảo bối gia truyền.
Khi thầy mo Lựng chầm chậm đổ túi phép ra, tôi hết sức ngạc nhiên vì trong đó không phải là những lá bùa phép như những gì người ta đồn thổi mà bên trong túi có rất nhiều thứ cổ vật độc đáo. Từ những viên đá thạch anh trắng, đá hình chân răng, sừng sơn dương, nanh lợn lòi, nanh sói... đã hóa thạch đến lưỡi rìu xéo bằng đồng thau có pha vàng.
Đặc biệt trong đó có bộ răng hàm tinh tinh hóa thạch là vật thiêng độc nhất vô nhị, hiếm có ai có được chứ chưa nói đến cái xứ Mường Bi này.
Thầy Bùi Văn Lựng cho biết: "Túi phép thường dùng để giúp người hay đau ốm được khỏe mạnh. Mỗi vật trong túi phép tượng trưng cho một mệnh hợp thành túi Khoát. Khi đi làm lễ, các đồ trong túi được đổ ra một chậu nước sạch hoặc ngâm vào rượu sau đó bôi lên đầu người bệnh để lấy vía, phần còn lại đổ lên phía trên đầu giường nơi người bệnh nằm".
Những thứ cổ vật này đều có lịch sử lâu đời, hiếm có và rất có giá trị, do cha ông trong quá trình làm nghề thầy mo, nhờ có cơ duyên mới có được.
Theo thầy Lựng, có lần khi được mời đi tham dự lễ hội văn hóa các dân tộc, khi các nhà nghiên cứu trông thấy cổ vật bên trong túi phép của ông đã trầm trồ kinh ngạc và phát hiện ra chiếc trống cúng là loại trống đồng Đông Sơn, Chuông cúng cũng từ thời Đông Sơn 2.000 năm trước, giờ không có nữa.
Cũng vì sở hữu chiếc túi 'thần kỳ" này cùng với việc thuộc lòng sử thi đẻ đất đẻ nước, thầy Lựng được mời đi rất nhiều các sự kiện về phong tục, văn hóa người Mường và các dân tộc thiểu số. Mới đây, ông còn được đoàn nghiên cứu người Ba Lan mời đi nước ngoài để tìm hiểu về nghi lễ mo độc đáo của người Mường mà hiếm có nơi nào trên thế giới có được
Ngọc Tú - Cand
Bình luận